1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Trào nước mắt bài thơ “Lời nhắn từ biển sâu”

(Dân trí) - Bài thơ là lời của người con, người chồng, người cha… vừa nằm xuống dưới đáy sâu biển khơi nhắn nhủ với mẹ già, vợ hiền và con thơ của họ. Nhân vật “tôi” trong bài thơ không rõ ràng hình bóng, không tên, không tuổi… nhưng đọc lại ai cũng hiểu đó là người lính Phòng không - Không quân vừa nằm xuống trong vụ máy bay rơi.

Những ngày qua, triệu triệu người dân Việt như hướng mọi nghĩ suy về biển, nơi có chiếc máy bay Su-30MK2 và CASA 212 lâm nạn. Và nỗi buồn thương đã vỡ oà, khi cuối cùng điều kỳ diệu đã không xảy ra. Thượng tá Trần Quang Khải trong vụ rơi máy bay Su-30MK2 đã hy sinh trên biển. Còn lại, 9 chiến sĩ của máy bay CASA 212 đang bị mất liên lạc mấy ngày qua vẫn chưa có manh mối. Cả Việt Nam vẫn đang nín thở và mẹ già, vợ hiền, con thơ... của các chiến sĩ vẫn đang ngày đêm sống trong đợi chờ, khắc khoải.


Lễ khâm liệm Thượng tá Trần Quang Khải tại cầu cảng Hải đội 2 (Cửa Hội, Cửa Lò, Nghệ An) ngày 18/6. (Ảnh: Nguyễn Duy)

Lễ khâm liệm Thượng tá Trần Quang Khải tại cầu cảng Hải đội 2 (Cửa Hội, Cửa Lò, Nghệ An) ngày 18/6. (Ảnh: Nguyễn Duy)

Cũng trong những ngày qua, trên các trang cá nhân và mạng xã hội, cư dân mạng đã có hàng nghìn lời thiết tha kêu các anh trở về đất mẹ và rất nhiều bài thơ đầy xúc động ra đời.

Trong số những bài thơ đang được dân mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt vì sự xúc cảm của bài thơ đã chạm đến tâm khảm của những người dân đất Việt có bài thơ của tác giả Chiến Văn. Tác giả Chiến Văn (tên thật Nguyễn Văn Chiển) hiện đang công tác tại Bộ Quốc phòng. Và bài thơ của anh được chia sẻ trên mạng xã hội không được đặt tên.

Bài thơ là lời của người con, người chồng, người cha… vừa nằm xuống dưới đáy sâu biển khơi nhắn nhủ với mẹ già, vợ hiền và con thơ của họ. Nhân vật “tôi” trong bài thơ không rõ ràng hình bóng, không tên, không tuổi… nhưng đọc lại ai cũng hiểu đó là người lính Phòng không - Không quân vừa nằm xuống trong vụ máy bay rơi. Những lời thơ đầy tính tự sự, mộc mạc và gần gũi. Nó tựa như một cuộc trò chuyện ngắn ngủi của người đi xa với người ở lại nhưng ẩn đằng sau đó là một sự mất mát lớn lao. Mỗi lời thơ như cứa vào tâm can những người đang sống một sự xót xa đến quặn lòng.

Tác giả Chiến Văn cho biết, những ngày qua, anh cũng như bao người lính trong quân ngũ và bao người dân Việt Nam luôn thấp thỏm đợi chờ những điều kỳ diệu trong vụ tai nạn máy bay ở biển Đông. Nhưng cuối cùng, điều kỳ diệu ấy đã không xảy ra, Thượng tá Trần Quang Khải đã hy sinh lặng thầm trên biển. Anh cũng là một người lính nên khi nghe tin buồn ấy, anh đã không thể cầm nổi lòng mình.

“Tôi sáng tác bài thơ cũng vì tôi là một người lính, mà người lính thì có thể hi sinh bất cứ lúc nào. Vì vậy, tôi thực sự đồng cảm với những đồng đội của mình. Tôi buồn thương cho họ. Nhưng tôi cũng muốn qua sự hi sinh ấy để động viên mọi người hãy luôn tin ở những người lính. Hãy chia sẻ với họ, với những gian nan, thiệt thòi của họ. Chia sẻ, đồng cảm với cả những người thân của họ nữa. Dù khi đau đớn nhất, mọi người hãy luôn bình tâm, cùng nhau vượt qua”, tác giả Chiến Văn nói.


Tác giả Nguyễn Văn Chiển trong lần ra thăm đảo Trường Sa năm 2008

Tác giả Nguyễn Văn Chiển trong lần ra thăm đảo Trường Sa năm 2008

Tác giả cho biết thêm, anh nảy ra ý thơ khi trên đường về quê. Vừa đi vừa nghĩ và nước mắt cứ chảy ròng khi nghĩ đến người đồng đội vừa ngã xuống. Xuống khỏi xe anh cầm điện thoại và viết liền một mạch bài thơ.

“Cứ làm xong một khổ thơ, nước mắt lại chảy ra và tôi không dám đọc lại những gì tôi đã viết. Tôi chỉ sửa lại đúng một chữ khi có một chị và 1một em góp ý. Khi đưa lên trang cá nhân mọi người vào chia sẻ rất nhiều nhưng tôi không dám trả lời, vì sợ trả lời lại xúc động. Tôi làm thơ bằng cảm xúc nên cũng không quen đặt tiêu đề, cứ nghĩ gì là viết ra”.

Tuy nhiên, tác giả Chiến Văn có gợi ý cho người viết, nếu có nói về bài thơ, có thể gọi bài thơ ấy là “Lời nhắn từ biển sâu”.

Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài thơ "Lời nhắn từ biển sâu" của tác giả Nguyễn Văn Chiển:

“Khuya rồi

Sao mẹ còn chưa ngủ?

Đừng chờ con nữa

Con không về đâu

Mẹ ơi!

Con ở đây có đồng đội rồi

Biển mùa này cũng ấm

Dưới đáy đại dương sâu thẳm

Con chỉ mong mẹ bớt buồn đau.

Con biết, mẹ sẽ chẳng trách con đâu

Tội bất hiếu bỏ cha mẹ già đi trước

Lá vàng xin đừng thêm gầy guộc

Dưới đáy sâu lá xanh lại đau hơn.

Cha mẹ sinh ra con

Nhưng thân thể con lại thuộc về nơi khác

Đời binh nghiệp có sá chi tên bay đạn lạc

Con có ngã xuống đâu cũng vì ước mong đất nước thanh bình.

Kìa em

Ngủ đi chứ vợ ngoan của anh

Bát cơm kia sao em bớt lại?

Từ lần này anh ra đi mãi mãi

Mỗi lần bưng mâm ra

Em đừng cố ngồi chờ.

Đừng chong mắt đợi anh cả những lúc đang mơ

Khi con nhìn

em hãy cố giấu mặt đi chỗ khác.

Em có nhớ lần đầu ta gặp

Anh từng nói vui

Phi công các anh là những "người trời".

Nên giờ anh không về thì đừng khóc em ơi

Hãy chăm sóc bố mẹ và dạy con nên người em nhé

Anh tin em sẽ luôn mạnh mẽ

Vợ lính mà. Can trường có kém ai?!?

Ngủ đi

các con yêu của bố ơi

Chỗ bố nằm ngày xưa giờ con không cần chừa ra nữa

Con cũng đừng để cửa

Bố không về được nữa rồi!

Khi nghe tiếng phi cơ vang lên

Con hãy nhìn lên trời

Có bố, các chú, các anh đang dõi theo con đó

Hãy nghe trong tiếng gió

Những lời yêu thương bố gửi các thiên thần.

Hãy bản lĩnh bước đi như con của quân nhân

Và viết tiếp trang sử vẻ vang cho quê hương đất nước.

Không có bố ở bên

Nhưng bố tin các con sẽ làm được

Những ước mơ của bố

dở dang...”.

Hà Tùng Long