1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Nghề mò đá đáy sông

(Dân trí) - Những người có dịp qua cầu Cẩm Thuỷ (thuộc huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) nhìn suống sông Mã, sẽ thấy một làng chài nhỏ bên bờ sông. Từ nhiều năm nay, khi con tôm, con cá ngày càng cạn kiệt, dân chài đã chuyển sang làm nghề mới - mò đá cuội trên sông.

10 người, 3 thế hệ - một con thuyền

Người dân ở đây cho biết, làng chài thuộc địa phận xã Cẩm Phong huyện Cẩm Thuỷ, đã lênh đênh sông nước thế này từ nhiều năm nay. Dân vạn chài sống chính bằng nghề nuôi cá lồng và nghề lặn sông mò đá.

Từ khi có đường Hồ Chí Minh xuyên qua, cầu Cẩm Thuỷ được xây dựng, hai bên đường, nhà cao tầng mọc lên san sát, nhộn nhịp người xe, cuộc sống hiện đại như ùa vào nơi núi rừng heo hút này. Chỉ còn làng chài là lỏm thọt ở giữa, vẫn hiu quạnh lụp xụp, như nó vốn có từ bao nhiêu năm nay.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: Huyện đã trình lên tỉnh xin đất cấp cho cư dân vạn chài Cẩm Phong.

 

Có lẽ, đến cuối năm 2007, những hộ dân này sẽ có đất làm nhà ở. Đối với những hộ là dân tộc thiểu số thì không phải đóng góp gì, những hộ còn lại nộp vài triệu đồng cho mỗi suất.

Tôi xuống thuyền ông Nguyễn Văn Ngọc. Sông Mã đang mùa nước lớn, sóng ngầu sắc đỏ. Đúng lúc gia đình đang ăn cơm giữa bữa, chẳng phải bữa sáng, không phải bữa trưa. Cả nhà quây quần quanh nồi cơm và một bát mắm tép - đã vơi đi phân nửa. Chiếc mâm méo mó cáu bẩn lỏng chỏng mấy cái bát của đám trẻ con, ruồi nhặng bay vo ve xung quanh.

Có tới 10 người với 3 thế hệ sống trong con thuyền nhỏ bé này, gồm vợ chồng ông Ngọc, vợ chồng mấy người con trai ông và lũ cháu nội. Nhà thuyền tạm bợ ngoài chiếc TV đen trắng thì không còn gì đáng giá. Mấy tấm ảnh cưới của anh con trai dán xộc xệch trên vách liếp. Nóc thuyền thủng khắp nơi, những tia nắng rọi vào nhà loang loáng.

Ông Ngọc rót nước mời tôi từ chiếc ấm cáu bẩn đã sứt mẻ, nói: “Làng chài chúng tôi khổ lắm, ngoài mò đá kiếm sống thì không làm được gì thêm. Nhà nào cũng nuôi cá lồng nhưng hai năm mới được thu hoạch một lần, cũng chẳng ăn thua gì đâu, cá chết nhiều. Tất cả các hộ dân trong làng chài đều sống dựa vào nghề lặn tìm đá cuội. Không biết người ta mua đá cuội về làm gì nhưng chúng tôi thấy có cả xe ôtô ở miền trong ra đây lấy hàng...”

Mò đá đáy... sông!

Để lấy được đá, người dân phải ngược dòng lên tận vùng Quan Hoá, Bá Thước. Thuyền đi mất 1 ngày đêm. Chiều nay đi thì trưa mai về, cứ thế ngày này qua ngày khác. Gặp anh Nguyễn Văn Hùng đang mải miết chèo thuyền về bến, anh than: “Sông Mã quanh năm nước xiết, để lặn nhặt được đá vất vả lắm. Nhiều khi phải uống nước mắm lặn xuống đáy sâu, phọt máu mồm, máu mũi mới lấy được một khối”.

Mỗi khối đá, người dân bán được từ 90-150 nghìn đồng tuỳ loại và tuỳ thời điểm. Trừ tiền xăng dầu, chi phí, thì số tiền dư ra cũng chỉ đủ qua ngày. Gần đây, tư thương trong  ép giá, thành ra đá không bán được, cứ vun thành đống dọc bờ sông. Vợ ông Ngọc nói: “Đá mò về đấy nhưng có ăn được đâu. Người ta ép giá quá, nhưng kiểu này có lẽ vẫn phải bán thôi. Rẻ cũng phải bán, không thì lấy đâu ra tiền đong gạo, mua thức ăn...”

Cuộc sống vạn chài lệ thuộc cả vào những viên đá vô tri. Đem đá bán lấy tiền mua gạo, mua thức ăn. Đá giúp cho dân vạn có thể dựng vợ, gả chồng cho nhau, giúp những đứa trẻ sinh ra có thể lớn lên giống như bao đứa khác trên bờ. Đá cũng là tiền mua thuốc cho người già khi đau ốm và cũng là kinh phí mua quan tài đưa họ về với đất.

Một điều tưởng như rất đỗi bình thường, nhưng với người dân ở đây, đó là một cuộc chiến đấu để sinh tồn.

Làng như bèo bọt

Chỉ cách nhau lằn ranh giới mong manh là con nước, nhưng cuộc sống trên bờ và dưới sông khác nhau đến xót xa. Trên bờ náo động, sầm uất bao nhiêu thì dưới bến u ám, tẻ nhạt và nghèo đói bấy nhiêu. Cuộc sống như một định mệnh ràng buộc họ.

Để đầu tư được một chiếc thuyền vớt đá, tối thiểu cũng phải tốn dăm bẩy triệu đồng. Để có được số tiền ấy, hầu hết người dân ở đây đều phải vay mượn. Vì thế, nợ nần chồng chất. Cảnh sống hắt hiu sông nước đã ăn sâu vào tiềm thức họ. Không một đứa trẻ nào được học hành tới nơi tới chốn.

Nghề mò đá đáy sông - 1
  

Những đứa trẻ làng đá đều
không được đi học.

Nguyễn Văn Hưng, một đứa trẻ gầy gò, đen trũi, đã thôi học từ khi hết lớp 8 và giờ thì đã nức tiếng là thợ lặn mò đá có nghề. Hưng cười bẽn lẽn: “Cháu thích đi học lắm chứ, nhưng lấy đâu ra tiền học”.

Hưng chỉ nói gọn lỏn có mấy câu rồi bất thần lao rầm xuống dòng nước, một lúc lâu sau mới ngoi lên nhăn nhó: “Nước dữ quá, chắc đá trôi hết xuống dưới hạ lưu rồi”.

Nguyễn Thị Lệ năm nay 18 tuổi. Lệ thôi học từ rất sớm vác đá, cắt cỏ nuôi cá bè. Lệ bùi ngùi: “Anh tính ai chả muốn được đi học, nhưng chúng em đi học mà không có tiền đóng góp thì tủi hổ với bạn bè lắm. Đành nghỉ ở nhà giúp việc bố mẹ thôi”.

Lệ già trước tuổi, những suy nghĩ của em cũng toàn mầu xám xịt: “Làng chài này như cánh bèo trôi dạt trên sông, theo sóng nước. Biết đâu lần sau các anh quay lại thì làng chài lúc ấy đã chẳng còn dấu tích gì. Những khi mưa đến hoặc những lúc nước lên, dòng sông mới là đáng sợ nhất. Các con thuyền dập dình trên sóng dữ và có thể buông xuôi theo dòng nước bất cứ lúc nào, lúc ấy thì tất cả chỉ còn biết phó mặc cho ông trời.

Hy vọng xa vời

Người dân sống ở làng chài này hầu hết đều theo đạo Thiên chúa. Vì vậy dù có đi đâu, hàng tuần họ vẫn trở về làng đi lễ. Chính vì vậy mà làng này dù sống cuộc sống sông nước đã lâu nhưng vẫn chỉ “đóng” ở khúc sông này, không đi nơi khác.

Chính quyền sở tại cũng có ý định đưa người dân lên bờ, nhưng đó là cả một kế hoạch dài và chưa biết bao giờ mới thực hiện được. Những thuyền tôi ghé, người dân đều nhẫn nhục chịu đựng, ánh mắt mông lung nhìn nhìn xa xăm theo con nước.

Chiều xuống, nước sông đỏ rực. Trên bờ, những đứa trẻ hồn nhiên chơi bời chạy nhảy, nhưng chỉ một lúc nữa khi mặt trời tắt nắng là chúng lại phải lên thuyền, tiếp tục cuộc sống bấp bênh.

Lê Bảo Trung