Sóc Trăng:

Trách nhiệm người “cầm” cán cân công lý!

(Dân trí) - Mấy năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng xảy ra ít nhất 5 vụ án oan sai. Nhiều công dân vô tội bị giam, bị đánh đập, nhục hình, mớm cung để nhận tội. Có người bị xử cao nhất tử hình, nhẹ nhất cũng vài chục năm tù...

Nhiều vụ oan sai đã được sáng tỏ

Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng xảy ra không ít vụ án hình sự nghiêm trọng. Có vụ án giết người, cướp tài sản; có vụ án đánh, chém gây thương tích nặng… liên quan đến nhiều người. Điều đáng nói, có những người dân vô tội đã trở thành “tội phạm” bất đắc dĩ, còn những người gây ra oan sai thì chưa được xử lý đến nơi đến chốn khiến dư luận bức xúc.

Điển hình nhất là vụ án lái xe ôm Lý Văn Dũng bị giết chết xảy ra vào tháng 7/2013 tại xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề. Chỉ vì có liên quan đến một vụ án cố ý gây thương tích trước đó mà một thanh niên tên là Trần Hol (SN 1986, ngụ xã Đại Ân 2) được công an mời làm việc. Sau đó, 5 người bạn của Trần Hol là Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl và Khâu Sóc cũng được CQĐT mời đến rồi bất ngờ là cả 6 thanh niên này cùng bị tạm giam, khởi tố về tội “giết người”. Riêng Nguyễn Thị Bé Diễm (nhân viên phục vụ quán nhậu) bị khởi tố về tội “không tố giác tội phạm”.

Khi vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử (tháng 12/2013) thì hung thủ thật sự của vụ án mới lộ diện. Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ Kiên Giang) ra đầu thú và thừa nhận chính Duyên và Phan Thị Kim Xuyến (ngụ Sóc Trăng) đã giết chết ông Lý Văn Dũng để cướp tài sản.

Lúc này, qua nhiều lần thực nghiệm điều tra, cơ quan chức năng xác định lời khai của Duyên trùng khớp với tình tiết của vụ án. Do đó, 7 thanh niên bị bắt “nhầm” trước đó được xác định là “không cùng thực hiện hành vi phạm tội, không đồng phạm”. Từ kết quả điều tra mới này, ngày 25/2/2014, VKSND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và cho tại ngoại đối với 7 thanh niên trên.

Sau khi được thả về, những thanh niên này đã tố cáo hành vi dùng nhục hình, ép cung của điều tra viên, buộc họ phải nhận tội giết ông Lý Văn Dũng. Từ lời tố cáo này, 25 cán bộ, sĩ quan Công an Sóc Trăng và 1 cán bộ Viện KSND Sóc Trăng bị kỷ luật; trong đó, 2 sĩ quan công an và 1 cán bộ Viện KSND tỉnh bị khởi tố.

Thạch Sô Phách, một trong 7 thanh niên bị oan sai.
Thạch Sô Phách, một trong 7 thanh niên bị oan sai.

Một vụ án khiến 3 người trong gia đình bị bắt giam oan hơn 2 năm trời cũng khiến dư luận bất bình là vụ gia đình ông Phạm Văn Lé (SN 1963) ở phường Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu vào tháng 8/2012. Dù hồ sơ vụ án có nhiều điểm không được rõ ràng, chưa đủ để kết tội nhưng CQĐT vẫn truy tố ông Lé phạm tội “Giết người”, còn vợ và em trai ông Lé phạm tội “Không tố giác tội phạm”. Qua 2 lần hầu tòa, các bị cáo một mực kêu oan và cuối cùng “rất may” TAND tỉnh Sóc Trăng quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho CQĐT tiếp tục làm rõ vụ án và sau đó gia đình ông Lé được minh oan vào giữa tháng 12/2014.

Rồi có vụ án ngay tại phiên tòa xét xử, nhân chứng vụ chém người tự khai mình đã gây ra thương tích cho nạn nhân nhưng các cơ quan tố tụng đều phớt lờ. Như vụ oan sai của cựu sinh viên Trương Hoàng Hiếu (huyện Mỹ Tú) vào năm 2006. Mới đây, các cơ quan tố tụng tổ chức xin lỗi, bồi thường cho Hiếu nhưng trách nhiệm của những người làm sai thì bị bỏ ngỏ.

Còn có vụ án mặc dù chứng cứ không thuyết phục, các bị can có bằng chứng ngoại phạm nhưng các cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng vẫn xác định họ phạm tội. Như vụ án cháu Nguyễn Thị Vân (huyện Long Phú) bị sát hại vào năm 1998 có liên quan đến các thanh niên Kim Lắc, Thạch Ngọc Tấn và Trần Lắc Lil. Năm 1999, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên xử tử hình Kim Lắc, tù chung thân Trần Lắc Lil, Thạch Ngọc Tấn bị phạt 20 năm tù. Các bị cáo kháng cáo đến TAND Tối cao. Ngày 19/12/2000, Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã xử huỷ toàn bộ án sơ thẩm vì chứng cứ buộc tội yếu.

Đến tháng 5/2007, CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng thừa nhận đã làm oan người vô tội, thừa nhận quá trình điều tra không đảm bảo được tính khách quan, tính xác thực để xác định sự thật khách quan của vụ án, vi phạm tố tụng… Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lắc, Lil, Tấn là chưa có căn cứ nên đã đình chỉ điều tra đối với 3 người trên. Cuối cùng, TAND tỉnh Sóc Trăng là đơn vị phải bồi thường cho 3 thanh niên trên với số tiền gần 470 triệu đồng. Tuy nhiên, trong vụ oan sai này, không một cán bộ điều tra nào bị xử lý.

Gia đình ông Phạm Văn Lé (giữa) vừa được giải oan sau 2 năm trời bị giam.
Gia đình ông Phạm Văn Lé (giữa) vừa được giải oan sau 2 năm trời bị giam.

Có vụ án Viện KSND Tối cao chỉ rõ Viện KSND tỉnh Sóc Trăng vi phạm luật tố tụng như vụ án của Lý Si Thượng (huyện Long Phú) vào năm 2002. Chỉ vì phát hiện một thi thể ngay đuôi chiếc lú (dụng cụ bắt cá, tôm) của mình mà Thượng bị bắt giữ, bị truy tố tội giết người.

Vụ án này, VKSND Tối cao chỉ ra nhiều sai phạm của cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng như các chứng cứ rất mơ hồ và không phù hợp với nhau nên không thể chứng minh bị cáo phạm tội giết người. Biên bản hỏi cung bị cáo là do điều tra viên đưa trước câu hỏi, hướng dẫn cách khai, ép bị cáo khai. Từ đó, VKSND Tối cao kết luận VKSND tỉnh Sóc Trăng chỉ dựa vào lời khai nhận tội của bị cáo để truy tố trong khi nó lại không phù hợp với các chứng cứ khác là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Dư luận đặt ra câu hỏi, với vụ án giết lái xe ôm Lý Văn Dũng nếu hung thủ thật sự không ra đầu thú thì liệu 7 thanh niên trên sẽ ra sao? Phải chăng một án tù rất nặng, có khi là tử hình dành cho họ ?. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm những cán bộ cơ quan tố tụng đã làm sai thì có quá nhẹ. Hay như vụ cựu sinh viên Trương Hoàng Hiếu bị giam oan nhiều năm trời, tương lai dở dang sau khi được minh oan nhưng trách nhiệm của những người gây ra oan sai thì vẫn chưa thấy được xử lý đến nơi đến chốn.

Nhiều vụ án không được khởi tố dù hành vi phạm tội khá rõ

Một vụ án xảy ra tại huyện Mỹ Tú vào năm 2013 đến nay vẫn chưa được CQĐT khởi tố. Theo hồ sơ vụ án, năm 2013, anh Ngô Thanh Tuấn (SN 1990, ngụ xã An Hiệp, huyện Châu Thành) đi đám cưới ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú. Đến khoảng 23h thì bị một nhóm thanh niên khoảng 5- 7 người gây sự, đánh anh Tuấn vỡ đầu, gãy xương hàm và đập hư xe gắn máy của anh. Sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Mỹ Tú vào cuộc điều tra, xác minh được người đánh anh Tuấn là Nguyễn Văn Kỳ (SN 1990, ngụ xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng).

Anh Tuấn được Công an huyện Mỹ Tú giới thiệu đi giám định thương tật tại Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng. Kết quả, tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên đối với anh Tuấn là 29%. Điều đáng nói, vụ án xảy ra đã hơn 1 năm nhưng Công an huyện Mỹ Tú vẫn chưa khởi tố vụ án dù anh Tuấn đã làm đơn yêu cầu ngay sau khi có kết quả giám định thương tật.

Gia đình ông Phạm Văn Lé (giữa) vừa được giải oan sau 2 năm trời bị giam.
Anh Lâm Văn Sang bị chém gần đứt lìa bàn tay nhưng CQĐT cho rằng người chém anh Sang... không phạm tội.

Còn tại TX Vĩnh Châu, một nạn nhân bị chém gần đứt lìa bàn tay nhưng CQĐT lại cho rằng người chém “không phạm tội” khiến dư luận địa phương rất bức xúc.

Hồ sơ vụ án cho biết, vì chút mâu thuẫn nhỏ, ngày 10/12/2013, anh Lâm Văn Sang (SN 1982, ngụ xã Vĩnh Hải, TX Vĩnh Châu) bị ông Lâm Văn Chỏ (ngụ cùng địa phương) cầm dao cắt chuối chém khiến ngón tay út đứt lìa, đồng thời đứt luôn lòng bàn tay ngay tại nhà ông này.

Theo kết quả giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ tổn hại sức khỏe của anh Sang là 17%. Ngay sau khi xảy ra vụ chém, anh Sang có yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm hành vi của ông Chỏ nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết. Đến ngày ngày 28/10/2014 (tức là hơn 10 tháng sau khi xảy ra vụ việc), Công an TX Vĩnh Châu mới ký thông báo gửi anh Sang với nội dung “Không khởi tố vụ án hình sự” với ông Lâm Văn Chỏ do “Hành vi không cấu thành tội phạm”.

Cơ quan chức năng nói gì ?

Với vụ án gây ra oan sai cho gia đình ông Phạm Văn Lé như đã trình bày ở trên, CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng thừa nhận, việc điều tra còn nhiều sai sót dẫn đến việc khởi tố, bắt giam các đối tượng trên. Công an Sóc Trăng cho rằng, sở dĩ có oan sai do thời điểm xảy ra vụ án vào ban đêm, trên đoạn đường không có người qua lại, thời tiết có mưa tác động đến hiện trường, các dấu vết không còn nguyên vẹn, dẫn đến việc xác định chưa chính xác hiện trường xảy ra vụ án.

Trong khi đó, điều tra viên khi hỏi cung còn thiếu sót, thiếu thận trọng, còn quá tin vào lời khai của nhân chứng và các đối tượng, thiếu kiểm tra, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện. Vụ việc xảy ra tạo dư luận xấu, gây áp lực cho lực lượng điều tra, phải nhanh chóng làm rõ sự việc nên đã nóng vội, khi đã có lời khai nhận tội của đối tượng thì thỏa mãn, không đối chiếu để xác định lời khai có phù hợp với hiện trường hay không. Công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết còn để lại còn sơ sài, dẫn đến nhận định sai về hiện trường chính khi xảy ra vụ án.

Qua sự việc trên, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo tập trung chấn chỉnh, củng cố, kiện toàn để nâng cao chất lượng hoạt động của CQĐT.

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm không chỉ là việc cần làm rõ các vụ án oan sai mà còn là công tác xử lý cán bộ gây oan sai, không thể chỉ dừng lại ở việc nhận thiếu sót sau khi đã để xảy ra hàng loạt vụ oan sai nghiêm trọng, đánh đập ép cung, mớm cung người vô tội phải nhận tôi, khiến bao nhiêu con người lâm vào cảnh tù tội, thậm chí phải đối mặt với án tử hình, gia đình tan nát... Trọng trách này cần được giao cho những người cầm cán cân công lý có đủ tầm và tâm để đem lại niềm tin cho người dân.

Nhóm PV ĐBSCL