Người đàn bà sai lầm vì khao khát một tiếng ầu ơ

Có tội, ắt phải trả giá là điều đương nhiên nhưng nhìn cảnh Nguyễn Thị Hải Yến, sinh năm 1969 ở thị trấn Sông Thao, Cẩm Khê, Phú Thọ ở trại giam Quyết Tiến chăm chút đứa con nuôi bại não thì ai cũng ứa lệ.

Cả một đời đi tìm tiếng gọi con, Hải Yến đã sống như lao thân, kể cả vi phạm pháp luật để chăm đứa con nuôi dù biết là vô vọng.

Hai lần đò, 6 lần mang thai

Tuấn Anh, con nuôi của Yến năm nay đã 14 tuổi, thế nhưng chẳng khác nào một khung xương, đặt đâu nằm đó. Khuôn mặt khôi ngô cứ đơ đơ vậy mà Tuấn chưa một lần bị mẹ Yến cáu gắt hay nản chí. Năm Tuấn lên 7 tuổi, cậu theo mẹ vào trại giam, từ đó đến nay đã 7 năm trôi qua.

Trắng trẻo, lại là con gái út trong một gia đình đông con nên từ nhỏ Yến đã được chiều chuộng. Năm 18 tuổi, Yến lấy chồng, một thanh niên khác làng, công tác ở thủy điện Hòa Bình. Vợ chồng vài tháng mới gặp nhau một lần nên rất tình cảm. Thế nhưng hai lần mang thai, Yến đều không giữ được.
 
Nữ phạm nhân Nguyễn Thị Hải Yến
Nữ phạm nhân Nguyễn Thị Hải Yến

Theo lời Yến thì do lúc đó tuổi trẻ không nghĩ được sâu xa thành ra lúc mang bầu chẳng giữ gìn thành ra đứa trẻ mới tượng hình trong bụng đã bỏ mẹ mà đi. Chồng Yến là con một nên trước sức ép của gia đình, anh ta đã không thể che chở được cho vợ nên chỉ một thời gian ngắn sau thì hai người chia tay.

Với nhan sắc vốn có nên dù đã qua một lần đò, Yến vẫn khiến nhiều trai làng mê mẩn. Trong số họ có Nguyễn Đức Hoàn, một thanh niên kém Yến 3 tuổi, sau này trở thành chồng của cô. Yến bảo ban đầu chỉ coi như em nên những khi họp chi đoàn, thấy Hoàn trêu đùa thì cũng tếu táo lại, không ngờ có tình cảm lúc nào không hay.

Họ cưới nhau trong sự ngăn cản quyết liệt của gia đình Hoàn vì những định kiến hẹp hòi về nam nữ và một điều nữa là chuyện muộn con của Yến. Không được gia đình đồng ý song Hoàn quyết tâm lấy Yến và sau khi đăng ký kết hôn, họ thuê nhà chung sống.

“Lấy Hoàn, em cũng có bầu nhưng cái thai chỉ được 3 tháng là hỏng. Đi hết viện nọ phòng khám kia, rồi phẫu thuật, đặt phôi, kết cục là thêm 5 lần mang thai nữa song kết cục là chúng em chẳng có mụn con nào. Bác sỹ bảo môi trường cơ thể em không thích hợp với việc mang thai”, Yến kể, rơm rớm nước mắt.

Rồi vợ chồng Yến bàn nhau xin một đứa trẻ về làm con nuôi. Họ định nuôi con các anh chị hoặc người trong họ hàng nhưng rồi nghĩ nuôi chúng, lớn lên chúng lại quay về với bố mẹ đẻ, mình mất chỗ nhờ cậy khi về già nên quyết định xin trẻ mới đẻ, ở xa để không bị mất con.

Mấy năm tìm kiếm, cuối cùng vợ chồng Yến cũng xin được một bé trai vừa chào đời được 1 ngày tuổi, bị bỏ rơi. Ôm đứa con không phải do mình đẻ ra còn đỏ hỏn, Yến mừng như thể chính mình sinh ra nó. Cô chăm chút đứa trẻ từng ly từng tý, không quản đêm hôm thức trắng bón cho bé từng thìa sữa.

Một tháng rồi hai tháng trôi qua, mặc dù chưa một lần sinh nở song thiên chức người mẹ mách bảo Yến có điều gì đó không bình thường khi mà đứa trẻ đã 6 tháng rồi mà đặt đâu nằm đó, không cất cổ lên được. Ôm con đi hết các bệnh viện chữa trị, Yến đau khổ khi biết con nuôi mình mắc chứng bại não.

Chồng khuyên đem gửi vào trung tâm xã hội nhưng Yến không đành lòng. Cô cảm thấy như mình có duyên nợ với đứa trẻ này, muốn cho nó một mái ấm gia đình và hơi ấm của tình mẹ. Sự ngang bướng của vợ cộng với những bất hạnh đang phải gánh chịu đã khiến Hoàn chán nản, tuyệt vọng. Anh ta tìm đến ma túy như một nơi trú ẩn. Vậy là đã bất hạnh, cuộc đời Yến lại càng thêm bi đát.

Chồng nghiện rồi con nhỏ bệnh tật, mọi thứ dồn cả lên đôi vai Yến. Giống như một quy luật tất yếu dành cho những kẻ bế tắc trong cuộc sống, muốn tìm một lối thoát mà không ra, Yến mua ma túy về bán lẻ, kiếm lãi cho chồng hút hít và̀ có tiền chữa bệnh cho con.

Rồi chồng Yến cũng tham gia, từ vài tép để bán lẻ, họ đã liều lĩnh hơn khi gom tiền mua tới vài cây heroin để buôn bán. Được một thời gian thì vợ chồng Yến bị bắt. Ngày hầu tòa, Yến rụng rời tay chân không phải vì bản án 13 năm tù của mình mà bởi cái tin chồng nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Vẫn mong lắm một tiếng gọi con

Chồng 15 năm tù, vợ 13 năm, Hoàn và Yến cùng được về trại giam Quyết Tiến cải tạo. Đứa con nuôi bại não bị cả hai bên nội ngoại chối từ, đành phải theo Yến vào trại. Cả nhà lại được bên nhau, sum vầy vào 2 ngày nghỉ cuối tuần khiến Yến vui lắm.

Tuy nhiên chỉ được 3 năm thì căn bệnh của Hoàn tiến triển nặng hơn. Anh ta được đình chỉ thi hành án về nhà chữa bệnh rồi chết tại quê nhà, bỏ mẹ con Yến hụt hẫng với nỗi đau câm lặng. Yến bảo cũng may là từ ngày vào trại, được sắp xếp làm ở đội trông trẻ nên có điều kiện chăm con nuôi và chẳng còn thời gian để nghĩ về quá khứ.

Yến vui lắm vì có nhiều thời gian ở bên con, được bồng bế Tuấn Anh vào lòng mà thủ thỉ cho vơi bớt tâm sự cho dù chưa bao giờ nhận được một sự chia sẻ từ đứa trẻ. Yến bảo mặc dù mắc bệnh bại não, tay chân không thể cử động được nhưng con trai cô rất ngoan, chẳng mấy khi khóc hay đau ốm. Nhiều lúc nghe mẹ tâm sự, đôi mắt Tuấn Anh chớp chớp như thể cảm nhận được những điều mẹ nuôi nói.

“Gia đình chồng tôi vừa gửi thư vào, không nhận con dâu và cháu. Tôi cũng chẳng biết vui hay buồn nữa vì đành phải chấp nhận thôi, số phận buộc thế thì phải chịu thôi”, Yến tâm sự.

Chồng chết, có căn nhà làm chốn đi về sau ngày mãn hạn đã bị bố mẹ chồng bán mất nên lắm lúc Yến cũng không biết sau này đi đâu về đâu. Cô bảo chẳng còn nơi nương tựa, bấu víu nhưng vẫn mong lắm ngày trở về dẫu biết rằng về với đời thường là phải lo cái ăn, cái mặc. Hỏi Yến mong muốn điều gì?, người đàn bà chưa phai hết nét đẹp trên gương mặt khẽ khàng ước “con được mạnh khỏe và đừng quấy khóc”. Một điều ước thật giản dị nhưng với Yến thì quá xa vời, mong manh.

Theo Lam Trinh
Công lý