1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Đại án VNCB: Phạm Công Danh và đồng phạm xin giảm án

(Dân trí) - Nói lời sau cùng trước toà, bị cáo Phạm Công Danh khẳng định không lấy tiền của VNCB và xin miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm án cho thuộc cấp, các bị cáo khác là đồng phạm của bị cáo Danh cũng đồng loạt xin giảm án. Dự kiến ngày 24/1, toà sẽ tuyên án.


Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: T.K)

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: T.K)

Tiêu chí để tranh luận “thật – giả” là gì?

Ngày 17/1, phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) do bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và đồng phạm tiếp tục với phần đối đáp của các luật sư và đại diện VKS về những vấn đề của bản án sơ thẩm.

Sau khi nghe VKS bảo lưu quan điểm và kiến nghị về xem xét trách nhiệm hình sự của ông Trần Quí Thanh và bà Trần Ngọc Bích là đồng phạm với Phạm Công Danh, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, bảo vệ quyền lợi cho ông Thanh, bà Bích và 16 người liên quan xung quanh số tiền 5.190 tỉ đồng đã diễn ra. Theo luật sư Uyên, việc VKS quy kết cho ông Thanh, bà Bích đồng phạm và trốn thuế là không có cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - đại diện của nhóm 17 khách hàng (gồm 14 cá nhân có 35 khoản vay tháng 8/2013 và 3 cá nhân chủ sở hữu 6 sổ tiết kiệm) cho rằng: 35 khoản vay ngày 21 và 26/8/2013 của 14 cá nhân độc lập là các khoản vay thật, ký thật, người thật và cầm cố bằng chính các sổ tiết kiệm thật thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân họ hoặc vợ chồng họ. Những nội dung này được từng người khẳng định trong bản tường trình gửi CQĐT, có trong hồ sơ vụ án.

Mặt khác, chính bên cho vay vốn là VNCB trong Công văn số 2987/2014/CV-VNCB ngày 24/10/2014 xác định: “Hồ sơ vay vốn của khách hàng ngày 21/08/2014 và ngày 26/08/2014 với tổng số tiền 5.190 tỷ đồng hoàn toàn đúng theo quy định, 3 lần gia hạn nợ đều có ký kết phụ lục hợp đồng”.

"Mặc dù tất cả đều là thật (khoản vay thật, người thật, chữ ký thật, tài sản đảm bảo là thật, tiền thật) nhưng VKS cho rằng đây là hợp đồng vay giả tạo. Trên cơ sở nhận định là giả tạo, VKS nhận định Trần Quí Thanh, Trần Ngọc Bích có sai phạm trong việc vay tiền ngân hàng, vì vậy có dấu hiệu đồng phạm", Bà Thảo lập luận.

VNCB tự ý cho vay 300 tỷ đồng, tự ý nhận cầm cố trái pháp luật bằng 6 sổ tiết kiệm của Trang, Phục, Dung, tiền giải ngân chuyển cho Phạm Công Danh chi tiêu. Tất cả đều không có chứng từ, không hồ sơ vay vốn, không có chữ ký hợp pháp của chủ sổ tiết kiệm, chỉ có một tài liệu được xem là một bản fax có chữ ký của Nguyễn Thị Mỹ Dung, nhưng không rõ là bản chính, hay bản photo, không rõ nguồn gốc từ đâu.

Các luật sư khẳng định tài liệu được coi là bản fax này bị làm giả, ngụy tạo, không có giá trị, không xác thực và đã kiến nghị HĐXX cho giám định tính xác thực, hợp pháp của tài liệu này nhưng chưa được thực hiện. Dù không có hồ sơ vay, không có chữ ký của chủ sổ tiết kiệm, tài liệu giả mạo nhưng VKS nhận định đây là khoản vay thật và kiến nghị thu hồi 6 sổ tiết kiệm 303,5 tỷ đồng của Trang, Phục, Dung để xử lý cho khoản vay này.

“Vậy, theo quan điểm của VKS, thế nào là thật? Thế nào là giả? Một cái thật thì bị cho là giả để thu hồi 118 sổ tiết kiệm, một cái giả thì được cho là thật để thu hồi 6 sổ tiết kiệm thuộc quyền sở hữu của mỗi người chúng tôi đề nghị HĐXX yêu cầu VKS trả lời rõ ràng: Cơ sở, tiêu chí để tranh luận “thật – giả” là gì?

Các bị cáo nói lời sau cùng


Bị cáo Phạm Công Danh (Ảnh: T.K)

Bị cáo Phạm Công Danh (Ảnh: T.K)

Đứng trước vành móng ngựa và được cho nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Công Danh cảm ơn cơ quan tố tụng đã tạo điều kiện cho ông chữa bệnh để tiếp tục tham gia phiên tòa.

Bị cáo Danh mong HĐXX xem xét lại bối cảnh bị cáo tiếp quản ngân hàng Đại Tín, bị cáo đã không lường trước được những khó khăn và đã phải bán hàng chục căn nhà để xây dựng ngân hàng và duy trì thanh khoản. Bị cáo không lấy bất cứ đồng tiền nào của ngân hàng VNCB.

Bị cáo Danh cũng xin miễn trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt cho những người thuộc cấp của bị cáo vì những người này tin tưởng vào uy tín của bị cáo; họ cũng là những người nỗ lực làm việc nhằm xây dựng ngân hàng chứ không có lợi ích gì. Bị cáo Danh xin lỗi những người thuộc cấp của bị cáo cũng như những gia đình có bị cáo dính líu trong vụ án này. Bị cáo Danh cảm ơn các luật sư đã giúp đỡ mình nhằm tìm ra sự thật.

Bị cáo Phan Thành Mai trình bày, 30 tháng đã trôi qua kể từ ngày khởi tố, bị cáo luôn suy nghĩ đến những tổn thất trực tiếp và gián tiếp mà bị cáo đã gây ra, những nỗi đau mà bị cáo đã gây ra cho đồng nghiệp, gia đình. Bị cáo không còn được làm việc, lao động, hoài bão, suy nghĩ, ước mơ, đây là những nỗi đau của bị cáo.


Các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết (Ảnh: T.K)

Các bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết (Ảnh: T.K)

Việc giải cứu một ngân hàng đã lỗ quá lớn liệu có đáng. Vì thế, gánh nặng chi phí trên trời rơi đầu xuống anh Danh. Chi phí anh Danh trả cho khách hàng, ông Thanh có thể thu hồi được nhưng lại lợi dụng sự khó khăn của ngân hàng. Cùng với sự chuyển giao không thành công cho nhóm Thiên Thanh, khiến ngân hàng lỗ 6 tỷ đồng/ngày không có doanh thu, không thể cứu vãn được. Bị cáo luôn hy vọng rằng HĐXX sẽ luôn công tâm, phán xét khách quan, đầy tính nhân văn.

Bị cáo Hoàng Đình Quyết gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến HĐXX và đại diện VKS. Bị cáo trình bày, trước khi vụ án xảy ra, mọi người gần như không biết bị cáo là ai. Tuy nhiên khi xảy ra thiệt hại 9.000 tỷ đồng, bị cáo nổi lên như một nhân vật "lịch sử", nhưng lại gây đau buồn cho gia đình, bạn bè và tổn hại đến xã hội. Nếu bị cáo chủ tâm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng thì không có hình phạt nào có thể trừng phạt được. Nay bản chất vụ việc đã được làm rõ, bị cáo mong HĐXX xem xét lượng hình cho bị cáo tổng quan hơn.

Bị cáo Mai Hữu Khương cho rằng, bất kỳ một vụ án kinh tế nào cũng xuất phát từ tư lợi cá nhân nhưng trong vụ án này thì khác, các bị cáo chỉ mong muốn đưa ngân hàng thoát khỏi khó khăn chứ không hề từ lợi gì. Bị cáo kính mong HĐXX xem xét lại bối cảnh nguyên nhân xảy ra vụ án để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án này.

Những bị cáo còn lại liên quan đến vụ đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB đều mong HĐXX xem xét, xin giảm án.

Sau phần nói lời sau cùng của các bị cáo, HĐXX nhận định, do tính chất vụ án phức tạp nên tòa quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 24/1.

Trung Kiên - Xuân Duy