1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Chế tài nào xử lý hành vi của cựu Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên?

(Dân trí) - Luật sư Tạ Anh Tuấn, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cháu Trần Chí Kiên - học sinh bị taxi đâm gãy chân trong trường Tiểu học Nam Trung Yên - có những phân tích, nhận định về mặt pháp lý đối với hành vi của cựu Hiệu trưởng và vụ tai nạn do xe taxi gây ra.

Như Dân trí đã đưa tin, công an thành phố (CATP) Hà Nội đã có kết quả điều tra ban đầu về vụ việc cháu Trần Chí Kiên bị gãy chân trong trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, UBND quận Cầu Giấy đã có Quyết định cách chức đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương - Phó Hiệu trưởng.

Để làm rõ những vấn đề pháp lý trong vụ việc, PV Dân trí có cuộc trao đổi với luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH Vietthink (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người được gia đình cháu Kiên mời bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cháu.

Luật sư có quan điểm như thế nào về việc xử lý đối với hai cô giáo trường Tiểu học Nam Trung Yên?

Sự việc xảy ra đối với cháu Kiên là hết sức đáng tiếc. Cách hành xử của hai cô giáo nguyên là Hiệu trưởng, Hiệu phó nhà trường gây bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến ngành giáo dục nước ta nói chung cũng như ngành giáo dục thủ đô nói riêng. Những hành vi vi phạm này cần phải lên án và xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH Vietthink (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng phòng tranh tụng, Công ty Luật TNHH Vietthink (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Hiện chúng tôi đang chờ đợi kết luận giám định thương tật đối với cháu Kiên để có căn cứ truy cứu trách nhiệm những người liên quan. Việc chờ đợi kết quả giám định thương tật là cần thiết nhưng không ảnh hưởng tới việc xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi khai báo gian dối, che giấu vi phạm của hai cô giáo.

Đối với hành vi khai báo gian dối, che giấu sự thật để trốn tránh trách nhiệm, pháp luật nước ta có chế tài nào xử lý không?

Trong buổi họp với các bên liên quan chiều 20/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, trong vụ việc này, hành vi của hai cô giáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi khai báo gian dối hay che giấu tội phạm. Ông Chung nhấn mạnh, hành vi phát phiếu khảo sát của hai cô giáo này cũng cần được làm rõ ai là người chủ mưu vì đây là tình tiết tăng nặng khi vụ án được khởi tố.

Từ diễn biến vụ việc đã được cơ quan công an làm rõ, theo quan điểm của tôi, hành vi phát phiếu khảo sát lấy ý kiến của giáo viên và các em học sinh của Hiệu trưởng, Hiệu phó nhằm mục đích đối phó, che giấu hành vi vi phạm, khai báo gian dối với các cơ quan chức năng của thành phố... có dấu hiệu của tội “Mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật” theo Điều 309 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Ngoài ra, tình tiết “Lợi dụng chức vụ quyền hạn” được quy định tại điểm b, khoản 2 Điều này là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Nếu bị khởi tố, điều tra về tội danh này, người phạm tội phải chịu mức hình phạt tù cao nhất lên đến 7 năm tù giam.

Tài xế taxi gây tai nạn với cháu Kiên sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Việc xử lý tài xế taxi là cần thiết để đảm bảo đúng nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện và xử lý kịp thời. Được sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Giám đốc CATP, cơ quan điều tra đã vào cuộc để xác minh, bước đầu làm rõ hành vi vi phạm của những người liên quan. Tuy nhiên, việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật phải chờ kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an đối với cháu Kiên mới có đủ căn cứ xử lý.

Xin trân trọng cảm ơn luật sư!

Điều 309. Tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật.

1. Người nào mua chuộc hoặc cưỡng ép người làm chứng, người bị hại khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, người giám định kết luận gian dối, người phiên dịch dịch xuyên tạc, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm .

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Tiến Nguyên