Xiaomi chỉ mất 76 giây để xuất xưởng một chiếc ô tô điện SU7

Nhật Minh

(Dân trí) - Tập đoàn công nghệ Xiaomi của Trung Quốc áp dụng công nghệ đúc khổ lớn tương tự Tesla, vừa giúp giảm thời gian sản xuất vừa giúp giảm trọng lượng xe, nhưng được cho là có một nhược điểm lớn.

Mới đây, Tesla cho biết sẽ hủy kế hoạch đầy tham vọng là đúc liền khối toàn bộ phần gầm xe. Trong khi đó, Xiaomi giới thiệu chi tiết những đổi mới mà họ sẽ áp dụng trong quy trình sản xuất, bao gồm cả công nghệ đúc khổ lớn giống của Tesla, kết hợp với kỹ thuật dập để làm xe SU7.

Xiaomi chỉ mất 76 giây để xuất xưởng một chiếc ô tô điện SU7 - 1

Dây chuyền sản xuất thân xe Xiaomi SU7 cho thấy mức độ tự động hóa cao (Ảnh: Discover China Auto).

Xiaomi tự nhận là công ty ô tô duy nhất của Trung Quốc sử dụng công nghệ đúc các vật liệu hợp kim và công nghệ đúc khổ lớn các cụm chi tiết; cả hai đều do hãng tự nghiên cứu phát triển.

Tesla đi đầu thế giới trong việc sử dụng công nghệ đúc khổ lớn. Theo đó, nhiều chi tiết đơn lẻ sẽ được ráp vào một chi tiết liền khối. Về mặt sản xuất, việc này giúp nhà máy tiết kiệm diện tích mặt sàn, còn với xe, công nghệ này giúp tăng độ chắc chắn cho xe, từ đó tăng độ an toàn.

Ngoài ra, các bộ phận đúc khuôn thường nhẹ hơn, góp phần tăng phạm vi hoạt động của xe. Một số nhà sản xuất Trung Quốc, như XPeng và Nio cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ đúc này.

Hệ thống máy đúc khuôn và dập kim loại của Xiaomi là sản phẩm hợp tác phát triển với Haitian. Lớn bằng khoảng 2 sân bóng rổ, hệ thống máy đúc và dập này mang tên 9100t, xuất phát từ lực ép của máy.

Máy có khả năng tạo ra chi tiết sàn phía sau của xe Xiaomi SU7, giúp giảm 72 chi tiết mà trước đây cần phải dập và hàn. Giờ đây, Xiaomi có thể sản xuất chi tiết này chỉ trong 100 giây. Trong dây chuyền sản xuất, nó giúp giảm 840 mối hàn và 45% thời gian.

Bên cạnh đó, trọng lượng bộ phận này giảm 17% so với trước và giảm 2dB tiếng ồn từ mặt đường. Chi tiết sàn phía sau sản xuất bằng công nghệ đúc khuôn cũng được cho là sẽ bền hơn.

Xiaomi chỉ mất 76 giây để xuất xưởng một chiếc ô tô điện SU7 - 2

Máy đúc bộ phận sàn phía sau của xe SU7 (Ảnh: Discover China Auto).

Công nghệ này có một nhược điểm lớn: tăng chi phí thay thế nếu bộ phận đúc bị hỏng. Tuy nhiên, Xiaomi được cho là đã sử dụng thiết kế chống đâm đụng 3 giai đoạn, tức là trong trường hợp xảy ra va chạm ở tốc độ thấp hoặc trung bình, chỉ cần thay thanh chống va chạm và vùng bị móp.

Nhà máy sản xuất ô tô của Xiaomi có mức độ tự động hóa cao và khi đạt công suất thiết kế, nó có thể sản xuất khoảng 40 xe/giờ, tương đương trung bình 76 giây/xe. Có hơn 700 robot trong nhà máy và 181 robot di động (AMR) vận chuyển các chi tiết dập.

AMR sử dụng cảm biến Lidar để tìm vị trí cần đến bên trong nhà máy. Khâu kiểm tra chất lượng cũng do máy đảm nhiệm, với hệ thống X-Eye có khả năng phát hiện lỗi chính xác tới 99,9%.

Nhà máy chỉ cần 20 công nhân, với sự hỗ trợ của 381 robot ở xưởng lắp ráp thân xe, 8 robot ở mỗi trạm công tác, 4 robot ở mỗi bên thân xe. Robot sẽ đảm nhiệm việc lắp cánh cửa, siết ốc và chỉnh bản lề. Robot không chỉ lắp kính chắn gió trước và sau, mà cả cửa nóc panorama.

Xiaomi cho biết, robot chỉ cần chưa đến 30 giây để lấy phụ tùng và lắp vào thân xe, nhanh gấp hai lần so với quy trình tại các nhà máy ô tô truyền thống. 

Dây chuyền sản xuất có mức độ tự động hóa cao của Xiaomi SU7 (Video: Discover China Auto).

Theo AutoRevolution