Việt Nam có thể trở thành điểm hẹn mới của ngành ô tô

(Dân trí) - Tình trạng đình công đòi tăng lương diễn ra trên khắp Trung Quốc đang khiến một số nhà sản xuất ô tô tính đến phương án tăng tỷ lệ tự động hoá và cân nhắc chuyển bớt sản xuất sang những nước có nguồn nhân công giá rẻ như Việt Nam.

Trước thực tế phải tăng lương cho công nhân trong khi vẫn thiếu nhân lực, H-One, một nhà cung cấp khung thân xe cho Honda, tháng trước đã phải đầu tư 22 triệu USD, tương đương lợi nhuận của nửa năm, để tăng gấp 3 số robot tại ba nhà máy ở Trung Quốc.

 

Động thái này của H-One có thể chỉ là bước khởi đầu cho xu hướng tăng tỷ lệ tự động hoá trong các nhà máy tại Trung Quốc trước làn sóng đình công đòi tăng lương gần đây của công nhân nước này và khả năng đồng nhân dân tệ tăng giá sau khi Trung Quốc công bố sẽ từ từ điều chỉnh linh hoạt tỷ giá.

 

Hàng loạt các vụ đình công lớn diễn ra trong mấy tháng qua tại Trung Quốc chủ yếu gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các nhà máy sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô Nhật Bản, trong đó có Honda và Toyota ở miền Nam Trung Quốc.


Từ tháng 5 đến nay đã diễn ra ít nhất 8 cuộc đình công khiến các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Toyota, Honda và Nissan phải tăng lương cho công nhân tại Trung Quốc, đẩy chi phí sản xuất tăng lên.


Mặc dù nhân công vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong chi phí sản xuất chung tại Trung Quốc, nhưng một số công ty nhìn nhận sự bất ổn về nhân công như một động lực để tiến tới tự động hoá hơn nữa trong sản xuất.

 

Trung Quốc hiện đóng góp 15,6% tổng sản lượng hàng hoá của thế giới - năm ngoái vượt Nhật Bản để trở thành nguồn cung hàng hoá lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Do đó, xu hướng tự động hoá sản xuất hứa hẹn những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các nhà cung cấp thiết bị như Fanuc của Nhật Bản, Siemens của Đức, và Rockwell Automation của Mỹ.

 

Các nhà đầu tư cũng bắt đầu chú ý tới xu hướng mới này. Giá cổ phiếu của Fanuc đã tăng 16% trong tháng trước khi các cuộc đình công trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện truyền thông. Omron, nhà cung cấp thiết bị cảm biến, cũng chứng kiến giá cổ phiếu tăng 13%.

 

Tuy nhiên, giới phân tích phản bác rằng tiềm năng mở rộng xu hướng này không phải là nhân tố chính khiến giá cổ phiếu. Khả năng các nhà sản xuất đẩy nhanh quá trình tự động hoá khi chi phí nhân công tăng cao và các nhà sản xuất hướng đến nấc cao hơn trong chuỗi giá trị và sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn.

 

Theo nhận định của công ty chứng khoán Nomura, tỷ lệ sử dụng máy móc tại các nhà máy ở Trung Quốc, một công cụ hữu hiệu đo mức độ tự động hoá, đã tăng lên mức 27% trong quý I của năm tài chính 2010 (tính đến hết tháng 5/2010), so với tỷ lệ 22% của năm 2009 và 19% của năm 2008.

 

Tỷ lệ mới này đã đưa Trung Quốc lên ngang mức của Nhật Bản hồi thập niên 80, khi nước này vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh. Tỷ lệ sử dụng máy móc tại Nhật Bản từ đó đến nay đã tăng lên mức 82% - cao nhất thế giới, và là hướng mà Trung Quốc có thể nhắm đến khi nền kinh tế tiếp tục phát triển.

 

“Tốc độ tự động hoá tại các nhà máy ở Trung Quốc nhanh hơn ở Nhật Bản hồi thập niên 80,” ông Wenjie Ge, một chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Nomura, cho biết. Nomura dự đoán tiền lương tại Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới.

 

“Chi phí nhân công tăng lên sẽ không chỉ đẩy nhanh quá trình tự động hoá tại Trung Quốc, mà còn tăng thu nhập của người dân, từ đó kích thích sự tăng trưởng của thị trường ô tô và thiết bị điện tử, và từ đó lại đẩy nhu cầu máy móc tăng cao.”

 

Sự dịch chuyển?
 
Việt Nam có thể trở thành điểm hẹn mới của ngành ô tô - 1

 

Việc tăng lương và khả năng đồng nhân dân tệ tăng giá trong tương lai không xa chắc chắn sẽ khiến một số công ty tính đến phương án chuyển nhà máy tới những nước có chi phí nhân công thấp hơn, như Việt Nam.

 

Một ví dụ là ngành bán lẻ. Nitori, công ty sở hữu một chuỗi cửa hàng đồ gia dụng tại Nhật Bản, với khoảng 60% hàng hoá nhập khẩu từ các nhà máy ở Trung Quốc, tuần trước cho biết công ty sẽ cân nhắc chuyển một phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

 

Chuyên gia Tsang của công ty tư vấn chiến lược Bain cho biết, tăng tỷ lệ tự động hoá là điều hầu hết các nhà sản xuất đang cân nhắc. Nhưng họ có thể sẽ không đi theo hướng như tại Đức và Mỹ, nơi 100% dây chuyền sản xuất được tự động hoá.

 

Dù vậy, động lực của quá trình tự động hoá rất mạnh, và ít khả năng các nhà sản xuất không còn coi Trung Quốc là trung tâm sản xuất, vì sản xuất tại Trung Quốc giúp họ thuận tiện hơn trong việc tiếp cận với thị trường rộng lớn và tăng trưởng mạnh này.

 

Shin-Etsu Chemical, một công ty hoá chất của Nhật Bản, từng ngần ngại với việc đặt nhà máy tại Trung Quốc do khó tìm nguồn cung cấp nguyên liệu thô, cũng đã công bố sẽ xây dựng một nhà máy silicon ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng tại thị trường này.

 

Nhà sản xuất linh kiện điện tử TDK của Mỹ cũng đang dự kiến bổ sung máy móc mới cho các nhà máy tại Trung Quốc.


Denso, nhà cung cấp phụ tùng lớn nhất cho Toyota, dự kiến tăng sản lượng tại Trung Quốc trong 12 tháng tới, khi nhu cầu tăng cao lấn át mối lo về chi phí nhân công tại đây.

CEO Nobuaki Katoh của Denso cho biết công ty sẽ tăng sản lượng thêm hàng trăm ngàn đơn vị, chủ yếu phục vụ việc sản xuất điều hoà cho ô tô. Một trong các liên doanh của Denso tại Trung Quốc đã phải tạm dừng sản xuất trong hơn 4,5 ngày tháng 6 do công nhân đình công đòi tăng lương.

“Nhu cầu tại Trung Quốc rất cao,” ông Nobuaki Katoh trả lời phỏng vấn hôm 7/7 tại Kariya, Nhật Bản. “Chúng tôi phải từng bước chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu.”

Nhật Minh

Theo Reuters, Bloomberg