Vì sao Malaysia cấm nhập khẩu ô tô điện giá rẻ?

Nhật Minh
Xe điện có tiện?

(Dân trí) - Hiện tại, mẫu ô tô điện rẻ nhất tại Malaysia là Neta V giá 99.800 ringgit (520 triệu đồng). Rẻ thứ hai là mẫu Ora Good Cat của Great Wall Motors, có giá 139.800 ringgit (728 triệu đồng).

Trong khi đó, mẫu xe thuần điện rẻ nhất Đông Nam Á là Wuling Air sản xuất tại Indonesia, có giá bán chỉ 395.000 baht (270 triệu đồng) tại Thái Lan và 243 triệu rupiah (380 triệu đồng) tại Indonesia cho bản tiêu chuẩn dùng pin 17,3kWh, chạy 200km/lần sạc.

Vì sao Malaysia cấm nhập khẩu ô tô điện giá rẻ? - 1

Neta V hiện là mẫu ô tô thuần điện rẻ nhất thị trường Malaysia (Ảnh: Neta).

Trên mạng đã xuất hiện ảnh chụp màn hình một tài liệu của Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) nêu điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh Franchise AP; theo đó, xe thuần điện giá dưới 100.000 ringgit (khoảng 520 triệu đồng) bị cấm nhập khẩu.

Tài liệu này cũng nêu rõ việc cấm nhập khẩu xe động cơ đốt trong giá dưới 250.000 ringgit (1,3 tỷ đồng).

Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia đã xác nhận thông tin này là chính xác. Malaysia không cho phép nhập khẩu ô tô thuần điện giá dưới 100.000 ringgit.

Bộ giải thích rằng mức sàn 100.000 ringgit là đã bao gồm phí bảo hiểm, nên mẫu Neta V sản xuất tại Trung Quốc mới được phép nhập khẩu và bán với giá dưới 100.000 ringgit.

Từ năm 2017, Ngân hàng trung ương Malaysia đã bỏ quy định bắt buộc niêm yết giá ô tô phải bao gồm cả phí bảo hiểm.

Về mức giá sàn 250.000 ringgit đối với ô tô động cơ đốt trong nhập khẩu, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia cho biết điều kiện này đã được áp dụng từ ngày 1/1/2012 trong nỗ lực của chính phủ Malaysia nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Về mức giá sàn 100.000 ringgit đối với ô tô thuần điện, có vẻ như đó là cách để kiểm soát loại xe thân thiện với môi trường này.

Việc cấm nhập khẩu xe thuần điện giá dưới 100.000 ringgit là nhằm dập tắt ý kiến chỉ trích cho rằng việc miễn thuế đi ngược với chính sách bảo vệ môi trường, khuyến khích nhà giàu mua thêm xe mới, đồng thời làm chậm việc phát triển phương tiện giao thông công cộng, để người dân không phải mua loại xe ô tô mà họ không thích hoặc không muốn.

Ý kiến chỉ trích không hề sai, vì phương tiện giao thông công cộng (xe buýt hoặc tàu) là loại "xanh" nhất, hơn bất kỳ mẫu ô tô điện nào. Không thể bàn chuyện phát triển xe không khí thải nếu chỉ tập trung vào xe cá nhân.

Giảm ô tô cá nhân trong lưu thông là giảm áp lực về đường sá và chỗ đậu xe, từ đó giảm ô nhiễm môi trường trong đô thị và tăng không gian xanh.

Tuy nhiên, phương tiện giao thông công cộng không nằm dưới sự quản lý của Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia và việc họ ưu tiên ô tô điện có tầm hoạt động lớn thực sự đúng đắn nếu xét trên quan điểm thu hút đầu tư xe điện.

Giá trị đầu tư tập trung chủ yếu vào nửa trên của danh mục sản phẩm. Hàm lượng công nghệ trong các mẫu xe mini thuần điện giá rẻ như Wuling Air rất thấp.

Tại Thái Lan, chính sách hỗ trợ cũng ưu tiên xe thuần điện hạng sang - loại được chính phủ nước này định nghĩa là những mẫu xe có dung lượng pin tối thiểu 30kWh.

Xe thuần điện dùng pin trên 30kWh được trợ giá cao hơn - 150.000 baht, trong khi với xe dùng pin dưới 30kWh là 70.000 baht. Khoản này được tính sau khi ô tô thuần điện đã được miễn thuế nhập khẩu và áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 2%. Lý do là Thái Lan muốn khuyến khích đầu tư giá trị cao. 

Theo www.wapcar.my