Thí sinh khối C lên án “kẻ ăn hối lộ”

(Dân trí) - Với câu hỏi Nghị luận xã hội của đề thi môn Văn ĐH khối C năm nay, nhiều thí sinh đã có cơ hội phê phán kẻ chuyên nhận hối lộ là “những người không biết xấu hổ”.

Kết thúc giờ thi, hầu hết các thí sinh dự thi môn Văn khối C tại địa điểm THCS Dịch Vọng và Tiểu học Dịch Vọng B đều chia sẻ đề thi môn Văn năm nay vừa sức hơn đề thi năm trước.

 

Thí sinh Hoàng Thị Len (Lạng Sơn) kể: “Em viết theo cảm nhận riêng của mình, đề năm nay tương đối dễ so với năm trước”.

 

Nguyễn Thị Huyền (Hà Tây) thi vào HV Báo chí và Tuyên truyền tại địa điểm THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết: “Mức độ đề năm nay so với năm ngoái dễ hơn, năm ngoái yêu cầu so sánh, năm nay đơn thuần chỉ là phân tích thôi.”

 
Thí sinh khối C lên án “kẻ ăn hối lộ” - 1
Câu hỏi Nghị luận xã hội giúp thí sinh thể hiện kiến thức và quan điểm của mình.
 

Câu 2 môn Văn, phần Nghị luận xã hội của đề thi ĐH năm nay được đánh giá là hay với đề bài: “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên.”

 

Thí sinh Ong Thị Thúy (Bắc Giang) dự thi chuyên ngành Xuất bản, HV Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Em lấy ví dụ là trong cuộc sống không ít người nhận hối lộ mà không biết xấu hổ... Còn về yếu tố tự hào em lấy luôn hình ảnh trong học tập mình luôn biết vươn lên cố gắng lành mạnh thì mình sẽ tự hào về những điều đó”.

 

“Khi mình biết phấn đấu trong học tập, vượt qua những thử thách chông gai trong cuộc sống thì có thể ngẩng cao đầu tự hào.” Thùy (Hải Phòng) thi chuyên ngành Quản lý xã hội, HV Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.

 
Thí sinh khối C lên án “kẻ ăn hối lộ” - 2
Thúy (Bắc Giang) và Thùy (Hải Phòng) cùng ở lại ăn trưa và ôn bài.
 

Thí sinh Đỗ Như Thùy dự thi ngành quản trị nhân lực, ĐH Lao động xã hội. (Hưng Yên) lại có chia sẻ chân thành: “Câu 2 em có viết nếu mình không cảm thấy xấu hổ thì sẽ luôn luôn tụt hậu, không có ý chí để vươn lên. Ví dụ bản thân em lực học hơi yếu nên phải cố gắng vươn lên để đỗ Đại học”.

 

“Với bản thân mỗi người tự hào và biết xấu hổ phải là hai yếu tố song hành. Trong cuộc sống đã biết tự hào rồi thì cũng có lúc phải biết xấu hổ.”, thí sinh Nguyễn Thị Huyền nói.
 
Thí sinh khối C lên án “kẻ ăn hối lộ” - 3
Thoáng chút mệt mỏi sau giờ thi

Thí sinh khối C lên án “kẻ ăn hối lộ” - 4
Tìm kiếm người thân.

Thí sinh khối C lên án “kẻ ăn hối lộ” - 5
Hào hứng chia sẻ với phụ huynh về đề thi

Thí sinh khối C lên án “kẻ ăn hối lộ” - 6

và cùng bàn tán, tranh luận trước khi ra về. 

 

Phương Nhung