Ku Su-Jeong và phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”

Trong khi tìm kiếm tài liệu để làm luận văn, một nữ nhà báo trẻ Hàn Quốc đã tình cờ phát hiện một số tài liệu về những vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra tại Việt Nam. Nhà báo trẻ này quyết định đi thực địa để tìm ra sự thật.

Sau đó, một loạt phóng sự ra đời, đăng liên tục cả năm trên một tờ báo lớn ở Hàn Quốc, khởi đầu cho phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”.

 

Người đó là Ku Su-Jeong, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ sử học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM. Nữ nhà báo trẻ và hiền lành này đã viết những bài báo làm rúng động cả xã hội Hàn Quốc.

 

Ku Su-Jeong kể: “Tôi quan tâm đến đề tài này bởi quân đội Hàn Quốc có dính líu trong chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tôi mong muốn làm một công trình nghiên cứu một cách khách quan. Khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 1993, tôi sang Việt Nam với quyết tâm tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam.

 

Sau mấy năm trời tìm kiếm tư liệu, một hôm, tôi tình cờ đọc được tài liệu: Những tội ác của quân đội Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Thông qua tư liệu đó tôi mới biết về những vụ thảm sát”.

 

Chuyến đi thực địa ấy của Ku Su-Jeong kéo dài 45 ngày. Đầu năm 1999, từ TPHCM, Ku Su-Jeong thuê một chiếc xe 12 chỗ ngồi đi đến các tỉnh như: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Mỗi ngày, chị ghé 2 đến 3 xã, và cố gắng đi hết những nơi diễn ra các vụ thảm sát.

 

Đến tháng 9/1999, Ku Su-Jeong bắt đầu viết một loạt phóng sự và gửi về đăng trên tờ The Hankyoreh21, một trong những tờ nhật báo lớn và có uy tín của Hàn Quốc. Trong suốt một năm, mỗi tuần một kỳ, những bài phóng sự này được đăng tải liên tục.

 

Ku Su-Jeong sinh năm 1966 tại Hàn Quốc. Từng có thời gian làm việc bán thời gian cho tạp chí The Hankyoreh21. Từ năm 1993 theo học cao học tại khoa Lịch sử - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPCHM.

 

Từ năm 1999, chị bắt đầu viết một loạt phóng sự về những vụ thảm sát của Hàn Quốc tại Việt Nam đăng trên tờ The Hankyoreh21.

 

Năm 2002, luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của chị về đề tài “Sự can thiệp của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam 1965-1973” được điểm 10.

 

Từ năm 2003 đến nay, chị tiếp tục nghiên cứu sinh tiến sĩ và sẽ dự định bảo vệ luận án ở cấp cơ sở trong năm nay.

Song song với việc đó, tòa soạn đã phát động phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” và quyên tiền đóng góp ủng hộ của độc giả. Toàn bộ số tiền này được đầu tư để xây dựng công viên Hòa bình Hàn - Việt mà ngày 6/3/2006 đã khánh thành tại Phú Yên.

 

Phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” được hình thành ngay sau khi những bài báo của Ku Su-Jeong được đăng tải. Phong trào này hiện đang phát triển, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, đoàn thể xã hội nhất là giới trẻ ở Hàn Quốc.

 

Chúng tôi hỏi: “Để đi đến một kết quả như vậy không phải dễ dàng, nhất là khi những bài viết của chị đã đụng đến một sự thật mà những người tham gia muốn che giấu, lúc đó chị có gặp phản ứng nào từ họ?”. Ku Su-Jeong kể: Những bài báo này đã tạo ra một cơn sốt rất lớn trong xã hội Hàn Quốc, nên lúc đầu thật sự là cũng gặp phản ứng.

 

Chẳng là sau khi đăng những bài báo này, tòa soạn đã bị các cựu chiến binh Hàn Quốc đập phá, gây nhiều thiệt hại về tài chính và có một số phóng viên bị thương. Đây là sự kiện hy hữu trong lịch sử báo chí Hàn Quốc. Nhưng khi những cựu chiến binh này bị bắt thì chính tòa soạn đề nghị thả họ ra vì chính họ cũng là nạn nhân của chiến tranh.

 

Cho đến nay, những phản ứng gay gắt trong giới cựu chiến binh dần được giải tỏa và đã có nhiều cựu chiến binh Hàn Quốc tham gia phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”.

 

Ku Su-Jeong và phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam”  - 1
 Ku Su-Jeong (đầu tiên, bên trái) và các thành viên Tổ chức “Tôi và chúng ta” tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát tại Bình An, Tây Sơn, Bình Định.

 

Lấy đề tài từ cuộc hành trình đi tìm sự thật của Ku Su-Jeong, bộ phim tài liệu “Di chúc của những oan hồn” của đạo diễn Văn Lê tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XIII đã đoạt giải Bông sen vàng. Cũng với đề tài này, vở kịch “Giữa hai bờ sương khói” của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, đã đoạt giải kịch bản xuất sắc nhất tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2004.

 

Kể về sự chia sẻ này, Ku Su-Jeong cho biết: “Lúc đạo diễn Văn Lê đề nghị làm phim, tôi đang rất cần nhận được sự ủng hộ của báo chí, điện ảnh và dư luận xã hội Việt Nam nên đã đồng ý. Và quả thật, nếu không có sự ủng hộ, chia sẻ của những người bạn Việt Nam thì tôi sẽ không thể làm được như vậy.

 

Theo tôi, với một người nước ngoài, để có thể hoàn thành một điều gì thì 50% thành công phải nhờ vào sự giúp đỡ của bè bạn Việt Nam. Tuy tôi cũng biết tiếng Việt, nhưng nhiều việc dù rất nhỏ cũng vẫn phải nhờ những người bạn Việt Nam. Và tôi cực kỳ may mắn là có nhiều người bạn Việt Nam rất tốt”...

 

Ku Su-Jeong “bật mí” là đến nay chị vẫn phải sống nhờ một phần vào “viện trợ” của bố mẹ để dành thời gian cho việc nghiên cứu của mình. Còn khi được hỏi về dự định của mình ở Việt Nam, chị cười: “Trước mắt là phải hoàn thành luận án, sau đó, ít nhất sẽ ở lại với Việt Nam thêm một, hai năm nữa rồi mới tính tiếp”.

 

Theo Lê Viết Thọ
Thanh Niên