Ba câu hỏi của du học sinh trước khi về nước

“Lý do tôi trở về cũng đơn giản thôi: Mình là người Việt Nam thì phải trở về, phải có trách nhiệm đối với Tổ quốc” - Nguyễn Hải Sơn, sinh viên năm cuối tại Ecole Normale Superieur - Pháp viết.

Sống ở Paris hoa lệ, tôi vẫn luôn nhớ về khu phố cổ Hà Nội. Nơi đó, khi còn bé thơ, tôi đã được nuôi dưỡng và vun đắp niềm đam mê, hăng say với bộ môn vật lý bởi ông nội tôi là giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiều.

 

Bố tôi cũng là tiến sĩ vật lý. Tôi đã trải qua 3 năm tại Pháp để thực hiện ước mơ du học của mình. Trong 2 năm đầu ĐH, tôi học ở Trường đào tạo Classe Preparatoire Louis Le Grand, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển chọn vào hệ thống Trường Lớn (Grande école) của Pháp.

 

Hiện nay, tôi đang hoàn tất năm cuối tại Ecole Normale Superieur - nơi đào tạo khoa học lớn nhất của Pháp. Dự định của tôi là sẽ tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ và công tác ở nước ngoài khoảng 3 - 5 năm để lấy kinh nghiệm trước khi về làm việc hẳn tại Việt Nam.

 

Lý do tôi trở về cũng đơn giản thôi: Mình là người Việt Nam thì phải trở về, phải có trách nhiệm đối với Tổ quốc. Thực ra, ở nước ngoài không phải là đất nước mình, quê hương mình, không nói tiếng mẹ đẻ của mình thì chỉ có những người vì một lý do thật đặc biệt nào đó mới không muốn trở về.

 

Hơn nữa, những gì mình học được, tiếp thu được ở nước ngoài, nếu đem ra sử dụng ở đấy thì cũng chẳng đóng góp được gì nhiều cho đất nước họ, nhưng nếu đem sử dụng và đóng góp cho đất nước mình thì lại có ý nghĩa và quan trọng hơn rất nhiều. Với tôi, ước mơ lớn nhất là được trở thành một nhà khoa học chân chính và góp phần vào việc xây dựng nền khoa học Việt Nam bằng những đóng góp về nghiên cứu cũng như những quan điểm mới học được từ một môi trường phát triển.

 

Trong những năm qua, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho những bạn trẻ đi du học và cho những nhà nghiên cứu trẻ trở về làm việc. Nhưng tôi nghĩ rằng, chính sách thu hút nhân tài ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

 

Có thể thấy du học sinh muốn trở về thường tự đặt ra 3 câu hỏi: Về đâu, Về làm gì và Về như thế nào? Chính sách thu hút nhân tài quan trọng nhất là việc Đảng và Chính phủ tự làm mới mình, chống tiêu cực và tham nhũng triệt để nhằm tạo ra một môi trường làm việc “trong suốt” và “công bằng”. Lúc đó, câu hỏi “về đâu” mới được trả lời.

 

Việc phát triển kinh tế cũng không nên “quên” phát triển định hướng cho khoa học. Trang thiết bị máy móc nghiên cứu chưa nhiều thì nên đầu tư xây dựng tập trung từng ngành, tránh việc “chia mẩu bánh mì thành vụn nhỏ” như hiện nay. Nếu cải thiện được điều này thì du học sinh mới biết “về làm gì”. Trên thực tế, nhiều bạn theo đuổi những công nghệ khoa học tiên tiến nhưng bỗng ngẩn ngơ vì việc không biết về Việt Nam sẽ làm gì, mặc dù những ngành đó đang là những ngành mũi nhọn trên thế giới.

 

Còn giải quyết vấn đề “về như thế nào”, các cơ quan Nhà nước nên tạo điều kiện dễ dàng nhất cho những du học sinh trở về. Ví dụ đơn giản: chỉ cần được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài khi trở về làm đúng chuyên môn thì trường đại học hoặc viện nghiên cứu nhận ngay và trả lương tương xứng.

 

Điều này tôi chỉ thấy thực hiện ở một số nơi mà chưa trở thành chính sách cụ thể. Là người trong cuộc, tôi biết rất nhiều du học sinh mong muốn trở về làm việc. Chỉ cần được khích lệ, ủng hộ và tạo cho họ có một chút cơ hội thì dù khó khăn mấy họ cũng trở về Tổ quốc!

 

Theo Nguyễn Hải Sơn

Thanh Niên