Chuyển dịch cơ cấu sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre có chủ trương sống chung, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/năm. Đồng thời phát triển các mô hình sản xuất thích hợp với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt như hiện nay.

Chuyển từ trồng lúa 3 vụ sang 2 vụ/năm

Nếu như trước đây, tỉnh Bến Tre có gần 20.000 ha lúa sản xuất 3 vụ/năm thì đến năm 2017, ngành nông nghiệp đã có chủ trương chuyển sang chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm nhằm tránh thiệt hại do hạn, mặn.

Ông Phạm Văn Bé, ngụ ấp 6, xã Tân Xuân (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Năm nay toàn bộ các cánh đồng ở địa phương chỉ sản xuất vụ lúa 2 vụ gồm hè thu và thu đông còn vụ đông xuân này thì bỏ đất trống hoặc chuyển sang trồng hoa màu ngắn ngày để tránh để tránh nước mặn tràn vào gây thiệt hại như năm rồi”.

Mùa hạn, mặn năm 2016 làm hàng ngàn ha lúa ở huyện Ba Tri bị mất trắng
Mùa hạn, mặn năm 2016 làm hàng ngàn ha lúa ở huyện Ba Tri bị mất trắng

Những ngày giữa tháng ba, trời nắng như đổ lửa, trên cánh đồng từ huyện Giồng Trôm đến huyện Ba Tri đã dần chuyển đổi từ đồng lúa sang trồng các cây trồng khác. Bà Trần Thị Sẵn, ngụ ấp 1 (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Gia đình tôi có 6 công đất trồng lúa, năm rồi mất mùa do nước mặn xâm nhập nên năm nay chỉ làm 4 công lúa 2 vụ, còn lại 2 công thì chuyển qua trồng cỏ để chăn nuôi bò. Năm nay tiếp tục nắng hạn nên hầu hết người dân không xuống giống vụ đông xuân mà chuyển sang trồng màu hoặc bỏ đất trống để chờ mưa xuống mới làm vụ hè thu”.

Tại xã An Hiệp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), năm rồi thiệt hại gần như 100% diện tích lúa đông xuân do hạn, mặn. Năm nay, nông dân ở địa phương chuyển toàn bộ 357 ha lúa từ 3 vụ sang 2 vụ “ăn chắc”, thập chí một số cánh đồng chỉ làm lúa 1 vụ. Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ ấp 5 (xã An Hiệp, huyện Ba Tri) đã chuyển đổi toàn bộ 5 công đất từ trồng lúa sang trồng cỏ để chăn nuôi bò. Bà Hồng cho biết: “Mấy năm nay làm lúa năng suất thấp cộng với năm rồi nước mặn tràn về nên bà con chuyển dần sang trồng cỏ để nuôi bò. Bởi vì giống cỏ có khả năng chống chịu được hạn, mặn rất thích hợp trong điều kiện hạn, mặn như hiện nay”.

Người dân bỏ lúa để chuyển sang trồng cỏ
Người dân bỏ lúa để chuyển sang trồng cỏ

Ông Nguyễn Quốc Duy, Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp (huyện Ba Tri) cho biết: “Hiện tại nông dân địa phương đang trồng 116 ha cỏ để phục vụ chăn nuôi đàn bò khoảng 6.300 con. Thực hiện tái cơ cấu sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, địa phương đã chuyển đổi 35 ha đất gò cao, thiếu nước sang trồng cỏ. Đồng thời, sẽ chuyển đổi từ trồng lúa 3 vụ sang 2 vụ, thời gian trống sẽ cày xới bỏ ruộng không hoặc trồng cây ngắn ngày như: bo bo, đậu bắp, ngô…”.

Nông dân huyện Giồng Trôm chuyển sang trồng dừa kết hợp trồng cỏ nuôi bò
Nông dân huyện Giồng Trôm chuyển sang trồng dừa kết hợp trồng cỏ nuôi bò

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri cho biết: “Thực hiện tái cơ cấu sản xuất, năm nay huyện Ba Tri Chuyển toàn bộ hơn11.000 ha lúa từ 3 vụ sang 2 vụ nhằm tránh thiệt hại do xâm nhập mặn. Ở từng địa phương có việc chuyển đổi thích hợp như trồng rau màu ngắn ngày, trồng cỏ để chăn nuôi bò nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu”.

Phát triển mô hình sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu

Mấy năm nay, ông Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ ấp 1, xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) đã chuyển sang trồng cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát (mãng cầu rừng) cho thu nhập cao. Ông Nghĩa kể lại: “Tôi đốn bỏ 0,8 ha vườn tạp để trồng cây bình bát (là loại cây họ mãng cầu nhưng có bộ rễ chịu đựng hạn mặn rất tốt – PV) khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ vì tự dưng tôi trồng cây bình bát là loại cây gần như vô tích sự mọc hoang dại đầy ngoài bờ mương. Một số nông dân còn chê cười vì xung quanh đều đào ao nuôi tôm với hy vọng mau làm giàu”.

Khi cây bình bát lớn, ông Nghĩa tự ghép với cây mãng cầu xiêm nhờ kỹ thuật đã học được từ nông dân ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Sau 2 năm, cây mãng cầu xiêm bắt đầu cho trái chiếng. Hiện tại, mỗi năm từ 0,8ha trồng hơn 450 cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát ông thu hoạch khoảng từ 20 - 25 tấn quả, thương lái thu mua tận vườn bình quân từ 15 -30.000 đồng/kg, có khi lên đến 40.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Nông dân trồng mãng cầu xiêm cho thu nhập cao ở huyện Bình Đại (Bến Tre)
Nông dân trồng mãng cầu xiêm cho thu nhập cao ở huyện Bình Đại (Bến Tre)

Theo ông Nghĩa, vùng đất này ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn thì việc trồng cây mãng cầu có khả năng chịu mặn sẽ phát huy hiệu quả rất tốt, có thể cho thu nhập cao hơn nhiều so với các cây trồng khác.

Gần đây, nhiều hộ dân ở các huyện ven biển sản xuất lúa sạch 1 vụ/năm kết hợp với nuôi trồng thủy sản dưới ruộng lúa cho thu nhập khá cao. Trong đó, mô hình điểm là 17 hộ nông dân thuộc tổ hợp tác (THT) lúa sạch Thạnh Phú ở ấp An Hòa (xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú) được cấp xác nhận nhãn hiệu “lúa sạch Thạnh Phú” khiến nhiều nông dân phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết: “Toàn thể các hộ dân có canh tác lúa mùa trong ao tôm với tổng diện tích hơn 5.000 ha (thuộc Tiểu vùng 3 của huyện Thạnh Phú) đều được hưởng lợi từ việc có nhãn hiệu khi bán ra thị trường. Tuy quyền nhãn hiệu tạm thời giao cho THT sản xuất lúa ở An Nhơn quản lý nhưng do vấn đề pháp nhân thương mại của THT là không có nên thời gian tới huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đủ mạnh để đầu tư giữ quyền nhãn hiệu tập thể thay thế cho nông dân”.

Trồng lúa sạch kết hợp nuôi thủy sản ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre)
Trồng lúa sạch kết hợp nuôi thủy sản ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre)

Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, việc sản xuất lúa sạch là cứu cánh để giúp nông dân tăng thu nhập, có thể làm giàu trên chính thửa ruộng của mình. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến các THT sản xuất lúa sạch trên địa bàn huyện Thạnh Phú để bao tiêu sản phẩm lúa sạch với giá cao hơn thị trường là tín hiệu mừng giúp bà con có nơi tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Văn Điền, ngụ xã Mỹ An (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tôi canh tác 6 công đất trồng lúa theo quy trình lúa sạch để bán cho doanh nghiệp. Vùng đất này có đến 6 tháng nước mặn xâm nhập vào nội đồng nên không thể tăng vụ mà chỉ sản xuất 1 vụ lúa/năm. Gần đây, nhiều người sản xuất theo quy trình lúa sạch bằng cách không sử dụng thuốc hóa học kết hợp với nuôi thủy sản dưới ruộng lúa cho thu nhập khá. Đây là mô hình rất thích hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai và tình hình nắng nóng, xâm nhập mặn như hiện nay.”.

Mới đây, trong cuộc họp đầu năm với các cơ quan báo chí, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: “Tỉnh Bến Tre đang tìm cách phát triển kinh tế thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu thay gì chống chọi với nó. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển kinh tế biển, thủy sản, du lịch biển… Đồng thời tìm ra hướng đi, xác định mô hình trong nông nghiệp sao cho phù hợp phù hợp với điều kiện hiện nay; xác định phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ nhưng sẽ có sự điều chỉnh, quy hoạch lại để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu”.

Minh Giang