1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

"Nguồn vốn nhân văn" chia sẻ mọi khó khăn cho người sử dụng lao động

Thái Bá

(Dân trí) - Bắt tay triển khai Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ Ngân hàng CSXH Ninh Bình nỗ lực vào cuộc để vốn vay sớm đến với người sử dụng lao động gặp khó khăn vì Covid-19.

Sớm đưa chính sách vào cuộc sống

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Ninh Bình đã sớm bắt tay vào triển khai thực hiện.

Cụ thể, chi nhánh đã chủ động báo cáo, tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình sớm ban hành văn bản, để nhánh chóng bắt tay vào thực hiện Quyết định; tham mưu cho Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo đảng ủy, chi ủy cơ sở trực thuộc triển khai chính sách theo quy định.

Chi nhánh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện triển khai "gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng", phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong triển khai nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan để triển khai chính sách và tháo gỡ khó khăn khi thực hiện chính sách.

Nguồn vốn nhân văn chia sẻ mọi khó khăn cho người sử dụng lao động - 1

Ngân hàng CSXH chi nhánh Ninh Bình ký kết, giải ngân vốn vay cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất.

Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH Chi nhánh Ninh Bình cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức tập huấn, triển khai nghiệp vụ cho 100% cán bộ nghiệp vụ của chi nhánh. Phân công cán bộ chủ động tiếp cận với người sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp, trường học, cơ sở sản xuất để tuyên truyền, rà soát đối tượng, giải đáp các thắc mắc về điều kiện, đối tượng vay vốn, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách".

Qua rà soát, Ngân hàng CSXH chi nhánh Ninh Bình đã chủ động liên hệ với 587 người sử dụng lao động thuộc đối tượng vay vốn theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ để tuyên truyền, nắm bắt dự kiến nhu cầu vay vốn.

Kết quả cho thấy, một người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc, 7 người sử dụng lao động hoạt động có nhu cầu vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất.

Nguồn vốn nhân văn chia sẻ mọi khó khăn cho người sử dụng lao động - 2

Những người sử dụng lao động đầu tiên ở Ninh Bình được vay vốn theo Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.

"Đến nay, chi nhánh đã tiếp nhận, phê duyệt cho vay và thực hiện giải ngân được 3 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn. Trong đó, có một người sử dụng lao động vay vốn 64,2 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 18 lượt lao động; Có 2 người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú vay vốn 613,5 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho 157 lượt lao động.

Chính sách nhân văn 

Dịch Covid-19 khiến các khu, điểm du lịch phải đóng cửa. Kéo theo đó, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa nên phải cho các lao động nghỉ việc. Ông Hoàng Văn Sựng, chủ khách sạn, nhà hàng ở Ninh Bình cũng nằm trong hoàn cảnh đó.

"Nguồn thu duy nhất của đơn vị từ khách hàng đến ăn nghỉ đã bị đứt gãy nên việc trả lương cho người lao động gặp khó. Được tiếp cận với gói hỗ trợ của Chính phủ vay vốn để trả lương, không chỉ giúp doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi sản xuất, mà còn giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hiện nay", ông Hoàng Văn Sựng chia sẻ.

Nguồn vốn nhân văn chia sẻ mọi khó khăn cho người sử dụng lao động - 3

Được tiếp cận nguồn vốn vay trả lương ngừng việc cho lao động và phục hồi sản xuất một cách nhanh chóng, lãi suất 0%, không cần thế chấp... nhiều người sử dụng lao động của Ninh Bình rất vui mừng.

Được biết, ông Hoàng Văn Sựng đã được Ngân hàng CSXH Chi nhánh Ninh Bình giải ngân cho vay số tiền 378,3 triệu đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho 97 lao động trong 3 tháng 5, 6, 7 vừa qua.

Ông Mai Thế Hệ là người đầu tiên trên địa bàn được tiếp cận 64,2 triệu đồng vốn vay để trả lương ngừng việc cho người lao động. Ông nhận thấy chính sách của Chính phủ hỗ trợ lần này rất nhân văn, không chỉ thủ tục nhanh chóng, gọn nhẹ mà lãi suất cho vay 0% trong vòng gần 12 tháng, không cần tài sản đảm bảo đã giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống.

Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH Chi nhánh Ninh Bình tâm sự thêm: "Thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục khảo sát, tiếp cận cũng như phối hợp tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân biết, tổ chức thực hiện".