Dân “chở đất”...

Phần lớn người đi chở đất là những người đàn ông ở nông thôn thuộc các vùng xa, nghèo như Nam Ðịnh, Thanh Hoá, Ninh Bình,... Gia tài của họ khi lên Hà Nội làm công việc này thường chỉ là một chiếc xe đạp rách đến nỗi "để ngoài đường cũng chẳng sợ mất".

Phải phá nhà cũ đi, đào móng lại, xây mới lên những ngôi nhà trong nội thành Hà Nội. Song, với địa thế nhiều ngõ ngách lại sâu, ô tô không vào được, rác xây dựng khó bề chở đi. Ngay lập tức, dịch vụ chở phế liệu xây dựng ra đời, và  "chuyên gia" của loại hình dịch vụ này được gọi là người đi chở đất...

 

Họ là ai?

 

Với gia tài của họ từ quê lên Hà Nội làm công việc này thường chỉ là một chiếc xe đạp rách đến nỗi "để ngoài đường cũng chẳng sợ mất" nhưng lại rất chắc chắn và được coi là "cái cần câu cơm", 5, 6 chiếc thúng dùng để đựng đất hoặc vài chiếc bao xi măng, một chiếc gậy thật chắc để đệm xe. Vậy là đủ! Với những thứ ấy, họ dùng sức lực của mình để còng lưng gom những bao đất, phế liệu xây dựng từ những nơi ngóc ngách nhất, khó đi nhất đến các bãi rác.

 

Sau một ngày làm việc vất vả, họ thường về ở tại những khu nhà trọ nghèo nàn với giá vài nghìn đồng/ngày và sống thành từng nhóm nhỏ ở các khu như Hoàng Mai, Trương Ðịnh, Láng - Hoà Lạc, bến xe phía Nam... Có thể bắt gặp họ ở bất kỳ nơi nào trong thành phố, miễn nơi ấy đang đào bới hay xây dựng, hoặc các "chợ người" như ở phố Thanh Nhàn, đường Trần Khát Chân, đường Cầu Giấy... Chỉ cần trông thấy một người đang còng lưng đẩy chiếc xe thồ, hai bên là 5,6 thúng phế liệu xây dựng thì đó chính là họ, những người đi chở đất.

 

Vất vả nhưng tiền có là bao?

 

Trò chuyện với anh Trần Văn Báu, một người chuyên đi chở phế liệu xây dựng, quê ở Xuân Trường, Nam Ðịnh, anh cay đắng cho biết: "Mỗi khi tìm được mối cần chuyên chở, chúng tôi thường tập hợp một nhóm khoảng 3 đến 5 người để làm cho nhanh. Số lượng chuyên chở phụ thuộc vào ngôi nhà đó to hay nhỏ. Tiền công thì rẻ mạt, được tính theo xe thồ loại 6 đến 8 thúng hoặc 6 bao xi măng, khoảng vài nghìn đồng/xe. Ðường đi thì ngoắt ngéo, lại xa với chỗ đổ rác. May mắn lắm thì chúng tôi tìm được gia đình có nhu cầu tôn nền, cần phế liệu xây dựng đổ vào. Còn không thì mỗi lần đến được điểm đổ rác có khi phải vài cây số. Mà anh tính có phải cứ chất rác xây dựng lên rồi đạp xe được đâu. Phải còng lưng mà đẩy đi, vã mồ hôi, thở chẳng ra hơi ấy chứ".

 

Nhưng có việc còn là tốt! Có những lúc ngồi chờ cả ngày mà chẳng có ai ra thuê. Ðể "công việc kinh doanh" được thuận lợi, nhiều nhóm còn có là "ông cai" để chuyên đi nhận giúp. Thường những "ông cai" này sống ở Hà Nội, chịu khó đi gom và nghe ngóng những nơi cần chuyên chở, nhận khoán toàn bộ số phế liệu xây dựng với chủ nhà, rồi mới gọi đội quân đến chở.

 

Làm theo kiểu dưới quyền "cai" tất nhiên tiền công rẻ mạt hơn, nhưng được cái có việc làm đều, thậm chí đến giờ ăn, giờ đi ngủ rồi vẫn có người gọi đi chở đất.

 

Anh Thoong, quê Thanh Hoá, người chuyên chở đất dưới quyền một ông cai ở Hoàng Mai, cho biết: "Nếu chịu khó làm và ngày nào cũng có việc, một tháng ngoài tiền ăn, tiền trọ, chi phí các khoản cũng còn gửi về cho mẹ con nó ở quê được dăm ba trăm nghìn, góp thêm tiền trang trải các chi phí ăn, học cho con".

 

Và những nỗi lo may rủi

 

Anh Nguyễn Văn Bân, làm nghề chở đất ở Hà Nội được 3 năm nay, quê ở một làng nghèo khó vùng Hải Hậu, Nam Ðịnh. Anh sinh được 3 con, 2 gái, 1 trai, đều ở tuổi "trứng gà, trứng vịt". Vì sự nghèo khó, cả nhà chỉ có vài sào ruộng, nghề làm chiếu của vợ một ngày chẳng được mấy nghìn nên anh quyết định một mình ra Hà Nội kiếm sống với chiếc xe đạp thồ và vài cái thúng. Ở trọ tại khu nhà ở bến xe phía Nam, mỗi ngày cả tiền ăn, ở chỉ mất có mươi nghìn, còn lại bao nhiêu, anh cố gắng tích cóp hàng tháng gửi về cho vợ để nuôi con ăn học.

 

Anh Bân tâm sự: "Nhiều lúc chở xong chỗ đất, về đến nhà trọ đã 8,9 giờ tối. Nhếu nháo nhai cái bánh mỳ cho dạ dày khỏi rỗng mà nghĩ thương cái phận mình. Nhưng rồi tặc lưỡi bụng bảo dạ cố một chút còn có đồng đóng học cho con. Ðang chuẩn bị nghỉ ngơi thì cai thầu lại gọi phải đi chở gấp. Rút lui thì không xong vì sợ lần sau, họ chẳng gọi mình nữa thì lấy đâu ra tiền. Thế là đành phải còng lưng đi chở tiếp".

 

Khi được hỏi có phải ngày nào anh cũng có đất để chở không, anh Bân buồn rầu trả lời: "Ba ngày có thì bảy ngày không. Bây giờ còn đỡ vì tôi tham gia vào nhóm có một người chuyên đi móc nối. Còn ngày trước, sáng nào tôi cũng ra nhà chờ việc ở Thanh Nhàn đứng nhưng có khi cả ngày chẳng có ai thuê. Giờ thì tháng nào cũng gửi về nhà được dăm ba trăm nghìn. Nhưng đấy là tôi ăn tiêu tùng tiệm, không bia bọt, không nhậu nhẹt. Còn mấy đứa làm cùng tôi, có khi cả nửa năm cũng chẳng gửi về được hào nào".

 

"Cái đứa" mà anh Bân nhắc đến là cậu Thanh, 21 tuổi, người gốc Thanh Hoá, đã ra Hà Nội theo nghề này được hơn năm. Choáng mắt vì cái hào nhoáng của đất Hà thành, cậu hăm hở theo bạn ra Hà Nội, nghĩ rằng tháng nào cũng có thể gửi về cho vợ cùng 2 đứa con vài trăm nghìn. Nhưng lặn lội với nghề chở đất, xong việc mệt quá tặc lưỡi làm cốc bia, ít đồ nhậu. Thế là hết. Ðến 6 tháng nay, Thanh chẳng gửi được lấy một đồng về cho vợ. Vì vậy, tâm sự với người viết bài, cậu bùi ngùi nói: "Em chẳng dám gửi chút tin gì về quê vì một đồng chẳng có, xấu hổ lắm".

 

Cuộc sống làm nên con người và con người cũng làm cho cuộc sống trở nên sống động hơn. Và vì thế mới có câu chuyện về dân "chở đất".

 

Theo Hoàng Minh

Kinh Tế Đô Thị