1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tốc độ tăng GDP "xuống đáy" 3 năm, tăng trưởng liệu có vấn đề?

(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng của quý I đã ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Tuy nhiên, theo HSBC, đây chỉ là một sự bước lùi nhỏ và lĩnh vực sản xuất sẽ có nhiều khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong những quý sắp tới.

Tốc độ tăng trưởng ngành khai khoáng và xuất khẩu bị ảnh hưởng

Khối nghiên cứu của HSBC vừa công bố báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam quý I/2017 với tiêu đề "Tăng trưởng liệu có vấn đề?" trong đó lưu ý, tăng trưởng GDP quý I/2017 của Việt Nam đã chậm lại từ mức 6,8% trước đây xuống còn 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ tăng trưởng của quý I đã ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Trong bối cảnh các ngành đều tăng trưởng chậm, lực cản của ngành khai khoáng càng xấu thêm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I đã xuống thấp nhất 3 năm
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I đã xuống thấp nhất 3 năm

Theo HSBC, mức tăng trưởng chậm của các ngành này đang được ngành sản xuất phát triển tốt bù đắp lại, mặc dù vẫn không thực sự tốt như đã từng thấy trong các quý trước một phần là do tập đoàn Samsung đã ngưng sản xuất các mặt hàng điện thoại. Sản lượng của tập đoàn Samsung tại Việt Nam sụt giảm đã góp phần làm giảm 10,7% hoạt động xuất khẩu mặt hàng điện thoại và phụ kiện, kéo ngành sản xuất điện tử đi xuống.

Cho đến năm 2016, nhờ có ngành sản xuất và xuất khẩu mà kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, những dữ liệu gần đây cho thấy, trong khi ngành sản xuất duy trì hoạt động tốt, ngành xuất khẩu lại bị ảnh hưởng nặng nề trong tháng 3/2017 khi các lô hàng xuất khẩu chủ chốt là điện thoại và phụ tùng thay thế đã giảm mạnh.

Xem xét tình hình, báo cáo của HSBC cho rằng: Việc tăng trưởng GDP chậm lại trong quý I/2017 chỉ là một sự bước lùi nhỏ và lĩnh vực sản xuất sẽ có nhiều khả năng thúc đẩy tăng trưởng trong những quý sắp tới.

"Như đã nói, kết quả tăng trưởng GDP thể hiện mức độ nhạy cảm của nền kinh tế đối với quy trình sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao. Để gia tăng việc mở rộng tăng trưởng và giúp làm giảm tình hình biến động sản lượng kinh tế thì Chính phủ cần phải có nhiều cuộc cải tổ, đặc biệt là liên quan đến hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước và sự ra đời các chính sách tài khóa", HSBC khuyến nghị.

Chi phí đầu vào được chuyển cho người tiêu dùng

Về mặt giá cả, giá cả đầu vào đã tăng nhanh nhất trong vòng sáu năm qua trong bối cảnh giá đầu vào của các nguyên vật liệu thô khác tăng cao và sự suy yếu của đồng tiền. Tuy nhiên, "chi phí đầu vào cao hơn đã được chuyển cho người tiêu dùng", HSBC nhận định.

Lạm phát toàn phần đã hạ nhiệt thêm từ mức 5% trong tháng trước xuống còn 4,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng một nửa mức tăng (tương ứng 2,3 điểm) có được là nhờ chi phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng do Chính phủ lên lịch tăng phí dịch vụ y tế và giáo dục.

Trong khi đó, yếu tố vận chuyển đã giảm phát trong 2 năm qua cho đến tháng 12/2016, yếu tố này đã tăng mạnh 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái do chi phí năng lượng (giá xăng dầu, giá gas) tăng cao. Lạm phát cơ bản đã tăng mạnh 1,6% so với năm ngoái từ mức tăng 1,5% trong tháng trước.

Nói tóm lại, theo HSBC, nhờ lạm phát lương thực thực phẩm giảm nên vẫn đang giữ cho tình hình lạm phát nói chung nằm trong vòng kiểm soát.

Tuy nhiên, mới đây, Tổng cục Thống kê đã đưa cảnh báo, CPI tháng 4/2017 sẽ tăng cao hơn do chi phí thực phẩm, bia rượu và quần áo tăng cao. Hơn nữa, một số tỉnh, thành có thể cũng sẽ tăng tiền học phí theo đúng lộ trình của Chính phủ đề ra.

Bích Diệp