1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sớm cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết thí điểm mô hình Tập đoàn kinh tế với 4 Tập đoàn: Công nghiệp than - Khoáng sản, Dầu khí, Điện lực, Dệt may Việt Nam là cơ sở để tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế thời gian tới.

EVN không thể kiểm soát được công suất

Một trong những tập đoàn phát triển mạnh nhất phải kể đến là tập đoàn dầu khí Việt Nam (PV). Theo báo cáo tại hội nghị, PV không chỉ ký các hợp đồng dầu khí với nước ngoài mà còn tự đầu tư để tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài.

Hiện tại PV đang đầu tư vào 13 dự án, năm 2007 và 6 tháng năm 2008, PV đã ký 21 hợp đồng dầu khí mới; đặc biệt ngày 7/7/2008, Công ty TNHH và Công ty liên doanh RUSVietsopetro đã được đăng ký tại Liên Bang Nga và được khai thác 13 mở với trữ lượng gần 100 triệu tấn ở khu tự trị Nhennheski. Dự kiến vào năm 2009 sẽ bắt đầu khai thác một số mỏ với trữ lượng lên đến 20 triệu tấn.

Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) thì đã mở rộng các lĩnh vực có liên quan như đầu tư xây dựng các nhà máy Nhiệt điện đốt than; vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất, lắp ráp các thiết bị khai thác mỏ, ô tô vận tải; sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng…

Không chỉ mở rộng địa bàn khai thác trong nước, TKV mở rộng các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, trước mắt tập trung vào Lào và Campuchia trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản…

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì khác, hiện nay Chính phủ vẫn giao cho EVN chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, EVN đảm nhận đầu tư 57% tổng công suất của các nhà máy điện mới, tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện giai đoạn 2007 - 2015 ước tính 700.000 tỷ đồng.

Theo EVN, đây là số vốn rất lớn, đòi hỏi EVN phải tập trung toàn bộ nguồn lực tự có của mình, đồng thời cần huy động thêm một số vốn lớn từ bên ngoài mới có thể đảm bảo khả năng đầu tư. EVN dự kiến sẽ thành lập các Công ty cổ phần trong đó yêu cầu các Công ty con góp vốn ở mức độ tối đa có thể.

Tuy nhiên với 43% tổng công suất còn lại EVN vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà đầu tư bên ngoài (như BOT/IPP, Tập đoàn PV, Tập đoàn TKV…) và EVN không thể kiểm soát được, do đó sẽ khó khăn trong việc bảo đảm khả năng chi phối của nhà nước.

Theo nhận định của ông Trần Thảo, Phó trưởng Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, từ khi thành lập đến nay, mô hình các tập đoàn đã tạo dựng và phát huy được sức mạnh tổng thể, lợi thế để tối đa hóa lợi nhuận và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của tập đoàn.

Bên cạnh đó, cơ chế tài chính mới đã tạo điều kiện cho các tập đoàn trong việc huy động vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, trong việc thu xếp vốn cho các dự án, phát hành trái phiếu, hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài và thu hút đầu tư nước ngoài.

Lo ngại khi có thêm những tập đoàn mới

Sau 2 năm, mô hình tập đoàn bước đầu có những thành công nhất định, tuy nhiên cũng đã nảy sinh không ít bất cập. Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, do việc chuyển đổi thành lập tập đoàn kinh tế trên cơ sở các Tổng Công ty nhà nước giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và do lịch sử để lại nên một số lĩnh vực cụ thể, hoạt động của một số tập đoàn hiện nay mang tính độc quyền, chưa phù hợp với cơ chế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, việc mở rộng đa ngành, đa nghề ra nhiều lĩnh vực không phải sở trường như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, viễn thông… đã phần nào làm giảm năng lực và sự tập trung nguồn lực của các tập đoàn vào lĩnh vực chính.

Việc chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần, Công ty TNHH 1 thành viên của một số công ty con vẫn còn ỷ lại vào sự điều hành, phân công thị trường, bảo hộ thị trường của Tập đoàn; một số công ty chưa có chuyển biến thực sự về quản trị theo luật Doanh nghiệp, hoạt động quản lý vẫn mang nặng hình thức của Công ty nhà nước. Một số doanh nghiệp còn chưa thoát khỏi cơ chết xin - cho…

Hiện cả nước có 8 Tổng Công ty đang hoạt động theo mô hình thí điểm tập đoàn kinh tế. Một số Tổng Công ty nhà nước khác thuộc Bộ Công Thương đã được chấp nhận chủ trương xây dựng đề án chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình tập đoàn kinh tế như: Các Tổng Công ty Hóa chất, Thép, thuốc lá, Xăng dầu Việt Nam. Với hàng loạt vấn đề mà các tập đoàn đang phải đối mặt hiện nay thì việc có thêm nhiều tập đoàn nữa đã khiến dư luận lo ngại.

Tại hội nghị này, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước. Bộ kiến nghị Chính phủ cần chính thức ban hành Nghị định về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường pháp lý bình đẳng, có chính sách khuyến khích đầu tư liên kết để hình thành tập đoàn kinh tế có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Chính phủ cần sớm ban hành các quy định về hạn chế cạnh tranh, chống lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường hoặc lạm dụng vị thế độc quyền nhằm đảm bảo các công ty hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật…

Lan Hương