1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Những "thủ thuật" giúp các ngân hàng sở hữu chéo

Thảo Thu

(Dân trí) - Sự phát triển các công cụ tài chính giúp sở hữu chéo ngân hàng ngày càng tinh vi khi không chỉ cho vay trực tiếp mà sử dụng công cụ để tài trợ lẫn nhau, với mục địch chi phối ngân hàng của giới chủ.

Sở hữu chéo: Tạo hệ sinh thái doanh nghiệp thân hữu

Vấn đề sở hữu chéo ngân hàng tồn tại trên hệ thống tài chính Việt Nam từ năm 1997, khi Luật Các Tổ chức tín dụng ra đời có điều khoản cho phép ngân hàng sở hữu một tổ chức tài chính.

Tại talkshow "Bản chất sở hữu chéo: Ngân hàng trong tay "trùm"?" do báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính tổ chức, nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sở hữu chéo, TS Lê Đạt Chí - Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng do các ông chủ nhà băng không có đủ nguồn lực, nên việc tài trợ của ngân hàng này cho ngân hàng khác để làm gia tăng nguồn vốn ảo, trong khi vốn thật trong mỗi ngân hàng mỏng đi.

Do vậy, khi Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi lần 2 năm 2010 siết lại việc sở hữu chéo, các ông chủ nhà băng đã né theo hướng khác.

Thay vì dùng vốn của ngân hàng này đi góp vốn ngân hàng khác, họ sẽ dùng vốn của ngân hàng này cho một ông chủ vay vốn, để tài trợ góp vốn vào một ngân hàng khác, gọi là cho vay chéo để tăng vốn.

Những thủ thuật giúp các ngân hàng sở hữu chéo - 1

Sở hữu chéo từ vấn đề ngân hàng này sở hữu chi phối ngân hàng khác, đã tạo ra một hệ sinh thái các doanh nghiệp đằng sau (Ảnh: Tiến Tuấn).

Lần thứ 3 sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng tiếp tục siết mạnh hơn, đó là hạn chế cho vay số tiền lớn. Thời điểm này, các ông chủ nhà băng lại nghĩ ra cách khác, đó là cầm cố cổ phiếu của chính các ngân hàng để lấy vốn nhằm tăng vốn. Nhưng sau đó, điều khoản này bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia, thị trường trái phiếu bùng phát đã trở thành một công cụ béo bở cho các ông chủ nhà băng. Họ sử dụng phần vốn góp của mình bằng cổ phần để làm tài sản đảm bảo nhằm phát hành trái phiếu, dùng tiền huy động từ trái phiếu đó để góp vốn vào ngân hàng khác.

Cũng từ đây, sở hữu chéo tạo ra một hệ sinh thái các doanh nghiệp đằng sau của ông chủ để sở hữu ngân hàng. Phần sở hữu ở trong các công ty đó được họ thế chấp ngân hàng vay vốn, rồi dùng vốn vay này gia tăng vốn sở hữu trong ngân hàng.

Theo ông Chí, đây là nguyên do thị trường trái phiếu Việt Nam có thời gian phát triển mạnh, nhưng phần lớn là chào bán riêng lẻ.

"Chào bán riêng lẻ chỉ có một vài nhà đầu tư lớn mua hàng ngàn tỷ đồng. Đồng thời trên báo cáo tài chính của hệ thống ngân hàng là một khoản gia tăng tín dụng thông qua việc mua trái phiếu của các doanh nghiệp rất lớn", ông nói.

Theo vị chuyên gia, sự phát triển các công cụ tài chính đã tạo điều kiện cho sở hữu chéo ngày càng tinh vi hơn, không chỉ cho vay trực tiếp mà còn sử dụng các công cụ để tài trợ lẫn nhau nhằm mục đích chi phối ngân hàng đó của giới chủ.

Sau nhiều lần sửa đổi, Dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có đề cập đến việc giảm tỷ lệ sở hữu đã được trình lên Quốc hội xem xét vào kỳ họp 2023 vừa qua. "Lần sửa này nếu thông qua việc có chấm dứt được sở hữu chéo hay không vẫn là câu hỏi", ông Lê Đạt Chí nói.

Hơn một thập kỷ chưa thể giải quyết sở hữu chéo 

GS.TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TPHCM - cũng cho rằng hơn một thập kỷ qua, nước ta vẫn chưa giải quyết xong vấn đề sở hữu chéo trong ngân hàng.

Theo ông Thơ, bản chất của sở hữu chéo tại Việt Nam khác với khái niệm này ở các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, một vài ông chủ đứng đằng sau và thâu tóm, nắm quyền kiểm soát, lũng đoạn nhà băng để cho vay thân hữu, chủ yếu là tập trung vào bất động sản.

"Rõ ràng việc cho vay trong nội bộ hay trong hệ sinh thái hoàn toàn làm tăng vốn ảo, không có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt là đẩy giá bất động sản, đẩy bong bóng tài sản cố định trong nền kinh tế lên cao, tạo ra một khả năng tiềm ẩn trong báo cáo tài chính", ông Thơ nói.

Những thủ thuật giúp các ngân hàng sở hữu chéo - 2

Bức tranh sở hữu chéo tại Việt Nam phát triển đến một mức độ tinh vi (Ảnh: Mạnh Quân).

"Với pháp luật các nước đơn giản là họ sẽ trừ hết tất cả khoản vốn ảo, các khoản vốn mà các cơ quan quản lý phát hiện nằm trong hệ sinh thái. Đây là cách thức xử lý tôi cho rằng khá hữu hiệu, có thể là một bài học kinh nghiệm để chúng ta xử lý triệt để sở hữu chéo trong thời gian tới", ông Thơ đưa ra quan điểm.

Ngoài ra, việc sở hữu chéo rất khó phát hiện.

TS Lê Đạt Chí cho rằng, trong điều khoản của Luật Các Tổ chức tín dụng có quy định giới hạn cho vay các công ty liên kết với ông chủ ngân hàng. Tuy nhiên, để Ngân hàng Nhà nước giám sát và thực thi điều khoản giới hạn cho vay trong một nhóm các công ty liên kết gần như rất khó. Việc này càng khó khi các công ty này được lập nên không có phả hệ mà luật pháp quy định, ví dụ con rể, con dâu, em vợ, em chồng…

Ông Chí đưa ra ví dụ, qua mùa mỗi mùa họp đại hội cổ đông, việc công bố danh sách cổ đông có quyền dự họp dễ dàng thấy có vài trăm doanh nghiệp đang là cổ đông trong ngân hàng.

Theo chuyên gia, các "ông lớn" chia nhỏ sở hữu ra để né đi các quy định về giới hạn sở hữu của Luật quy định, né đi vấn đề công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

"Việc chia nhỏ sở hữu này giúp ông chủ kiểm soát được ngân hàng, nhưng cũng đồng thời lợi dụng được phần vốn góp cổ phần này để vay vốn, kinh doanh khi quyền sở hữu này chưa dùng đến", ông cho hay.

Ông đề xuất cơ quan quản lý cần thiết lập nên hệ thống kiểm soát trong ngân hàng, tức phải nắm được ngân hàng cấp tín dụng hay quyết định một khoản đầu tư trái phiếu cho một doanh nghiệp nào đó.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng Luật Các Tổ chức tín dụng cũng cần phải thiết lập các tiêu chuẩn đề cử, thay đổi lại hành vi này giúp việc bầu cử các thành viên HĐQT trong ngân hàng thực sự là người có chuyên môn và đại diện cho cổ đông đại chúng, thay vì một nhóm sở hữu ngân hàng.