1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Nhà nước thoái sạch vốn, gia đình Thứ trưởng Thoa nắm bao nhiêu cổ phần Điện Quang?

(Dân trí) - Từ một doanh nghiệp Nhà nước, sau khi cổ phần hóa và cổ phần được mua đi bán lại nhiều lần, hiện Nhà nước đã không còn nắm giữ cổ phần nào tại Bóng đèn Điện Quang. Trong khi đó, các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã gom tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ, trị giá trên 680 tỷ đồng.

Từ một doanh nghiệp Nhà nước, sau khi cổ phần hóa và cổ phần được mua đi bán lại nhiều lần, hiện Nhà nước đã không còn nắm giữ cổ phần nào tại Bóng đèn Điện Quang. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện thoái toàn bộ 3,9 triệu cổ phiếu tại doanh nghiệp này vào năm 2014, thu về khoảng 179 tỷ đồng (giá đóng cửa ngày 15/9/2014 cũng là ngày SCIC hoàn tất giao dịch).

Báo cáo quản trị công ty năm 2016 của Điện Quang cho thấy: Tại thời điểm 31/12/2016, mặc dù đã không còn giữ chức vụ nào tại doanh nghiệp song số cổ phần nắm giữ của bà Hồ Thị Kim Thoa tại Điện Quang vẫn còn gần 1,7 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 4,91% vốn điều lệ công ty.

Đáng chú ý là người thân của bà Thoa nắm nhiều vị trí chủ chốt tại doanh nghiệp này. Cụ thể, ông Hồ Quỳnh Hưng - em trai ruột của bà Thoa đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Điện Quang. Ông Hưng sở hữu gần 2,52 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng tỷ lệ 7,33% vốn điều lệ công ty này.

Con gái lớn của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga (sinh năm 1984), đang là Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Điện Quang. Thái Nga sở hữu 4,12 triệu triệu cổ phiếu DQC, tương đương 12,01% vốn điều lệ.

Con gái thứ của bà Thoa là Nguyễn Thái Quỳnh Lê - Giám đốc Ban dự án, sở hữu 2,23 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng 6,49% vốn điều lệ.

Ngoài ra, mẹ ruột của bà Thoa là bà Trần Thị Xuân Mỹ cũng sở hữu trên 1,22 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng 3,83% vốn điều lệ công ty.

Như vậy, tại Điện Quang, gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Sau khi bà Hồ Thị Kim Thoa rời Điện Quang để làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà vẫn còn cổ phần tại Điện Quang và nhiều người thân nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại công ty này
Sau khi bà Hồ Thị Kim Thoa rời Điện Quang để làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà vẫn còn cổ phần tại Điện Quang và nhiều người thân nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại công ty này

Giá cổ phiếu DQC trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây liên tục biến động. Tạm dừng phiên giao dịch sáng 21/2, thị giá DQC ở mức 58.000 đồng mỗi cổ phiếu. Như vậy, tổng giá trị tài sản tính theo thị giá cổ phiếu DQC của gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa hiện ở mức 684,4 tỷ đồng, trong đó, riêng tài sản cổ phiếu của bà Thoa xấp xỉ 99 tỷ đồng.

Giải thích về nguồn gốc khối tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, trong một thông báo phát hành gần đây, Bộ Công Thương cho biết, số cổ phần của CTCP Bóng đèn Điện Quang mà bà Thoa đang sở hữu là “số cổ phần có được trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương”.

Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng. Bản thân vị Thứ trưởng khi trả lời báo giới bên lề phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 20/2 cũng khẳng định, số tài sản của bà được kê khai hàng năm.

Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang; từ năm 2000 đến 2005 là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty.

Tuy nhiên, trong câu chuyện này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, cần truy lại quá trình giao dịch thâu tóm cổ phiếu tại Điện Quang của các cổ đông lớn, trong đó có bà Thoa và những người liên quan. Đặc biệt là quá trình sau khi SCIC thoái vốn, bán hơn 3,9 triệu cổ phiếu Điện Quang hồi năm 2014 theo hình thức thỏa thuận, chứ không đấu giá công khai cũng như quá trình chuyển nhượng cổ phiếu giữa các thành viên trong gia đình bà Thoa.

Đồng thời, đại diện VAFI cũng đề nghị, việc cần hiện nay là phải làm rõ từ khi giữ chức Thứ trưởng, bà Thoa có các quyết định gì có ảnh hưởng, tạo điều kiện không công bằng trong cạnh tranh giữa Điện Quang và các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể tránh để xảy ra những trường hợp có thể lợi dụng để tư lợi.

Theo ông Hải, việc xem xét lại các quyết định của bà Thoa là cần thiết, đặc biệt liên quan đến những quyết định trong chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp ưu tiên dùng hàng Việt. Thực tế, chỉ cần các doanh nghiệp ngành công thương được yêu cầu ưu tiên mua hàng của Điện Quang là cũng có thể tạo sự không bình đẳng trong cạnh tranh.

Để làm rõ những vấn đề quanh khối tài sản nhà Thứ trưởng Thoa, trong một diễn biến mới nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan và sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thương hiệu bóng đèn Điện Quang ra đời vào năm 1979 với tên gọi Nhà máy Bóng đèn Điện Quang trên cơ sở tiếp quản dây chuyền thiết bị, cơ sở sản xuất do chế độ cũ để lại. Vào tháng 12/1989, Nhà máy Bóng đèn Điện Quang được đổi thành Xí nghiệp Liên hiệp Bóng đèn Điện Quang, hoạt động sản xuất kinh doanh độc lập.

Ngày 4/10/1991, Bộ Công Nghiệp đổi tên Xí nghiệp Liên hiệp bóng đèn Điện Quang thành Công ty Bóng đèn Điện Quang. Công ty Bóng đèn Điện Quang là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập theo quyết định số 236/CNNTCLĐ ngày 24/3/1993 của Bộ Công Nghiệp Nhẹ. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 102586 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp lần đầu vào ngày 17/4/1993.

Ngày 3/2/2005, Điện Quang đã chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức Công ty cổ phần theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty cổ phần số 4103003095 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp với số vốn điều lệ đăng ký lần đầu là 23,5 tỷ đồng.

Đến năm 2008, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang chính thức niêm yết cổ phiếu công ty tại sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) với mã chứng khoán là DQC.

Bích Diệp