1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhà máy từng bị dừng vì gây ô nhiễm môi trường tại Quảng Nam xin vận hành

Công Bính

(Dân trí) - Nhà máy Sô đa Chu Lai (Quảng Nam) phải dừng hoạt động suốt nhiều năm do gây ô nhiễm môi trường và đang xin phép được vận hành chính thức để trả nợ, tạo việc làm.

Công ty cổ phần Sản xuất Sô đa Chu Lai cuối tháng 2 vừa qua gửi văn bản báo cáo đến UBND tỉnh Quảng Nam để được tạo điều kiện cho nhà máy đi vào hoạt động chính thức, sản xuất ổn định, tạo việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương.

Ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Sô đa Chu Lai - cũng cho biết nhà máy đã khắc phục xong các tồn tại, ô nhiễm môi trường nên giao cho Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thương mại Tân Tiến (Công ty Tân Tiến) thực hiện các thủ tục xin cấp phép môi trường của dự án để công ty vận hành 21 năm, kể từ thời điểm được chấp nhận. Công ty Tân Tiến là doanh nghiệp được toàn quyền quản lý, vận hành và kinh doanh nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai để tạo nguồn thu trả nợ cho các ngân hàng.

Với kiến nghị của doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chuyển đề nghị của Công ty Sô đa Chu Lai đến Sở TN-MT để kiểm tra, rà soát, hướng dẫn công ty thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường theo thẩm quyền, đúng quy định.

Nhà máy từng bị dừng vì gây ô nhiễm môi trường tại Quảng Nam xin vận hành - 1

Công ty CP sản xuất Sô đa Chu Lai (Ảnh: Công Bính).

Công ty cổ phần Sản xuất Sô đa Chu Lai được UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Quản lý khu Kinh tế mở Chu Lai cấp Giấy chứng nhận năm 2009 với quy mô sản xuất Sô đa công nghiệp, công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư trên 100 triệu USD.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và vận hành thử nghiệm, thiết bị của nhà máy không đúng tiêu chuẩn như hợp đồng đã cam kết. Hơn nữa, sau sự cố giàn khoan 981 năm 2014, nhà thầu EPC (thiết kế, mua sắm, xây dựng) của Trung Quốc "một đi không trở lại'', khiến nhà máy rơi vào tình cảnh rất khó khăn.

Năm 2016, nhà máy Sô đa Chu Lai gây ô nhiễm môi trường nên UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường của nhà máy. Tổng cục Môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra và phát hiện nhà máy này nhiều sai phạm nên đã ra quyết định xử phạt hơn 730 triệu đồng.

Từ đó, nhà máy Sô đa Chu Lai dừng hoạt động để sửa chữa, tái cấu trúc và thực hiện các nội dung công việc như yêu cầu của tỉnh Quảng Nam.

Thời gian sau, doanh nghiệp này không còn khả năng tài chính để khắc phục theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam, nhà máy bị bỏ hoang trong thời gian dài, dây chuyền sản xuất xuống cấp nghiêm trọng.

Nhà máy từng bị dừng vì gây ô nhiễm môi trường tại Quảng Nam xin vận hành - 2

Nhà máy từng bị bỏ hoang trong thời gian dài (Ảnh: Công Bính).

Năm 2018, các ngân hàng tham gia cho nhà máy này vay gồm Agribank, PVComBank đã thống nhất chấp thuận cho Công ty Tân Tiến hợp tác và đầu tư để nhà máy Sô đa Chu Lai đi vào hoạt động.

Năm 2021, Công ty Sô đa Chu Lai và Công ty Tân Tiến ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, Công ty Sô đa Chu Lai giao cho Công ty Tân Tiến toàn quyền chủ động quản lý, vận hành và kinh doanh nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai.

Năm 2022, Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam cùng các bên liên quan làm việc với Công ty Sô đa Chu Lai và thống nhất phương án cho Công ty Tân Tiến quản lý, vận hành và kinh doanh lại nhà máy sản xuất Sô đa Chu Lai tạo nguồn thu và trả nợ các khoản vay.