1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lời cảnh báo sớm!

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam <a href="http://dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/6/125538.vip"> sẽ giảm sau năm 2010 </a>”. Đây là thông tin trong báo cáo vừa công bố có tên Foresight 2020 (dự báo năm 2020) do cơ quan chuyên đưa ra các phân tích dự báo về kinh tế toàn cầu (Economist Intelligence Unit - EIU).

Dự báo này hình thành trên cơ sở phân tích phỏng vấn hơn 2.000 chuyên gia kinh tế, chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế tại hơn 100 quốc gia trên thế giới hồi cuối năm 2005.

Theo EIU, kinh tế thế giới từ 2006-2020 sẽ đạt mức phát triển trung bình 3,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế VN trong giai đoạn từ 2006-2010 vẫn đạt mức 7%/năm, nhưng giai đoạn 2011-2020 tốc độ tăng trưởng sẽ giảm chỉ đạt 5,4%.

Còn Trung Quốc thì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,8%/năm (giai đoạn 2006-2010) giảm xuống 6%/năm (giai đoạn 2011-2020).

EIU không đưa ra nguyên nhân sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN mà chỉ đưa ra nguyên nhân sụt giảm của Trung Quốc. Đó là sự thay đổi về nhân khẩu học, là cái giá phải trả cho sự thành công, sự phát triển kinh tế quá nóng để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa Trung Quốc và các nước.

Nhìn người rồi nghĩ đến ta. Soi rọi với tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta trong những năm vừa qua, ta cũng thấy dáng dấp 2 nguyên nhân mà EIU chỉ ra đối với Trung Quốc.

Đó là tình trạng tăng dân số. Gần đây số cặp vợ chồng đẻ thêm con thứ ba gia tăng kể cả trong cán bộ công chức đến mức báo động. Đó là tình trạng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế đã sản xuất với bất cứ giá nào, phá vỡ cân bằng sinh thái gây ô nhiễm môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên.

Cứ nhìn vào những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ vài trăm triệu trở lên là đủ thấy. Dầu thô, than đá, thủy sản cứ đà khai thác như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa sẽ cạn kiệt. Bài học một thời các địa phương đua nhau xuất khẩu ván sàn làm cạn kiệt tài nguyên rừng vẫn còn đó.

Tình trạng sản xuất với bất cứ giá nào gây ô nhiễm môi trường trầm trọng đến mức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực phải lên tiếng: của cải làm ra không đủ bù đắp thiệt hại môi trường. Dòng sông Nhuệ (Hà Nội), sông Thị Vải (Đồng Nai) chết vì chất thải công nghiệp là cái giá phải trả cho việc sản xuất công nghiệp theo kiểu “ăn xổi ở thì” không theo quy hoạch lâu dài.

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN sẽ giảm sau năm 2010 tuy chỉ là một dự báo nhưng đối với ta lời cảnh báo sớm đáng lưu tâm”.

Theo Minh Thông
Báo SGGP