1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM:

Khách “chê” mặt bằng bán lẻ xa trung tâm

(Dân trí) - Trong khi mặt bằng bán lẻ khu trung tâm đang đắt hàng, cung không đủ cầu và giá tăng theo từng quý thì mặt bằng xa trung tâm đang “ế ẩm” dù nguồn cung rất phong phú.

Khách “chê” mặt bằng bán lẻ xa trung tâm - 1
Mặt bằng xa trung tâm “ế ẩm”
 
Trong quý III/2010, giá thuê trung bình mặt bằng bán lẻ vẫn khá ổn định. Tuy nhiên, trong từng phân khúc thì có sự khác biệt: mặt bằng khu trung tâm tiếp tục tăng giá trong khi khu ngoại thành xa trung tâm rơi vào tình trạng khan khách và hạ giá.
 
Cụ thể, theo thống kê của Công ty CBRE Việt Nam thì tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ khu trung tâm giảm trong khi giá thuê tăng 7,1%; đạt mức trung bình 132,7 USD/m2/tháng. Còn mức giá thuê mặt bằng bán lẻ ngoài khu vực trung tâm tiếp tục giảm nhẹ xuống mức trung bình 39,4 USD/m2/tháng.
 
Ông Rudolf Hever, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường & Tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam nhận định: “Giá thuê mặt bằng bán lẻ nằm ngoài khu trung tâm tiếp tục giảm khi khách thuê mới tham gia thị trường ưa chuộng các vị trí trong trung tâm hơn. Khách thuê nước ngoài khi vào Việt Nam cũng thường chọn khu vực trung tâm để hoạt động trước khi tính đến việc phát triển ra ngoại thành”.
 
Do đó, mặt bằng xa trung tâm chỉ là lựa chọn thứ 2 khi các nhà bán lẻ không tìm ra được mặt bằng tốt ở khu trung tâm hoặc không chịu nổi giá cả ở đây. Ngoài ra, giá mặt bằng bán lẻ khu ngoại thành giảm còn vì nguồn cung thời gian qua tăng quá nhanh. Trong quý IV/2010 sắp tới cũng sẽ có thêm nhiều trung tâm bán lẻ mới ra đời như Crescent Mail (cung cấp 70.000m2), Thiên Sơn Plaza (cung cấp 8.000m2)…
 
Chính những điều này khiến cho việc cạnh tranh giữa các trung tâm bán lẻ xa trung tâm càng trở nên gay gắt. Không ít trung tâm hoạt động kém hiệu quả, không thể thu hút được mức khách hàng tối thiểu để có lợi nhuận.
 
Đơn cử như trung tâm thương mại Saigon Paragon trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7) phải tuyên bố đóng cửa vào đầu tháng 10 vừa qua do hoạt động quá kém. Chủ đầu tư phải chuyển giao trung tâm này cho đơn vị quản lý mới là Parkson với hy vọng cung cách quản lý chuyên nghiệp sẽ giúp cải thiện tình hình kinh doanh tại đây.
 
Theo nhiều chuyên gia thì trong điều kiện khan hiếm mặt bằng ở trung tâm như hiện nay thì xu hướng chuyển hệ thống bán lẻ ra ngoại thành là tất yếu. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì các trung tâm bán lẻ ở ngoại thành chỉ phù hợp với một số loại hình hàng hóa đặc thù như thực phẩm, đồ tiêu dùng… Bởi những mặt hàng thiết yếu dễ dàng được cư dân xung quanh chấp nhận, phục vụ cho nhu cầu của từng khu dân cư, khu đô thị mới.
 
Còn những mặt hàng cao cấp, xa xỉ phẩm, thời trang… vẫn cần phải tìm kiếm vị trí tốt tại các khu trung tâm để khẳng định thương hiệu nên các trung tâm bán lẻ xa trung tâm khó lòng cạnh tranh nổi.
 
Theo thống kê của CBRE Việt Nam, chỉ trong năm 2010 thì diện tích mặt bằng bán lẻ khu ngoại thành sẽ tăng khoảng 50%, dự báo đến năm 2013 sẽ còn tăng gấp 10 lần hiện nay. Như vậy, xu hướng giảm giá là điều không tránh khỏi.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng trấn an các nhà đầu tư vì giá chỉ có thể giảm đến một mức hợp lý mà thôi. Bởi nguồn cầu vẫn còn tiếp tục gia tăng theo đà phát triển kinh tế nên sự phát triển của mặt bằng bán lẻ ở xa trung tâm là hợp lý, sẽ không rơi vào cảnh cung vượt quá xa cầu.
 
Công ty Savills Việt Nam cũng nhận định: “Cùng với kinh tế tăng trưởng nhanh, nguồn cầu cho các nhu yếu phẩm hàng ngày gia tăng và đa dạng hơn, dẫn đến nguồn cầu lớn cho các trung tâm bán lẻ của thành phố đông dân như TPHCM. Trong trung hạn, thị trường bán lẻ vẫn rất tiềm năng”.
 
Hạ Nguyên