1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

EU thông qua giá trần khí đốt để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng

Nhật Linh

(Dân trí) - Sau 2 tháng đàm phán căng thẳng, các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất áp giá trần "động" đối với khí đốt tự nhiên.

Việc đưa ra giới hạn giá đối với khí đốt đã gây ra sự tranh cãi trong các quan chức châu Âu. Một số quốc gia thành viên lập luận biện pháp này là cần thiết để giảm chi phí năng lượng cho người tiêu dùng. Song một số quốc gia khác lại lo lắng về tác động của chính sách đến thị trường.

Tuy nhiên, vượt qua những khác biệt đó, quan chức EU đã nhất trí với một cơ chế mà họ gọi là cơ chế điều chỉnh theo thị trường. Theo đó, giá sẽ được tự động điều chỉnh với 2 điều kiện: nếu các hợp đồng khí đốt tháng trước trên sàn giao dịch TTF Hà Lan vượt quá 180 euro/Mwh trong 3 phiên liên tiếp hoặc nếu giá khí đốt cao hơn 35 euro so với mức giá tham chiếu của khí đốt hóa lỏng (LNG) trên thị trường toàn cầu trong cùng một thời điểm.

EU thông qua giá trần khí đốt để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng - 1

EU đã nhất trí áp giá trần "động" đối với khí đốt tự nhiên (Ảnh: Getty).

Biện pháp này sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 15/2/2023, sẽ giới hạn giá đấu thầu của các giao dịch tương lai khí đốt tự nhiên trong 20 ngày làm việc.

Các quốc gia, trong đó có Đức, cũng đã yêu cầu đưa ra một số điều kiện nhất định để đình chỉ cơ chế này nhằm tránh những tác động tiêu cực. Những điều kiện bao gồm: giá tham chiếu LNG cộng phí bảo hiểm đã giảm xuống dưới mức 180 euro/Mwh trong ít nhất 3 ngày làm việc hoặc nếu Ủy ban châu Âu tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Hôm đầu tuần, giá khí đốt trên sàn TTF Hà Lan đang quanh mức 109 euro/Mwh.

Phản ứng về quyết định trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trên Interfax rằng, biện pháp này là phi thị trường và "không thể chấp nhận được".

Ông Jozef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp Cộng hòa Séc, nước giữ chức chủ tịch Hội đồng EU, cho rằng đây không phải là mức giới hạn cứng, vì giá có khả năng vượt trần nếu giá LNG trên thị trường vượt quá một mức nhất định. "Nói cách khác, đây không phải là giới hạn cố định mà là giới hạn động", ông nói thêm.

Nói trong một cuộc họp báo, Ủy viên châu Âu về năng lượng Kadri Simson cũng cho rằng đó là một công cụ để ngăn chặn việc tăng giá khí đốt quá mức mà không theo thị trường thế giới. Chẳng hạn như hồi tháng 8 năm nay, giá khí đốt ở châu Âu đã vọt lên 300 euro/Mwh.

Theo CNBC