1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Dịch Covid-19 khiến 90% công ty du lịch và dịch vụ không hoạt động

An Linh

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đại dịch Covid-19 tác động ngày càng mạnh mẽ đến doanh nghiệp; trong đó, các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp nặng gánh chịu tổn thất lớn nhất.

Dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020, 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ KH&ĐT gửi các bộ, ngành và một số địa phương cho biết thực trạng phát triển, ảnh hưởng của hàng loạt ngành, lĩnh vực tại Việt Nam.

Cụ thể, trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, Bộ KH&ĐT cho biết đây là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi Covid-19, do chịu tác động từ năm 2020, rồi thiên tai lịch sử tại miền Trung và các đợt bùng phát dịch đầu năm đến nay. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch đang gặp khó khăn về tài chính do không có doanh thu và rơi vào tình trạng kiệt quệ.

90% doanh nghiệp du lịch và dịch vụ không hoạt động

Báo cáo của Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: "Có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour phần lớn nghỉ việc 100% lao động, 60-90% nhân sự doanh nghiệp lữ hành đang nghỉ không lương".

Dịch Covid-19 khiến 90% công ty du lịch và dịch vụ không hoạt động - 1

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có lữ hành, khách sạn chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh (Ảnh minh họa).

Đáng chú ý, quy định tiền ký quỹ 500 triệu đồng/doanh nghiệp lữ hành quốc tế bị đọng vốn. Trong tình cảnh khó khăn, có khoảng 600 doanh nghiệp đã phải tạm rút giấy phép để lấy lại ký quỹ, cân đối tài chính.

Đối với ngành dệt may, theo Bộ KH&ĐT, lần đầu tiên sau 25 năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, đạt 35 tỷ USD kim ngạch trong năm 2020, giảm so với mức kim ngạch 39 tỷ USD năm 2019.

Theo cơ quan này, thống kê cho thấy đơn hàng dệt may vẫn có nhưng giá bán giảm mạnh do nhu cầu giảm. Doanh nghiệp không còn có những đơn hàng cũ và nguồn tiền dự phòng giảm. Theo dự báo của các doanh nghiệp, phải đến hết quý II/2022 và chậm nhất quý IV/2023, thị trường dệt may mới phục hồi về ngưỡng năm 2019.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may giảm nghiêm trọng 20% năm 2020 so với năm 2019. Ngoài ra, các chi phí đầu vào tăng, giá bán giảm, chi phí trung gian tăng và lưu thông giữa các địa phương khó khăn...

Đối với ngành bán lẻ, theo báo cáo, phần lớn các doanh nghiệp bị giảm 70% doanh số so với doanh số bán hàng trong năm 2020. 1/4 số doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm giờ làm. Tính trung bình, tất cả các ngành, quy mô doanh nghiệp và vùng địa lý, số giờ hoạt động của các doanh nghiệp thấp hơn 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

5 tháng qua, sản lượng ngành ô tô giảm 50%

Bộ KH&ĐT nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ hiện nay là cầu giảm, đơn hàng mới giảm. Ngoài ra, các doanh nghiệp bị thanh toán chậm, trì hoãn việc nhận hàng, phải mất chi phí và thời gian lưu kho, lưu bãi. Nguồn cung đầu vào giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải hủy hợp đồng bán hàng do không đủ vật tư đầu vào, chi phí và kho bãi vận chuyển...

Dịch Covid-19 khiến 90% công ty du lịch và dịch vụ không hoạt động - 2

Sản lượng xe ô tô suy giảm mạnh do tổng cầu suy giảm, các chính sách ưu đãi không còn và bản thân doanh nghiệp khó khăn (Ảnh minh họa).

Đối với ngành công nghiệp ô tô, Bộ KH&ĐT khẳng định, giữa năm 2020 số lượng đơn hàng, hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ khó khăn đối với toàn ngành. Nhu cầu đi lại giao thương hạn chế dẫn đến doanh số toàn ngành giảm.

Việc tăng cước vận chuyển cùng với kéo dài thời gian làm thủ tục nhận hàng đã kéo giá thiết bị vật tư tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Đáng nói, theo Bộ KH&ĐT, doanh nghiệp trong ngành ô tô và phụ trợ đang phải đối mặt với việc tăng chi phí chuyên gia, việc tiếp cận mặt bằng sản xuất khó khăn vì chi phí các khu công nghiệp cao.

Đối với ngành sản xuất ô tô, trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng giảm 35%, nhờ chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe trong nước nên tăng trưởng cả năm giảm xuống 10%.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho biết, những tháng đầu năm nay, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chính sách ưu đãi không còn, khiến sản lượng ô tô giảm sút nghiêm trọng từ 32,2% đến 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với ngành nông nghiệp và chế biến nông, lâm thủy sản, theo Bộ KH&ĐT, sản lượng các doanh nghiệp chế biến sụt giảm rất mạnh từ 40%, có doanh nghiệp giảm 2/3 sản lượng so với cùng kỳ 2019.