1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phiếu Novaland đột ngột bị bán tháo, nhiều nhà đầu tư tái mặt lỗ nặng

Mai Chi

(Dân trí) - Nhiều cổ phiếu tăng giá ở đầu phiên sáng nhưng cuối phiên lại giảm mạnh, thậm chí giảm sàn khiến không ít nhà đầu tư rơi vào bẫy tăng giá (bull-trap), lỗ nặng ngay trong phiên.

Sau thông tin các công ty chứng khoán được yêu cầu dừng hoạt động đặt lệnh bằng robot, đã có những lo ngại về sự sụt giảm thanh khoản. Tuy nhiên, trong phiên hôm nay (11/9), điều bất ngờ đã xảy ra khi thị trường chứng kiến dòng tiền ồ ạt chảy vào mua cổ phiếu, thanh khoản tăng đột biến.

Cụ thể, khối lượng giao dịch trên HoSE được đẩy lên mức 1,39 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch là 32.134 tỷ đồng. HNX có 130 triệu cổ phiếu tương ứng 2.599 tỷ đồng và con số này trên UPCom là 79 triệu cổ phiếu tương ứng 1.152 tỷ đồng.

Cổ phiếu Novaland đột ngột bị bán tháo, nhiều nhà đầu tư tái mặt lỗ nặng - 1

Thanh khoản sàn HoSE tăng vọt so với phiên thứ 6 tuần trước (Nguồn: VNDS).

Hoạt động mua bán mạnh mẽ trong bối cảnh các chỉ số điều chỉnh sâu và phần lớn cổ phiếu giảm giá. VN-Index giằng co trong gần suốt phiên giao dịch và lao dốc kể từ sau 14h, đóng cửa thấp nhất phiên tại 1.223,63 điểm, bị thổi bay 17,85 điểm tương ứng 1,44%. HNX tương tự cũng giảm mạnh 4,87 điểm tương ứng 1,9% và UPCoM-Index giảm 1,01 điểm tương ứng 1,07%.

Sắc đỏ bao trùm 3 sàn với tổng cộng 785 mã giảm giá so với 263 mã tăng. Dù vậy, hoạt động bán tháo chưa bị kích hoạt diện rộng nhờ lực đỡ tốt của dòng tiền, chỉ có 28 mã giảm sàn trên toàn bộ thị trường.

Mặc dù có SAB, VIC, PLX tăng giá nhưng bên bán áp đảo khiến 26 mã trong rổ VN30 giảm, theo đó, chỉ số cũng bị tác động mạnh. VN30-Index giảm 18,43 điểm tương ứng 1,48%.

Nhiều cổ phiếu ngành bất động sản bị bán ra rất mạnh. NVL giảm sàn về còn 20.500 đồng và khớp lệnh "khủng" lên tới 71,58 triệu cổ phiếu. Sàn HoSE có tất cả 10 mã giảm sàn thì đã có 5 mã thuộc ngành bất động sản: Ngoài NVL còn có HPX, HTN, SGR, DXS. Các mã này hoàn toàn "trắng bên mua" và còn dư bán giá sàn; trong đó, HPX thanh khoản chỉ đạt 2,21 triệu đơn vị nhưng dư bán giá sàn xấp xỉ 40 triệu cổ phiếu!

Một số mã bất động sản khác có mức giảm rất mạnh và tiệm cận mức giá sàn như TDH giảm 6,8%; DRH giảm 6,3%; DXG giảm 6,2%; CKG giảm 6%. CRE thoát sàn nhưng cuối phiên vẫn thiệt hại 5,8%.

Điều đáng nói là hầu hết cổ phiếu bất động sản có diễn biến tăng giá ở đầu phiên sáng nhưng cuối phiên lại giảm mạnh, theo đó khiến không ít nhà đầu tư "điếng người" khi rơi vào bẫy tăng giá (bull-trap), lỗ nặng ngay trong phiên.

Chẳng hạn, HTN, NVL, DXS đóng cửa giảm sàn nhưng đầu phiên tăng giá; TDH có lúc được giao dịch ở mức 6.990 đồng nhưng kết phiên tại 6.180 đồng; DRH, DXG, CKG, CRE, QCG, HDC, VPH, LDG, DIG đều có diễn biến tăng giá đầu phiên trước khi lao dốc ở phiên buổi chiều.

Cổ phiếu Novaland đột ngột bị bán tháo, nhiều nhà đầu tư tái mặt lỗ nặng - 2

Top cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất đến VN-Index (Nguồn: VNDS).

Đồng pha với cổ phiếu bất động sản là nhóm xây dựng và vật liệu. Trong nhóm này, TGG giảm sàn, PHC giảm 6,6%; DPG giảm 5,5%; NHA giảm 5,4%; PTC giảm 5,2%. Nhiều cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản cũng bị chiết khấu mạnh: VPG giảm sàn, GTA giảm 5,6%; TNT giảm 5,4%; TLH giảm 4,5%; SMC giảm 4,3%; NKG giảm 3,9%.

Thị trường điều chỉnh sâu nhưng vẫn có một số mã thuộc nhóm dịch vụ tài chính đạt trạng thái tăng như DCM, BSI, AGR, CTS, VCI; trong nhóm ngân hàng, VPB, LPB, OCB vẫn tăng giá.