1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phiếu ACB chính thức lên sàn

(Dân trí) - Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ chính thức lên sàn Hà Nội vào sáng ngày mai, 21/11. Đánh dấu sự kiện này, Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Á Châu đã có buổi thảo luận trực tiếp với báo chí và các nhà đầu tư xoay quanh cổ phiếu của ACB.

Sau đây là cuộc trao đổi ngắn của Dân trí với ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB và ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB.

 

Là một đại gia trong khối ngân hàng, lại có thị phần chính tại thành phố Hồ Chí Minh,  tại sao ACB lại chọn niêm yết trên sàn Hà Nội mà không phải là TPHCM, mặc dù sàn Hà Nội bé hơn?

 

Cổ phiếu ACB có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, là loại cổ phiếu phổ thông.

 

Tổng khối lượng đăng ký giao dịch là 110.004.656 cổ phiếu, tương đương tổng giá trị đăng ký giao dịch là 1.100.046.560.000 đồng.

 

Ông Trần Văn Dũng-Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội,  cho biết: Việc ACB chính thức chào sàn vào ngày mai có ý nghĩa đặc biệt với Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, bởi đây là một trong những ngân hàng có quy mô vốn lớn và hoạt động hiệu quả. Với mức vốn điều lệ hơn 1.100 tỷ đồng, ACB lên sàn sẽ làm tổng giá trị vốn điều lệ của các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tăng khoảng 25%.

 

Được biết, hiện sàn Hà Nội có 16 doanh nghiệp giao dịch, với tổng số vốn điều lệ hơn 4.500 tỷ đồng và giá trị thị trường là hơn 12.500 tỷ đồng. 

Ông Trần Mộng Hùng: Theo nghị quyết được thông qua tại Đại hội cổ đông đầu năm, kế hoạch niêm yết đã được xác định là trong năm 2006 này. Chúng tôi cũng đã có một quá trình chuẩn bị tích cực cho kế hoạch này và việc chọn lựa sàn Hà Nội hay TPHCM cũng là sự cân nhắc, bàn bạc kỹ trong Hội đồng quản trị.

 

Chúng tôi cho rằng việc niêm yết ở sàn giao dịch nào không quan trọng bằng chất lượng, hoạt động của tổ chức niêm yết. Sàn giao dịch chỉ là một môi trường, điều kiện để tổ chức niêm yết có thể giới thiệu về mình, có thể cung cấp thêm thông tin cho công chúng đầu tư.

 

Khi chọn niêm yết tại sàn Hà Nội, chúng tôi cũng đã có một số cân nhắc. Thị phần chính của ACB là tại TPHCM (với trên 80% cổ đông), trong khi cơ hội, tiềm năng phát triển đang tập trung ở phía Bắc, nhất là Hà Nội. Qua việc chọn sàn Hà Nội để niêm yết, chúng tôi muốn giới thiệu nhiều hơn với khách hàng về ngân hàng, về các sản phẩm dịch vụ để nâng cao hơn tỷ lệ cổ đông, nhà đầu tư tại phía Bắc.

 

Như vậy, sau sáng mai, ACB sẽ là ngân hàng thứ hai niêm yết trên sàn chứng khoán. Trước đó, vào ngày 12/7/2006, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chào sàn với giá 78.000 đồng - mở hàng cho một ngành hàng có cổ phiếu hấp dẫn hàng đầu trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, sau đó giá cổ phiếu Sacombank liên tục sụt giảm, có thời điểm xuống đến 60.000 đồng. ACB sẽ làm gì để tránh rơi vào “đường lõm” này?

 

Ông Lý Xuân Hải: Giá cổ phiếu ở mỗi một tổ chức niêm yết phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Với cổ phiếu của ACB, chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào kết quả định giá của thị trường, bản thân ngân hàng chỉ can thiệp bằng cách xây dựng và củng cố một nền tảng vững chắc về chất lượng trong hoạt động.  Nếu trường hợp giá của cổ phiếu ACB sụt giảm mạnh, chúng tôi cũng sẽ không dùng mọi cách, bằng mọi giá để đẩy giá tăng lên. Chúng tôi không ép bán ra, mua vào cũng như không cầu mong bán ra, mua vào.

 

Nếu cổ phiếu ACB “cháy” hàng, biện pháp đầu tiên mà các ông đưa ra áp dụng sẽ như thế nào?

 

Ông Trần Mộng Hùng: Trường hợp “cháy” hàng trên thị trường, ACB có thể can thiệp bằng cách xem xét phát hành thêm cổ phiếu. Với kế hoạch tăng vốn lên 2.600 tỷ đồng vào đầu năm tới, ACB sẽ có một nguồn hàng lớn đáp ứng nhu cầu công chúng đầu tư.

 

Ông có thể dự báo về tương lai của  cổ phiếu của ACB trong thời gian tới?

 

Ông Trần Mộng Hùng: Tôi tin rằng, sau khi niêm yết, giá cổ phiếu ACB sẽ từ bằng và cao hơn giá đang giao dịch trên thị trường OTC (hiện ở mức 110.000 đồng/cổ phiếu). Mức giá này sẽ tiếp tục được giữ vững theo sự phát triển bền vững của ngân hàng.

 

Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong tháng 11 này. Đây có phải là lý do chính để ACB chọn thời điểm này  lên sàn?

 

Ông Trần Mộng Hùng: Đây cũng là một lý do chính. Tuy nhiên, cổ phiếu ACB lên sàn vào ngày 21/11 nằm trong lộ trình chuẩn bị của ACB đã 3 năm nay. Và căn cứ vào kết quả hoạt động của Ngân hàng Á Châu trong năm 2006 cũng như kế hoạch nguồn vốn cho năm 2007, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu ACB và đây cũng là thời điểm để được hưởng ưu đãi về thuế mà Nhà nước cho phép các doanh nghiệp niêm yết lên sàn trước 31/12/2006.

 

Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO (các ngân hàng 100% vốn nước ngoài sẽ được thành lập từ 1/4/2007), xét về dài hạn, nhiều nhà đầu tư e ngại không chỉ riêng ACB mà nhiều ngân hàng khác sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các ngân hàng nước ngoài. Liệu đây có phải là áp lực gián tiếp đối với giá cổ phiếu ACB cũng như những rủi ro đối với nhà đầu tư hay không, thưa ông?

 

Ông Lý Xuân Hải: Việc gia nhập WTO sẽ tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam phát triển vượt bậc, trong đó có ngành ngân hàng và ACB. Các ngân hàng nước ngoài sẽ vào, hoạt động rộng hơn về quy mô, sâu hơn về thị trường và môi trường cạnh tranh sẽ khó khăn hơn. Họ có thế mạnh về công nghệ, năng lực tài chính. Tuy nhiên, các ngân hàng Việt Nam cũng có những thế mạnh mà họ phải coi trọng. Chúng ta có hiểu biết về thị trường và con người, có mạng lưới, sản phẩm phù hợp với con người Việt Nam. ACB là một ngân hàng bán lẻ và điều đó càng tạo thêm thế mạnh của những ngân hàng như ACB.

 

Các ngân hàng nước ngoài có thể lớn về quy mô nhưng trong điều kiện ở Việt Nam chưa chắc họ đã mạnh hơn chúng ta. Hơn nữa, cạnh tranh không chỉ là đối đầu mà còn là hợp tác. Các ngân hàng nước ngoài vào không nhằm mục đích tiêu diệt các ngân hàng Việt Nam vì họ không thể hoạt động trong một môi trường chưa hoàn hảo, chưa đủ thanh khoản, chưa đủ phát triển. Vì vậy trong thời gian đầu họ sẽ hợp tác cùng các ngân hàng Việt Nam xây dựng một thị trường tốt hơn, lành mạnh hơn; sau đó mới đến một thời kỳ cạnh tranh khốc liệt hơn.

 

Nguyễn Hiền (ghi)