DNews

Các nước lo lạm phát, Trung Quốc lại lo giảm phát

Hoàng Đại

(Dân trí) - Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, thì Trung Quốc lại đang có nguy cơ rơi vào một giai đoạn giá cả sụt giảm kéo dài.

Các nước lo lạm phát, Trung Quốc lại lo giảm phát

Tại Thượng Hải, Liu Wang, nhân viên một công ty logistic, buộc tạm dừng kế hoạch cải tạo căn hộ chung cư của mình vì lo ngại các sản phẩm bất động sản sẽ tiếp tục rớt giá trong thời gian tới.

"Điều kiện kinh tế hiện tại tương đối bất ổn", Liu chia sẻ với Wall Street Journal.

Đà phục hồi của nền kinh tế số hai thế giới đang có phần chững lại trong bối cảnh thị trường bất động sản và hoạt động xuất khẩu suy yếu. Doanh nghiệp của anh thời gian gần đây cũng dần chuyển hướng sang thị trường vận tải nội địa khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

Còn tại thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, quê hương của Liu, nhu cầu nhà ở vẫn ảm đạm dù giá nhà giảm mạnh. "Bong bóng nhà ở vẫn khá lớn. Tôi không thấy bất cứ động lực nào giúp giá cả có thể đi lên ở thời điểm hiện tại", Liu cho biết.

Các nước lo lạm phát, Trung Quốc lại lo giảm phát - 1

Nỗi lo giá nhà giảm khiến Liu chần chừ chi tiền cải tạo (Ảnh: Zuma Press).

"Trượt" vào giảm phát

Chính tâm lý dè dặt trên góp phần hình thành nên một hiện tượng "đối lập" tại Trung Quốc so với phần còn lại của thế giới.

Trong khi nhiều quốc gia khác phải vật lộn với trình trạng lạm phát cao thì Trung Quốc lại đang đối diện với rủi ro rơi vào một giai đoạn giá cả sụt giảm kéo dài, hay còn gọi là giảm phát.

Mức giá nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà máy thép, xi măng, hóa chất... tại Trung Quốc liên tục đi xuống. Trong khi đó, giá hàng hóa tiêu dùng lại "dậm chân tại chỗ" với một số mặt hàng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như đường, trứng, quần áo và đồ gia dụng thậm chí đi lùi do nhu cầu yếu.

Và hệ quả là lợi nhuận của các doanh nghiệp sụt giảm, kéo tăng tỷ lệ người lao động mất việc làm. Điều này được thể hiện rõ qua số liệu gần đây với lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất tại nước này thấp hơn 16,8% kể từ đầu năm so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỷ lệ người trẻ thất nghiệp tăng cao kỷ lục.

Một bộ phận chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể né được một giai đoạn giảm phát sâu và kéo dài. Nền kinh tế nước này vẫn đang tăng trưởng, dù không quá nhanh, trong khi chính phủ liên tục tung ra nhiều giải pháp hỗ trợ, dù chưa quá lớn.

Đầu tháng 7, Liu Guoqiang, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, đích thân lên tiếng xoa dịu những quan ngại về việc nền kinh tế số hai thế giới đang "trượt" vào giảm phát.

Tuy nhiên, cũng có không ít chuyên gia mang quan điểm thận trọng trước nhiều điểm tương đồng giữa Trung Quốc ở thời điểm hiện tại và Nhật Bản trong quá khứ, với một giai đoạn giá cả sụt giảm kéo dài, đi cùng với đó là tốc độ phát triển ì ạch.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và đà mất giá các sản phẩm bất động sản khiến doanh nghiệp và người dân tại xứ sở mặt trời mọc dè dặt chi tiêu nhằm có thêm tiền trả nợ. Theo họ, một cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán, giống như từng xảy ra tại Nhật Bản, đang dần hình thành tại nền kinh tế số hai thế giới.

Các nước lo lạm phát, Trung Quốc lại lo giảm phát - 2

Lạm phát tiêu dùng và sản xuất tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu (Ảnh: Wall Street Journal).

Nếu không may trượt vào một giai đoạn giảm phát kéo dài, Trung Quốc còn phải đối diện với một vấn đề lớn khác: chi tiêu chính phủ, phương pháp chống giảm phát truyền thống, có thể sẽ không đem lại những tác dụng như mong muốn do tỷ lệ nợ tại quốc gia Đông Á này quá cao.

Tỷ lệ nợ cao, người dân không muốn phải đi vay thêm nữa

Bắc Kinh từ lâu luôn hoài nghi về tính hiệu quả của các gói kích thích tài khóa lớn nhằm hỗ trợ tăng trưởng và đẩy giá hàng hóa đi lên, nhưng những con số nợ khổng lồ sẽ khiến người dân cũng như doanh nghiệp ngần ngại vay mượn và tiêu dùng.

"Quan ngại lớn nhất xoay quanh việc liệu các công cụ chính sách có đủ sức kéo Trung Quốc khỏi vòng xoáy giảm phát và phát huy tác dụng mỗi lần hiện tượng này xảy ra", Eswar Prasad, Giáo sư chính sách thương mại và kinh tế học tại Trường Đại học Cornell, người từng đảm nhiệm công tác theo dõi kinh tế Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chia sẻ với Wall Street Journal.

Các doanh nghiệp Trung Quốc dường như không mặn mà "gánh" thêm các khoản nợ để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, ngày càng nhiều người mua nhà lựa chọn hình thức thanh toán sớm các khoản vay thế chấp.

Tỷ lệ nợ của người dân cũng như doanh nghiệp nước này đã quá lớn, và họ đơn giản không muốn nó tăng thêm. Hiện nợ hộ gia đình cao tại Trung Quốc cao hơn 1,5 lần thu nhập của họ, vượt lên trên các quốc gia phát triển như Mỹ, theo thống kê của công ty tư vấn Global Counsel.

Giảm phát, hoặc nỗi sợ giảm phát có thể làm cho tính hình trở nên tồi tệ hơn. Người vay tiền lo lắng chi phí trả nợ sẽ tăng cao, do đó, họ lựa chọn tiết kiệm và bóp chặt hầu bao.

"Giảm phát trở nên thực sự nguy hiểm trong giai đoạn có tỷ lệ nợ cao", Arthur Budaghyan, Kinh tế trưởng phụ trách các nền kinh tế mới nổi tại BCA Research, cảnh báo với WSJ.

Một số yếu tố mang tính chất thời điểm cũng góp phần hình thành nên hiện tượng này.

Nhu cầu hàng hóa yếu dần

Tại Trung Quốc, giá thịt lợn không còn tăng phi mã như trong năm 2022. Nhu cầu hàng hóa toàn cầu cũng không còn dồi dào như trước. Trong giai đoạn đại dịch, chỉ số giá sản xuất tại quốc gia này tăng tới 12%, theo ước tính của Moody's Analytics.

Nhưng khi các chính phủ gỡ bỏ các quy định phòng dịch, nhu cầu hàng hóa yếu dần. Lạm phát sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu đi xuống từ tháng 10 năm ngoái và chưa có dấu hiệu đảo chiều.

Các nhà máy tại Trung Quốc, với nỗ lực mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu lớn khi Covid-19 ập tới, hiện tại phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất. Họ hy vọng người tiêu dùng nội địa sẽ tham gia "giải cứu" lượng hàng tồn kho quá lớn nhưng điều đó đã không xảy ra.

Với thực tế giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu thấp hơn nhiều so với trước, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc tiếp tục đi ngang trong nhiều tháng tới.

Các nước lo lạm phát, Trung Quốc lại lo giảm phát - 3

Giá cả hàng hóa tiêu dùng tại Trung Quốc được dự báo không có nhiều thay đổi thời gian tới (Ảnh: Zuma Press).

Sức ảnh hưởng của tình trạng này có thể lan rộng ra toàn cầu theo hai chiều hướng. Đầu tiên, lạm phát tại một số quốc gia có mối quan hệ thương mại thân thiết với Trung Quốc sẽ thuyên giảm.

Nhưng cùng thời điểm đó, nhu cầu nguyên vật liệu thô đầu vào cho quá trình sản xuất tại "công xưởng" thế giới cũng dần suy yếu, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia, và rộng hơn là việc làm, đầu tư tại những quốc gia đó.

"Thị trường đang đánh giá thấp tác động từ giảm phát tới nền kinh tế toàn cầu", Frederic Neumann, Kinh tế trưởng châu Á tại HSBC, chia sẻ với WSJ.

Thách thức đối với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là ngăn chặn giảm phát và không để hiện tượng giảm phát trở nên cố kết. Nếu không, người dân sẽ mang tâm lý chờ đợi giá cả tiếp tục sụt giảm mới chi tiêu, qua đó đẩy nền kinh tế nước này chìm sâu hơn vào hiện tượng này.

Giảm phát càng tồn tại lâu, những tác động của nó càng trở nên nghiêm trọng. Các khoản nợ trở nên khó trả khi lợi nhuận doanh nghiệp "bay hơi". Họ buộc phải sa thải người lao động để tiết kiệm chi phí.

Chính phủ Trung Quốc cần phải hành động. Nếu chậm trễ, nền kinh tế số hai thế giới sẽ rơi vào một vòng xoáy không dễ dàng thoát ra.