1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bế tắc đầu tư tiền nhàn rỗi

Giá cả 7 tháng đầu năm ngày càng đắt đỏ, chứng khoán đang bị “mất mùa”, quay sang gửi tiết kiệm gặp ngân hàng bắt đầu “siết” lãi suất, địa ốc cũng không còn là kênh dễ dàng sinh lợi... Người dân cầm tiền nhàn rỗi trong tay không biết bỏ vào đâu để có thể kiếm thêm vài đồng lợi nhuận.

Sàn chứng khoán đã vắng bóng nhiều nhà đầu tư. Hầu hết họ đang dừng tay ngóng đợi động tĩnh thị trường. Khối lượng và giá trị giao dịch giảm cùng với đà xuống giá 30 - 40% của các cổ phiếu blue-chips so với tháng 3 trước đó.

Sự mất giá của thị trường chứng khoán không đơn thuần ảnh hưởng bởi rủi ro hệ thống, với những nguyên nhân vĩ mô như lạm phát, chính sách điều hành (chỉ thị 03)... Mà còn bởi niềm tin của nhà đầu tư nhỏ đang dần bị “tước đoạt” qua các vụ vi phạm thị trường của đơn vị trung gian - các công ty chứng khoán - ngày càng bị phát hiện nhiều hơn, với gần 15 vụ từ đầu năm đến nay.

Đồng thời, cách hành xử khuất tất và phân chia quyền lợi không công bằng giữa cổ đông nhỏ và cổ đông lớn (như FPT) càng làm người chơi thêm thất vọng đối với thị trường.

Thuý Phương, một nhân viên văn phòng vừa khoá tài khoản ở công ty chứng khoán cho biết, cô sợ chứng khoán lắm rồi. “Nhiều người chắt chiu từng đồng và rồi bị thị trường giáng cho một bài học về quyền hành của kẻ mạnh và sự “bầy đàn” của lòng tham. Thị trường đang bị các đại gia làm cho “méo mó””, thạc sĩ Lê Đạt Chí, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM nói.

Với tư cách cũng là một nhà đầu tư chứng khoán, ông cho rằng, người dân, nếu chưa tham gia thị trường, không nên bỏ tiền vào chứng khoán giai đoạn này.

Chương, một người chơi lâu năm, cho biết anh cố gắng tìm kiếm lợi nhuận khi giá lên và cả khi giá xuống. Nhưng hầu như ai cũng đang “vật vã” và mất mát với sự biến động thất thường của thị trường mấy tháng nay. Ông Lê Đạt Chí cho rằng, người dân nên đợi thời điểm thị trường phát triển ổn định, đi vào quy chuẩn thì hãy tham gia như một kênh tiết kiệm.

Quay về tiết kiệm?

Trong khi thị trường bất động sản chưa dứt cơn trầm lắng, thị trường vàng vẫn kén người chơi, thì lựa chọn đơn giản nhất nằm ở kênh tiết kiệm.

Những ngày này, nhiều người đến gởi tiết kiệm tiền đồng ở các ngân hàng không hề biết mình đang hưởng lãi suất thấp hơn 10 - 20% so với mức lãi suất tiết kiệm cuối tháng 7.

Khoảng 10 ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm tiền đồng từ đầu tháng 8, mức điều chỉnh giảm trung bình 0,36%/năm đến 0,6%/năm tuỳ từng kỳ hạn. Như vậy, ví dụ, nếu gởi 100 triệu đồng, thì ở các kỳ gởi ngắn hạn 1 - 2 - 3 - 6 - 9 tháng, người gởi sẽ mất đi từ 205.000 - 281.666 đồng mỗi tháng so với mức lãi suất trước.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, mặc dù lãi suất đã hạ, có vẻ tiết kiệm là một kênh đầu tư được dân chúng ưu tiên. “Lãi suất quả là thấp hơn, nhưng không đến nỗi mất vốn như chứng khoán”, Thuý Phương, giờ đã chuyển sang gởi tiết kiệm ở ngân hàng Đông Nam Á nói.

“Khi đã gởi tiết kiệm, đừng so sánh lãi suất thấp và lạm phát cao”, một chuyên gia nói. Theo ông, đúng là lãi suất thực của người gởi bị âm do lạm phát. Nhưng xét về vĩ mô, lạm phát cao đồng nghĩa với tất cả thị trường chịu rủi ro cao hơn, và đều kỳ vọng một mức lãi suất cao hơn.

Nhưng các kênh đầu tư như thị trường chứng khoán khó có thể đáp ứng được khả năng này (lãi suất cao). Như vậy, cách đơn giản hơn là gởi tiết kiệm và mua trái phiếu Chính phủ. Trong khi thị trường chứng khoán đầy rủi ro, khả năng mất vốn lớn, thì gởi tiết kiệm được xem như rủi ro phá sản bằng 0, ông nhận xét, thời điểm này như vậy là quá an toàn.

Dù sao thực tế hiện đang diễn ra là tiền nhàn rỗi trong dân đang “bế tắc” đầu tư và “nằm im” chờ thời.

Theo Hồng Sương
Báo Sài Gòn tiếp thị