1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ách tắc nộp tiền sử dụng đất vì Nghị định 69?

(Dân trí) - Thế nào có thể coi là “sát giá thị trường”, “sát” là “sát” đến đâu? khi bản thân “giá thị trường” luôn thay đổi. Vậy mà chúng ta lại lấy hai thứ không ổn định đó làm chuẩn để đưa ra tính giá đất thì các cơ quan thực thi cũng bó tay.

Ách tắc nộp tiền sử dụng đất vì Nghị định 69? - 1
Nghị định 69 đang gây ách tắc trong việc nộp tiền sử dụng đất (ảnh minh họa)
 
Không doanh nghiệp nào có thể chịu nổi giá đất

Ngày 31/12/2009, UBND TPHCM có quyết định cho công ty TNHH Kinh doanh và phát triển nhà Bình Dân chuyển mục đích sử dụng đất tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, trong đó có 9,2 nghìn m2 là đất ở và 5,6 nghìn m2 là đất công cộng.

Theo hướng dẫn, công ty đã nộp hồ sơ lên Sở Tài chính để hướng dẫn nộp tiền sử dụng đất. Sở Tài chính đã hướng dẫn ký hợp đồng thuê tư vấn thẩm định giá. Kết quả của công ty được thuê tư vấn thẩm định tại thời điểm tháng 3/2010 cho thấy, tổng giá trị tiền sử dụng đất mà công ty cần phải nộp là trên 57 tỷ đồng.

Nếu lấy số tiền này chia cho số diện tích đất ở tại dự án là 9,2 nghìn m2 đất thì giá trị mỗi mét vuông là 6,2 triệu đồng, gần bằng giá có thể bán được hiện nay. Nói cách khác, công ty dù có bán hết tất cả các lô đất, bằng đúng giá thị trường đi nữa thì cũng chỉ đủ tiền nộp sử dụng đất và thu hồi một phần tiền đền bồi đất cho dân mà thôi.

Thực tế, muốn có được 9,2 nghìn m2 đất ở nêu trên, công ty đã phải mua lại gần 15 nghìn m2 đất nông nghiệp của dân, phải làm mọi thủ tục hành chính suốt nhiều năm ròng: thực hiện san lấp, làm đường giao thông, làm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, lề đường; lập trạm hạ thế và kéo lưới hạ thế, hệ thống cấp nước thành phố đến từng nền nhà…

Tất cả các công trình này đều phải có thiết kế của công ty chuyên ngành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đóng tiền sử đụng dất… Ngoài ra, còn lãi suất vốn vay ngân hàng, lương công nhân viên suốt nhiều năm và những chi phí không tên và có tên khác, cộng tất cả các khoản đó lại mới là giá vốn…! Bởi vậy, nếu tính tiền sử dụng đất trên 100% diện tích làm dự án với giá thị trường thì chẳng có doanh nghiệp nào chịu nổi.

Tại buổi tọa đàm “Tiền sử dụng đất thu sát giá thị trường” diễn ra tại Hà Nội sáng 29/6, ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc công ty TNHH kinh doanh và phát triển nhà Bình Dân (TPHCM) khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ việc xác định giá đất theo sát giá thực tế thị trường trong điều kiện bình thường để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất nhưng không nên cứ mỗi một ai xin nộp tiền sử dụng đất là một lần mời tư vấn định giá mà chính quyền thành phố nên định ra giá đất hàng năm cho từng khu vực, tuyến đường… như cách làm lâu nay.”

Nghị định là phải rõ ràng

Có mặt tại buổi tọa đàm, chủ tịch hiệp hội BĐS TP Hải Phòng bức xúc: Tôi có cảm giác nội dung Nghị định 69 nghe giống như Nghị quyết, không cụ thể. Thế nào có thể coi là “sát giá thị trường”, “sát” là “sát” đến đâu, vấn đề này cần phải làm rõ.

Rồi bản thân “giá thị trường”đã là mang tính cá biệt của một khu A hay khu B nào đó, nó luôn thay đổi. Vậy mà chúng ta lại lấy hai thứ không ổn định đó làm chuẩn để đưa ra tính giá đất thì các cơ quan thực thi cũng bó tay.

Đồng thuận với nhận xét này, ông Nguyễn Viết Tạo, Chủ tịch Tập đoàn Tam Phú (TPHCM) cho rằng: Nghị định khi ban hành thì cần phải cụ thể, dễ hiểu, hướng dẫn cho rõ ràng. Chứ đừng để quy định xong rồi doanh nghiệp ở trong cảnh muốn nộp tiền mà không được nộp, gây ách tắc hàng loạt như hiện nay.

Mặt khác, ông Tạo cũng đưa một nghịch lý: Các doanh nghiệp khi được tính khấu trừ các khoản chi phí thì phải theo quy định của nhà nước, nhưng khi nộp tiền sử dụng đất thì lại phải theo giá thị trường.

Trước tình hình hiện nay, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và xây dựng địa ốc Đất Xanh cho rằng, chỉ cần các cơ quan chức năng ban hành một thông tư, trong đó hướng dẫn rõ là đóng thuế theo bảng giá đất do địa phương công bố hàng năm căn cứ theo giá thị trường và đóng thuế trên diện tích đất xây dựng nhà ở cho người dân… là mọi vướng mắc sẽ được tháo gỡ.

Sau khi nghe của ý kiến của các doanh nghiệp, đại diện của Tổng Cục đất đai (Bộ TNMT) và Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) đều cho rằng, Nghị định 69 đã có nhiều tiến bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm của buổi tọa đàm này là xác định giá tiền sử dụng đất để doanh nghiệp và người dân được nộp thuế thì chưa được làm sáng tỏ.

Trong cách giải thích của đại diện Tổng Cục đất đai thì, văn bản quy định như vậy là kế thừa những văn bản đã được quy định trước đó nên không thể đổ lỗi cho Nghị định 69 (Cho dù việc “kế thừa” này khi được quy định trong Nghị định 69 lại khiến cơ quan thực thi khó hiểu và không thực tế - PV).

Thậm chí, Cục trưởng Cục quản lý công sản Phạm Đình Cường còn tỏ ra ngạc nhiên trước việc các doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất mà lại không được đóng. “Đây là điều hết sức vô lý!” - ông Cường nói.

Xem ra, để giải quyết sự việc này trước hết cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn và ý thức trách nhiệm của các cơ quan chức năng tham gia xây dựng văn bản pháp luật khi đang có những phản hồi không tốt từ phía xã hội.

Lan Hương