1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

680 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ hơn 3,8 triệu tỷ đồng

Phương Liên

(Dân trí) - Gần 680 DNNN nắm lượng tài sản lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng. Riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng.

Sáng 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 DNNN. Trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%.

680 DNNN nắm một lượng tài sản lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng. Riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước.

680 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ hơn 3,8 triệu tỷ đồng - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu mở đầu hội nghị (Ảnh: VGP).

Tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 tăng lên 50,5 điểm vượt qua ngưỡng 50 điểm, sau 6 tháng liên tiếp ở dưới mức 50 điểm.

Chỉ số này phần nào thể hiện sản xuất phục hồi và mở rộng, đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn: Ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, sức ép lạm phát, tăng trưởng gặp khó khăn. Nhất là trong công nghiệp khi thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công và việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm…

"Chúng ta phải lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người chung tay,  góp sức, nỗ lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để góp gió thành bão, vượt qua khó khăn", Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng....

Mặt khác, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của các DNNN cần góp phần tiếp tục cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, nhất là sau các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây.