1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

1 cái điện thoại nhưng 30 cái ốp: Nghiện săn đồ giá rẻ, rước "rác" về nhà?

Trúc Ly
Kinh tế bền vững

(Dân trí) - Ốp điện thoại 1.000 đồng, dây buộc tóc 100 chiếc chỉ 10.000 đồng... và vô vàn món đồ được quảng cáo siêu rẻ xuất hiện ngày càng nhiều trên các sàn thương mại điện tử, gây "nghiện", nhưng nhiều hệ lụy.

Mua đồ rẻ không suy nghĩ

Hồng Nhung (Hà Nội) mới mua iPhone 15 được 8 ngày nhưng đã có tới 7 chiếc ốp điện thoại. Nhung cho biết cô mua những chiếc ốp trên với các mức giá 5.000 đồng, cái đắt nhất chỉ 20.000 đồng trên sàn thương mại điện tử.

Thói quen "nghiện ốp" của Nhung đã có từ nhiều năm nay. Vì giá rẻ, đẹp mắt, Nhung cứ tiện tay bỏ vào giỏ hàng dù khi nào dùng tới thì chưa biết.

1 cái điện thoại nhưng 30 cái ốp: Nghiện săn đồ giá rẻ, rước rác về nhà? - 1

Mua quá nhiều ốp điện thoại gây lãng phí và có hại với môi trường (Ảnh: Taobao).

Ngoài ốp điện thoại, Nhung còn sở hữu rất nhiều món đồ giá siêu rẻ như dây buộc tóc, thắt lưng, trang sức... đều được mua trên các sàn thương mại điện tử vào những ngày "siêu sale" (đại hạ giá). Số món đồ rẻ chưa dùng tới dù chỉ một lần của Nhung ngày càng tăng, nhưng cô chẳng mấy khi để tâm đến cho tới khi dọn nhà.

Hồng Nhung thừa nhận việc mua những món đồ rẻ là lãng phí. Vì rẻ, cô cho phép bản thân mua mà không suy nghĩ nhưng chẳng bao giờ dùng tới. Việc này vừa tốn tiền, vừa khiến không gian sống ngày càng chật chội vì có cả trăm món đồ mua về nhưng mãi ở yên một chỗ.

Lan Hương (Thanh Xuân, Hà Nội), thậm chí còn "nghiện" hơn. Cô chỉ có một chiếc điện thoại thông minh đời cũ nhưng có tới... 30 cái ốp điện thoại. Cô kể, mỗi lần thấy các sàn như Shopee, Lazada... có khuyến mại, cô lại mua một lố. Hầu hết đều là "hàng nước ngoài" phải đặt trước, mà thực tế đó là hàng Trung Quốc, cô chờ khoảng 10 ngày là hàng về.

"Có những khi shipper gọi "ra lấy đồ Shopee" mà tôi còn không nhớ mình đã mua gì, về bóc gói ra thì là ốp điện thoại, có khi lên tới cả vài cái, mỗi cái một màu. Rồi kẹp tóc càng cua, mua cả lố tính ra chỉ khoảng 1.000 đồng/cái thôi, nhưng nhiều khi phát mệt vì nhà chỗ nào cũng nhìn thấy kẹp càng cua", chị Hương kể.

Sau này, chị bỏ được thói quen mua hàng giá rẻ vô tội vạ, và để đỡ lãng phí, chị đem bớt ốp điện thoại, kẹp càng cua đi cho. Không  chỉ 2 món đồ trên, chị cũng rà soát lại tất cả hàng hóa giá rẻ đã mua và tìm cách tái chế, tái sử dụng chúng. 

Mua quá nhiều đồ gây lãng phí, ảnh hưởng môi trường

Tuyết Ly (TPHCM) cũng rơi vào tình trạng tương tự cách đây 2 năm. Ly thường xuyên mua quần áo được gắn mác "giảm giá 50%". Cô thừa nhận mỗi khi lướt mạng xã hội, thấy những bài đăng giảm giá là khó kìm lòng.

"Hàng ngày đi làm phải mặc đồng phục, chẳng mấy khi dùng đến quần áo thời trang nhưng vì rẻ nên cứ mua, đôi khi về chẳng mặc vừa hoặc không dùng đến", Ly tâm sự.

Ngoài vấn đề lãng phí, Tuyết Ly nhận thức được việc mua sắm quá nhiều là đang gián tiếp tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là mua những sản phẩm làm từ nhựa, những chất khó phân hủy như ốp điện thoại, dây buộc tóc. Khi nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, Tuyết Ly học cách chi tiêu hợp lý, chỉ mua những món đồ có giá trị và mục đích sử dụng rõ ràng.

"Ví dụ như ốp điện thoại, tôi nghĩ có 2 cái là đủ, để thay đổi và khi hỏng có cái dùng luôn. Mua cả chục cái ốp là không cần thiết và gây hại cho môi trường", cô nói.

1 cái điện thoại nhưng 30 cái ốp: Nghiện săn đồ giá rẻ, rước rác về nhà? - 2

Nhiều người bị tâm lý mua sắm bất chấp khi thấy giá rẻ (Ảnh minh họa: Pinterest).

Đôi khi, chính mình biết rằng đồ rẻ có thể đi kèm với chất lượng thấp nhưng vẫn cố chấp mua. Việc này từng được lý giải bởi nhà tâm lý xã hội học Leon Festinger vào năm 1957.

Theo thuyết của ông Festinger, những món đồ giá rẻ nằm trong ngân sách mỗi người có thể chi trả. Vì vậy, não bộ không tốn quá nhiều năng lượng để cân nhắc trước khi ra quyết định mua sắm như với hàng đắt tiền. Nói cách khác, ta có thể dễ dàng mua đồ rẻ mà không cần suy nghĩ quá nhiều.

Ngoài ra, việc bất chấp mua đồ giá rẻ, bỏ qua chất lượng món đồ, là biểu hiện của thiên kiến hiện tại - biểu hiện con người bỏ quên đi yếu tố thời gian mà chỉ quan tâm tới thời điểm hiện tại. Điều này có nghĩa là chúng ta dễ dàng mua một món đồ, không cần nghĩ tới tương lai liệu món đồ ấy có được sử dụng không, có nhanh hỏng không, có hại cho môi trường nhiều không.

4 câu hỏi trước khi mua hàng, đặc biệt là hàng giá rẻ 

Theo chuyên gia Madeleine Somerville, tác giả của cuốn All You need is Less (Tất cả những gì bạn cần là ít hơn), nhà văn, người có sức ảnh hưởng ở Canada trong việc hướng dẫn cách sống thân thiện với môi trường, sống xanh để giảm căng thẳng, trước khi quyết định mua bất kể món đồ nào dù rẻ hay đắt, hãy trả lời những câu hỏi dưới đây:

1. Mình có cần cái này không?

Câu hỏi này giúp bạn suy nghĩ kỹ về mức độ thiết yếu của món hàng sắp mua.

2. Mình có thể tự làm nó không?

Nhiều đồ gia dụng có thể tự làm được mà không cần mua ngoài hàng. Bạn có thể tái chế hộp kem nhựa thành hộp đựng thức ăn hàng ngày.

3. Mình có thể mua món đồ này nhưng là second-hand (đồ cũ) không?

Nếu không thể tự làm, hãy tìm đến những cửa hàng bán đồ cũ hay những hội nhóm mua bán, trao đổi trên mạng xã hội. Bạn có thể tìm thấy thứ mình cần với chất lượng tốt mà giá rẻ hơn nhiều so với mua mới.

4. Đây có phải chất lượng tốt nhất mình có thể chi trả không?

Chỉ nên mua mới nếu bạn không thể đáp ứng cả 3 câu hỏi trên. Bạn nên tìm kiếm ở nhiều nguồn khác nhau, và khi có thể nên ra cửa hàng mua thay vì mua online để kiểm nghiệm chất lượng trước khi chốt đơn. Điều này khá quan trọng với những món đồ bạn muốn gắn bó lâu dài.

Dòng sự kiện: Kinh tế bền vững