Chưa hết tò mò về Việt Nam

Quán quân Vua đầu bếp Pháp 2015 Huỳnh Khánh Ly chia sẻ, còn quá nhiều điều cô mong muốn được trải nghiệm và khám phá để hiểu hơn về quê hương và nguồn cội.

Là đầu bếp tay ngang, bí quyết gì giúp bạn trở thành Vua đầu bếp của Pháp năm 2015?

Trước khi trở thành Vua đầu bếp Pháp, tôi học ngành Luật và Quản lý. Tôi tham gia cuộc thi rất tình cờ vì được bạn bè và gia đình khuyến khích. Không đặt kỳ vọng nhiều vào chiến thắng, tôi chỉ tham gia để trải nghiệm và thử thách bản thân. Tuy nhiên, đây lại trở thành cơ hội để tôi nhận ra niềm đam mê lớn của mình đối với việc nấu ăn.

Tôi nghĩ rằng, từ tay ngang để trở thành đầu bếp chuyên nghiệp, điều cần thiết là phải có niềm đam mê và quyết tâm cao trong công việc. Trong các thí sinh tham gia cuộc thi Vua đầu bếp Pháp 2015, tôi là một trong những thí sinh trẻ nhất và có niềm đam mê đặc biệt với nấu nướng. Tôi đã đọc và tự học rất nhiều về ẩm thực nên có cơ sở đi đến thành công.

Chưa hết tò mò về Việt Nam - 1

Bạn đã cảm thấy sao khi một người gốc Việt lại chiến thắng Vua đầu bếp Pháp?

Khi tham gia vào cuộc thi này, tôi cũng như một cô gái Pháp bình thường và không nghĩ nhiều về nguồn gốc của mình. Chỉ khi giành giải Quán quân và được công chúng Việt Nam tự hào vì một cô gái gốc Việt lại thắng giải Vua đầu bếp Pháp, tôi mới suy nghĩ nhiều hơn về nguồn gốc Việt Nam của mình.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là trong cuộc thi này, tôi phải đối đầu với những người có nhiều kinh nghiệm ẩm thực tại Pháp, nên biết đâu tôi dành chiến thắng nhờ sự khác biệt. Có lẽ, bản sắc Việt Nam – điều mà tôi chưa ý thức đến đã góp phần vào chiến thắng của tôi.

Thời gian tham gia Cuộc thi, bạn đã sử dụng những tinh hoa ẩm thực Việt Nam vào các món ăn của mình?

Đúng là phong cách ẩm thực của Việt Nam đã ảnh hưởng rất nhiều đến công thức nấu ăn của tôi, đặc biệt là phương pháp chuẩn bị nấu ăn với việc dùng các gia vị khác nhau như gừng, sả, hoặc nấu các món canh... Thực sự, các loại nước dùng của Việt Nam cũng rất ngon nên tôi thường sử dụng chúng vào kỹ thuật nấu nướng của mình.

Việt Nam vốn có một nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để thu hút du khách.

Là người am hiểu về ẩm thực, bạn có gợi ý nào cho Việt Nam không?

Có lẽ, nhiều người Việt Nam vẫn chưa hình dung hết được sức hấp dẫn của ẩm thực Việt. Cá nhân tôi, khi đi tiếp xúc, bạn bè quốc tế có đặt ra câu hỏi “ở châu Á, các bạn thích thưởng thức ẩm thực ở đâu nhất?” thì bao giờ câu trả lời cũng là Việt Nam. Vậy nên, có thể nói rằng, sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam đã được minh chứng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam có một số hương vị không phải người nước ngoài nào cũng thích như các loại mắm... Vì vậy, chúng ta cũng nên điều chỉnh một chút món ăn để phù hợp với người nước ngoài. Đặc biệt, truyền thông phải làm nổi bật hơn nhiều món ăn truyền thống khác, không chỉ tập trung vào Phở, Bún bò Huế, hay Bún chả.... Thực tế, mỗi vùng miền Việt Nam đều có ẩm thực phong phú và đặc sắc riêng.

Vậy trong các hoạt động về ẩm thực của mình, có khi nào bạn giới thiệu các bạn bè quốc tế về ẩm thực Việt Nam không?

Sáng tạo các công thức nấu ăn là điều tôi luôn nghĩ đến. Trong phương pháp sáng tạo món ăn của mình, tôi luôn cố gắng vận dụng những nét đặc sắc của ẩm thực Việt Nam vào thực đơn để giới thiệu tới nhiều người, đồng thời cũng cải biến một chút để phù hợp hơn với người Pháp.

Cụ thể là mới đây, khi được đề nghị nấu ăn cho các thực khách ở Singapore, tôi đã mạnh dạn kết hợp và đưa cách ăn của người Việt Nam (nhiều rau quả, chan một chút canh) vào bữa ăn mà cuối cùng thực khách vẫn hài lòng.

Sinh ra và lớn lên tại Pháp, nhưng bạn rất coi trọng nguồn gốc Việt Nam của mình?

Là một gia đình nhập cư, tôi sinh sống trong văn hóa Pháp và cảm nhận như một người Pháp. Tuy nhiên, tôi lại được nuôi dưỡng theo cách của người Việt Nam từ cách ăn uống cho đến văn hóa... Vì vậy, khi lớn lên tôi rất tò mò về nguồn gốc của mình. Tôi nhận thấy người Pháp rất yêu mến người Việt Nam, điều này khiến tôi rất cảm kích.

Tôi rất bất ngờ khi thấy có một số bạn trẻ Việt Nam sang Pháp học tập và sinh sống, ngày càng rời xa văn hóa của chính mình. Về ẩm thực, nhiều người đã không còn thích ăn các món ăn của Việt Nam. Còn cá nhân tôi lại muốn gìn giữ những giá trị đó.

Gia đình có dạy bạn học và nói tiếng Việt không?

Thực ra, gia đình tôi là gia đình người Việt di cư sang Pháp nên tôi ưu tiên dạy tiếng Pháp cho bố mẹ (cười). Tôi nói tiếng Pháp trong khi bố mẹ tôi nói tiếng Việt. Vậy nên, vốn tiếng Việt của tôi hiện nay mới chủ yếu được sử dụng trong phạm vi gia đình. Dù tôi không giao tiếp tiếng Việt một cách thành thạo nhưng tôi vẫn hiểu tiếng Việt.

Mức độ hòa nhập của bạn với cộng đồng du học sinh và người Việt như thế nào?

Thực sự, tôi chưa có cơ hội tham gia với cộng đồng du học sinh và người Việt tại Pháp. Tôi rất mong thời gian tới, điều này sẽ được cải thiện khi tôi có điều kiện tham gia vào các hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây.

Hiện tại, cộng đồng Việt mà tôi đang sống mới chỉ thu hẹp trong gia đình. Còn đối với cộng đồng ở Pháp, thi thoảng tôi vẫn nấu các món ăn thuần chất Việt Nam cho mọi người thưởng thức như bánh cuốn, thịt kho tàu, rau muống xào tỏi... Tôi cũng có nhiều dự định tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bố mẹ bạn đều là người Việt Nam. Cảm giác của bạn khi trở về Việt Nam có gì khác so với những điều mà bạn thường được nghe bố mẹ kể chuyện?

Bố mẹ tôi sang Pháp trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nên những hình ảnh tôi hình dung về Việt Nam cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, khi tôi quay trở lại Việt Nam ba năm trước và lần này, tôi thấy một Việt Nam hoàn toàn khác, những hình ảnh Việt Nam khi xưa đã không còn phù hợp với hiện tại nữa.

Điều khiến tôi cảm nhận rõ nhất là sự yên bình và sự tốt bụng của người Việt. Tôi rất cảm kích bởi nó giúp tôi hiểu đúng, sâu sắc và chân thực hơn về quê hương.

Có kỷ niệm nào bạn cảm thấy ấn tượng sau hai lần trở về quê hương không?

Về Việt Nam, tôi đã có dịp đi từ Nam ra Bắc, nhưng nhớ nhất kỷ niệm tại đảo Cát Bà (Hải Phòng). Lần đó tôi ở tại một khách sạn và có quen anh lái xe ở đây. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, sau đó, anh mời tôi cùng người bạn đến nhà anh ăn cơm. Thú thật, lúc đó tôi khá lo khi nghĩ đến những lời khuyên của bố mẹ cần phải thận trọng với những người lạ. Nhưng khi hỏi ông chủ khách sạn về lời mời này, tôi yên tâm đến nhà anh chơi và ăn cơm cùng gia đình anh. Bữa cơm ấy tuy đạm bạc, giản dị ngồi trên chiếu trải xuống đất nhưng chúng tôi đã cảm thấy rất vui.

Thời gian sau khi về Pháp, anh lái xe vẫn thường gửi email hỏi thăm tôi. Kỷ niệm này giúp tôi có được một bài học: khi bạn mở lòng ra, bạn sẽ có được những trải nghiệm rất thú vị.

Bạn nghĩ mình có tính cách và phẩm chất gì của người Việt Nam?

Tôi nghĩ trong tôi có rất nhiều tính cách giống người Việt Nam, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Trong tôi dường như có sự kết hợp cả hai mặt, tưởng chừng tương phản lẫn nhau.Ví dụ như tôi cũng hay làm biếng khi được bố mẹ chăm sóc chu đáo, nhưng khi làm việc gì tôi luôn quyết tâm làm bằng được. Tôi là người cũng khá nóng tính, thẳng thắn nhưng ngược lại cũng rất cởi mở và luôn tươi cười...

Còn điều gì khác bạn mong muốn hiểu hơn về Việt Nam?

Có quá nhiều điều, như nền ẩm thực phong phú của Việt Nam, ngay cả trong tính cách của người Việt Nam, còn nhiều điều mà tôi vẫn rất tò mò, muốn tìm hiểu và khám phá. Nhiều khi tôi rất bối rối, tự hỏi người Việt Nam thực sự như thế nào? Mình đã hiểu đúng về Việt Nam chưa? Và những câu hỏi đó luôn thôi thúc tôi luôn phải đi tìm câu trả lời về nguồn cội của chính mình.

Cảm ơn bạn!

Trọng Vũ (thực hiện)

Theo Thế giới và Việt Nam