Nọc độc của nhện giúp giảm tổn thương não sau đột quỵ

(Dân trí) - Một nghiên cứu lâm sàng mới đây được thực hiện trên chuột đã đem đến những hy vọng cho bệnh nhân đột quỵ khi phát hiện ra rằng thành phần chuỗi peptit được tìm thấy trong nọc độc của nhện có khả năng giúp làm giảm thiểu tổn thương não - hiện tượng thường xuyên xảy ra và kéo dài trong nhiều giờ sau một cơn đột quỵ.

Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học đến từ trường Đại học Queensland, Úc do GS. Glenn King dẫn đầu. Nhóm của King đã dành nhiều năm nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ những lợi ích y tế tiềm ẩn mà một trong những loại nọc độc nhất thế giới mang lại. Trước đó, vào năm 2015, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại peptit đặc biệt trong nọc độc có khả năng làm tắc nghẽn quá trình truyền tín hiệu đau từ dây thần kinh đến não bộ.

Nọc độc của nhện giúp giảm tổn thương não sau đột quỵ - 1

Cho đến nay, có 35 loài nhện thuộc họ nhện mạng phễu được phát hiện tại Úc. King cùng các cộng sự đã tiến hành kiểm tra nọc độc của loài nhện thuộc họ Hadronyche - phân bố tại khu vực dọc theo bờ biển phía Đông ở bang New South Wales và Queensland.

GS. King giải thích: "Loại protein nhỏ mới được phát hiện có tên gọi là Hi1a có khả năng ngăn chặn các kênh ion cảm giác axit trong não bộ vốn được xem là những yếu tố chính gây tổn thương não sau đột quỵ”.

Đột quỵ là một triệu chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự tắc nghẽn động mạch máu não, làm giảm lưu lượng tuần hoàn máu lên nuôi não tại một số khu vực nhất định của não. Khi các tế bào não trở nên thiếu oxy, chúng chuyển các quá trình trao đổi chất sang một nguồn năng lượng khác, tuy nhiên, chính điều này dẫn đến tình trạng axit trong máu tăng (máu sẽ chuyển sang tính axit), gây ra tình trạng tổn thương tế bào vĩnh viễn. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tổn thương não ở những bệnh nhân đột quỵ.

Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ trên chuột, các nhà khoa học đã tiêm peptit này vào cơ thể chuột sau khi gây đột quỵ cho chúng. Sau khi quan sát, họ phát hiện ra rằng chỉ với sau 2 giờ được tiêm một liều lượng duy nhất được sử dụng 2 giờ sau khi một cơn đột quỵ có thể làm giảm tới 80% nguy cơ tổn thương não. Thú vị hơn, ngay cả khi chất này được tiêm 8 giờ sau khi khởi phát đột quỵ, nó vẫn có khả năng làm giảm thiểu 65% ảnh hưởng của tổn thương não sau đột quỵ.

GS. King nhấn mạnh: "Một trong những điều ngạc nhiên nhất mà Hi1a đem đến là nó cung cấp mức độ bảo vệ đặc biệt trong khoảng thời gian 8 giờ sau khi khởi phát đột quỵ - đây được đánh giá là khoảng thời gian dài, mang lại cơ hội và hy vọng đối với những bệnh nhân đột quỵ”.

Phát hiện mới mở đường cho phương pháp điều trị hiệu quả sau đột quỵ, giúp làm giảm đáng kể thiệt hại tiềm ẩn và ảnh hưởng của tổn thương não sau đột quỵ. Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng bệnh lý do tổn thương mạch máu não đột ngột và là nguyên nhân chính thứ hai gây tử vong trên toàn thế giới sau bệnh tim. Ước tính có khoảng 5 triệu người bị tổn thương não vĩnh viễn sau đột quỵ. Do đó, việc phát triển một chất bảo vệ thần kinh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tổn thương não do đột quỵ cũng như dễ dàng được áp dụng trong điều trị những bệnh nhân đột quỵ trong nhiều giờ ngay sau khi khởi phát đột quỵ là hết sức quan trọng và cần thiết.

Mặc dù nhóm nghiên cứu đang hy vọng sẽ nhận được tài trợ để đẩy nhanh nghiên cứu hướng tới thử nghiệm lâm sàng trên người trong tương lai gần thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Trong nghiên cứu ban đầu, các nhà khoa học áp dụng cách thức tiêm thuốc trực tiếp vào các tế bào não của chuột, phương pháp điều trị này rõ ràng không thể áp dụng đối với con người. Tính hiệu quả của liệu pháp điều trị nếu được áp dụng đối với bệnh nhân sau đột quỵ vẫn còn là một ẩn số.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

P.K.L-NASATI (Theo Newatlas)