Thí sinh sẽ phải thi trắc nghiệm theo công nghệ lạc hậu?

(Dân trí) - Rất gay gắt với quyết định áp dụng hình thức thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm nay, lý do mà GS.TS Lâm Quang Thiệp - Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra là: Việc chuẩn bị cho kỳ thi này chưa thật sự đi theo hướng tích cực!

Thưa GS, Bộ GD-ĐT luôn khẳng định thi trắc nghiệm là một hình thức thi tiên tiến được áp dụng ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Nền giáo dục ĐH của chúng ta đang trên con đường hội  nhập thì hình thức thi trắc nghiệm có lẽ cũng là một bước đi tích cực trên con đường đó?

 

Chúng ta đi sau thế giới trong việc phát triển lĩnh vực khoa học đo lường trong giáo dục. Đúng là hình thức thi trắc nghiệm là hình thức thi phổ biến ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, hình thức thi trắc nghiệm mà chúng ta chuẩn bị áp dụng trong hai kỳ thi tới lại là một hình thức phải sử dụng các công nghệ trắc nghiệm lạc hậu và đó là điều không thể!

 

Ví dụ, nước ta lạc hâu so với thế giới, chỉ mấy năm gần đây mới có các nhà máy ô tô. Tuy nhiên các nhà máy ô tô của ta hiện không thể sản xuất các ô tô của thế kỷ 19 để tung ra thị trường. Thi trắc nghiệm cũng vậy.

 

Công nghệ trắc nghiệm lạc hậu như GS vừa nêu có hiện diện cụ thể như thế nào trong các kỳ thi sắp tới của chúng ta?

 

Về công nghệ đo lường để áp dụng cho các kỳ thi trắc nghiệm đại trà, trên thế giới có hai loại, gồm công nghệ trắc nghiệm cổ điển, phát triển từ đầu thế kỷ 20 đến thập niên 70 và công nghệ trắc nghiệm hiện đại phát triển rất nhanh chóng trong ba, bốn thập niên vừa qua.

 

Chúng tôi có hỏi Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) để tìm hiểu xem họ chuẩn bị áp dụng công nghệ trắc nghiệm nào cho các kỳ thi tuyển sinh đại học, thì nhận được câu trả lời đại ý là chúng ta mới chuyển từ thi bằng tự luận sang thi bằng trắc nghiệm, phải chuyển từ từ cho xã hội quen dần. Điều đó có nghĩa Cục chưa có ý định sử dụng các công nghệ đo lường hiện đại cho các kỳ thi quốc gia.

 

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ phải áp dụng một nghệ trắc nghiệm lạc hậu, thưa GS?

 

Theo tôi quan niệm như vậy là không thoả đáng, vì việc áp dụng công nghệ hiện đại hoàn toàn không hề làm thay đổi việc viết câu hỏi trắc nghiệm của giáo viên và việc làm bài trắc nghiệm của thí sinh, cho nên không cần quen dần. Nó chỉ khác nhau ở phương pháp và phần mềm được dùng để phân tích và nâng cao chất lượng các câu hỏi trắc nghiệm và ở cách thiết kế các đề trắc nghiệm. Điều này chỉ liên quan đến một vài chuyên gia.

 

Thế nhưng công nghệ trắc nghiệm hiện đại cho phép thiết kế các đề thi đo được rất chính xác năng lực của thí sinh, đặc biệt cho phép xây dựng được các đề trắc nghiệm có mức độ tương đương rất cao.

 

Công ty ETS của Mỹ đã thiết kế các đề thi kiểu SAT, TOEFL theo công nghệ trắc nghiệm hiện đại nên các đề thi của họ cho phép đo năng lực của thí sinh với mức chính xác rất cao. Ví dụ: một thí sinh có năng lực tiếng Anh cỡ 450 điểm, thi bất cứ nơi đâu với các đề thi khác nhau cũng đạt được điểm như vậy, sai số chỉ cỡ một vài phần trăm.

 

Trong khi đó, để áp dụng được công nghệ trắc nghiệm hiện đại không khó. Chỉ cần vài chuyên gia am hiểu lý thuyết, công nghệ và có phần mềm thực hiện khâu phân tích và thiết kế đề trắc nghiệm.

 

Về mặt này, tôi biết ở nước ta hiện đã có các chuyên gia và công cụ như vậy. Và xin nói thật, qua mười mấy năm đi sâu nghiên cứu về khoa học đo lường hiện đại, bản thân tôi cũng nắm vững lý thuyết và công nghệ đó. Nếu Bộ cần, chúng tôi sẵn sàng tổ chức một nhóm chuyên gia để giúp Bộ.

 

Nếu như theo cách của GS thì việc tổ chức một kỳ thi trắc nghiệm khá đơn giản. Tuy nhiên, về phía Cục Khảo thí thì vấn đề hoàn toàn ngược lại. Mọi khâu của kỳ thi này hiện đều quá phức tạp, chẳng hạn như việc chuẩn bị ngân hàng đề thi. Đã có rất rất nhiều chuyên gia được huy động từ vài năm nay để xây dựng ngân hàng này và để bảo toàn “vốn” của ngân hàng, Cục có quy định phải thu lại đề thi ngay sau buổi thi...

 

Theo giải thích của Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, sau khi thi xong ngoại ngữ sẽ thu lại toàn bộ đề trắc nghiệm nhằm đảm bảo bí mật cho ngân hàng câu hỏi, và để còn sử dụng nhiều lần bởi soạn thảo và hoàn chỉnh các đề trắc nghiệm là rất tốn kém. Có người còn cho rằng, các công ty trắc nghiệm của ETS (Mỹ) cũng làm như vậy đối với các kỳ thi kiểu TOEFL.

 

Theo tôi, thu lại đề sau khi thi tiếp tục là một chủ trương không thoả đáng. ETS tổ chức thi TOEFL mỗi năm cho hàng triệu người với hàng vạn kỳ thi và đề thi khác nhau. Họ phải thu lại đề để bảo vệ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm của họ. Ngoài ra, trong các đề thi của họ lại còn bao gồm cả phần để thử nghiệm câu hỏi mới, không tính điểm. Hơn nữa, các công ty đó có bề dày hàng thế kỷ, có uy tín cao, chiếm được niềm tin của mọi thí sinh.

 

Còn các đề thi quốc gia bằng trắc nghiệm ở nước ta không nên thu lại đề sau khi thi. Ví dụ Trung tâm Quốc gia Tuyển sinh Đại học của Nhật Bản tổ chức kỳ thi chung hàng năm bằng trắc nghiệm cho hàng triệu thí sinh đã đưa ra lịch trình thi rõ ràng.

 

Tất cả đề thi, đáp án và điểm từng câu hỏi được công bố ngay lập tức sau khi thi trên mọi phương tiện truyền thông. Sau ba ngày thì chấm xong, công bố điểm và độ lệch chuẩn của phân bố. Hai ngày tiếp theo công bố những điều chỉnh về điểm nếu cần. Tất cả đề nhanh chóng và công khai. Như thế mới đảm báo tính trung thực và dân chủ.

 

Như vậy, theo GS thì không có lý do để Cục Khảo thí ra quyết định thu lại đề thi trắc nghiệm?

 

Lý do thu hồi đề thi nhằm giữ bí mật ngân hàng trắc nghiệm để sau sử dụng chưa thuyết phục. Mỗi năm, Việt Nam chỉ có một lần thi quốc gia, đề thi mỗi môn cỡ một trăm câu hỏi. Một bộ đề bỏ đi cần một vài  tỷ đồng để làm lại cũng chẳng đáng so với lệ phí tuyển sinh bảy tám chục tỷ đồng thu được hàng năm.

 

Ngoài ra, đó cũng là cách để xã hội công khai giám sát chất lượng đề thi. Không nên vì cái lợi nhỏ mà làm cho thí sinh và cả xã hội cảm thấy không thoải mái vì sự mù mờ do bí mật đề thi, trái với xu thế công khai dân chủ hiện nay. Chưa kể, việc thu lại đề thi khiến quy chế trông thi phức tạp hơn, và không thể đảm bảo thu đủ đề thi đối với tất cả  thí sinh.

 

Hơn nữa, trong những năm qua, các đề thi tự luận và đáp án vẫn được công bố sau kỳ thi, xã hội ta quen với cách công khai như vậy. Chẳng lẽ chúng ta có một bước tiến trong việc áp dụng công nghệ thi trắc nghiệm mà xã hội lại phải trả giá bằng một bước lùi về tính công khai dân chủ của kỳ thi?

 

Xin cảm ơn GS!

 

Mai Minh, Hồng Hạnh
(Thực hiện)