Thăm các Hội Khuyến học “lão làng”

(Dân trí) - Các Hội Khuyến học Khánh Hòa, Lâm Đồng, TPHCM, An Giang, Ninh Thuận đã và đang từng bước làm tròn sứ mệnh trọng đại của mình là khơi dậy truyền thống hiếu học, trọng đãi hiền tài đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển tri thức nhân loại, xu thế hội nhập quốc tế…

Theo đoàn cán bộ Hội Khuyến học (HKH) Quảng Trị tham quan học tập tại Khánh Hòa, Lâm Đồng, TPHCM, An Giang, Ninh Thuận, tôi được bổ túc khá nhiều điều về khuyến học và sự nghiệp khuyến học.

Khuyến học: Sứ mệnh trọng đại

Trong bức trướng Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam tặng Đại hội HKH toàn quốc lần thứ III, vai trò sự nghiệp khuyến học thể hiện cô đúc: “khuyến học - khuyến tài - xây dựng xã hội học tập”. Xuất phát trên cơ sở đó, các HKH Khánh Hòa, Lâm Đồng, TPHCM, An Giang, Ninh Thuận đã và đang từng bước làm tròn sứ mệnh trọng đại của mình trong thời đại mới: một mặt, khơi dậy truyền thống hiếu học, trọng đãi hiền tài vốn là nét đẹp của dân tộc Việt Nam. Mặt khác, đáp ứng yêu cầu phát triển tri thức nhân loại và xu thế hội nhập quốc tế: tri thức là biển cả, sự học là suốt đời, nghỉ ngơi trong học tập; tiếp cận tri thức sẽ bị tụt hậu.

Từ chủ trương của Đảng, HKH các tỉnh An Giang, Ninh Thuận... định ra hai nhiệm vụ trọng tâm:

Một là: hỗ trợ phát triển nhà trường và giáo dục chính quy.

Hai là: góp phần phát triển giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, các nhân học tập suốt đời, “cần gì học nấy”... giúp sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng một xã hội học tập. Trong đó, lấy gia đình hiếu học làm tế bào và trung tâm học tập cộng đồng là công cụ thiết yếu.

Chính vai trò, nhiệm vụ đã xác định cụ thể, HKH các tỉnh thành này đã vạch ra con đường cụ thể thực thi sứ mệnh trọng đại mà Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tin tưởng giao phó.

Thăm các Hội Khuyến học “lão làng” - 1

Hội Khuyến học Hướng Hóa (Quảng Trị) nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Quang Hiệp)

Chữ “tâm” của người làm khuyến học

Số đông cán bộ khuyến học các tỉnh thành mà chúng tôi diện kiến là các bậc lão thành. Nhiều người đã trải qua chiến tranh, từng đảm đương nhiều cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, tổ chức, đoàn thể, mặt trận... Một số là cán bộ công chức, nhà giáo nghỉ hưu.... Nói như đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ chính trị, thường trực Ban bí thư: “Họ là những con người có tâm, có trí, tự nguyện và có thời gian”.

Lịch lãm trong cuộc sống, uy tín trong công việc, lại hoạt động trong tổ chức toàn xã hội tin tưởng, các bậc lão làng đã chung tay góp sức đưa sự nghiệp khuyến học đi lên. Chỉ từ 5 - 10 năm, HKH các địa phương đã phát triển tận các bản làng, thôn xóm, buôn sóc.... với hơn một triệu hội viên. Các nguồn lực xã hội được khai thác hiệu quả, giúp các HKH thu về hàng chục tỉ đồng: TPHCM (15-20 tỉ), Lâm Đồng (hàng chục tỉ đồng), Quảng Trị, Nha Trang, Ninh Thuận (5-10 tỉ đồng). Suy rộng ra: cả nước có đến hơn một ngàn tỉ để thực hiện các chương trình khuyến học khuyến tài như “Tiếp sức đến trường”, nộp các loại bảo hiểm, đỡ đầu dài hạn, trao học bổng....

Đầu tư khiêm tốn

Đến thăm các HKH Khánh Hòa, Lâm Đồng, TPHCM, An Giang, Ninh Thuận…, tôi khá bất ngờ bởi lẽ: dù được đánh giá là các “liền anh, liền chị” trong làng khuyến học nhưng kinh phí hoạt động của các HKH cấp tỉnh phụ thuộc vào khả năng xoay chạy và uy tín của Chủ tịch hội là chính. Con số đầu tư cho các hoạt động khuyến học tại các địa phương cũng thật khiêm tốn: TPHCM, Lâm Đồng (200 triệu đồng/năm), Quảng Trị (110 triệu đồng/năm), An Giang, Khánh Hòa (70 triệu đồng/năm).

Ngoài ra, điều kiện phục vụ công tác khuyến học các tỉnh còn nhiều hạn chế: Chưa HKH nào có phương tiện đi lại riêng. HKH Lâm Đồng chưa có văn phòng riêng. Tại Nha Trang, cán bộ HKH còn không được nhận một đồng trợ cấp, có chăng cũng chỉ dăm ba trăm ngàn/tháng phục vụ xăng, xe, trà, thuốc... như hầu hết các HKH cấp tỉnh. Ở cấp cơ sở, cán bộ Hội chưa có bất kì sự hỗ trợ nào.

Đường đi hé mở

Thực tế xin - cho vẫn là con đường cơ bản tạo kinh phí hoạt động của HKH các tỉnh thành. Tuy nhiên hiện nay, chính sách tạo điều kiện cho những người tận tâm làm khuyến học đã chuyển biến đáng mừng: Quảng Trị đã có văn phòng, ủy viên thường trực, nhân viên hợp đồng... . Ở TPHCM, Ninh Thuận, Lâm Đồng..., chánh, phó chủ tich, ủy viên thường trực nhận được trợ cấp hàng tháng. Đặc biệt, ở HKH An Giang, ngoài kinh phí hoạt động hàng năm, UBND tỉnh còn đồng tình nguyên tắc trích phần trăm đối xứng để HKH có điều kiện vận động xã hội tăng nhanh nguồn quỹ.

Có lẽ, từ thực tiễn khuyến học tỉnh An Giang và các địa phương khác, nếu Nhà nước thể chế hóa thành chính sách áp dụng thống nhất trên toàn quốc sẽ là cơ hội mới của khuyến học.

Chỉ thị 11 CTTW ngày 14/3/2007 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ chính sách, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động.... của HKH các cấp...”. Tại buổi làm việc với HKH Việt Nam, đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu: “Tôi tán thành những đề nghị của HKH Việt Nam. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bàn bạc với chính phủ và các cơ quan chức năng để thể chế hóa chỉ thị của Bộ Chính trị nhằm tạo điều kiện cho HKH hoạt động thuận lợi hơn”.

Những điều này báo hiệu rằng một hướng đi mới đã hé mở cho sự nghiệp khuyến học nước nhà.

Trương Quang Hiệp