Sinh viên cần học tập ở môi trường công sở

“Nhà trường sẽ là công sở, giảng viên là cấp trên, SV là nhân viên, bài tập chính là công việc SV phải hoàn thành”.

Ông Quách Ngọc Xuân – Giám đốc đào tạo trường Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic đã nhận định như thế khi nói về loại hình đào tạo mới: đào tạo mô phỏng thực tế.

Thưa ông, doanh nghiệp thường than phiền phải đào tạo lại ứng viên sau khi tuyển dụng, là người phụ trách lâu năm về đào tạo, thầy có kiến giải như thế nào về vấn đề này?

Vấn đề này tôi thấy mọi người cũng nói mãi rồi. Nói chung, tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại là có xảy ra, tuy nhiên đối với từng ngành nghề thì mức độ lại không giống nhau.

Vấn đề là ở SV đã tốt nghiệp nhưng không có đủ tố chất đáp ứng yêu cầu công việc. Tôi đã tiếp xúc với nhiều bạn SV tốt nghiệp đến vài ba trường trung cấp, cao đẳng, thậm chí cả đại học vẫn chưa xin được việc. Có bạn đưa lý do chọn ngành học không phù hợp, có bạn tốt nghiệp rồi vẫn chưa thấy đủ kỹ năng để làm việc và thế là lại đi học tiếp. Đó là một sự lãng phí rất lớn đối với chính bản thân những bạn SV đó và cho cả xã hội.

Thực tế là chúng ta đào tạo ra rất nhiều, thậm chí còn vượt cả nhu cầu ở một số ngành nghề. Lời giải của bài toàn này không nằm ở số lượng mà phụ thuộc vào chất lượng SV tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của công việc. Vì vậy, trường nào hoạt động tách biệt khỏi nhu cầu xã hội, đòi hỏi thực tiễn của doanh nghiệp thì trường đó khó có thể đào tạo được những SV đáp ứng được công việc thực tế.

Có thể rất nhiều trường nhận thức được điều này, theo ông, tại sao họ lại chậm thay đổi?

Hầu như các trường đều nhận thức được điều này, tuy nhiên phần lớn vẫn áp nguyên khung chương trình của Bộ vào dạy. Để tự trường thiết kế và xây dựng được chương trình học tốt, sát và cập nhật với nhu cầu thực tiễn đòi hỏi đầu tư rất lớn.

Bên cạnh đó, muốn việc học gắn với thực tiễn cần phải có điều kiện thực hành tốt, trường phải trang bị cơ sở kỹ thuật hiện đại đồng bộ.

Cả hai vấn đề này đều đòi hỏi chi phí khá lớn để thực hiện, mà nguồn kinh phí của nhiều trường vẫn chủ yếu do Bộ rót xuống. Gặp cả hai vấn đề đều nan giải này, các trường dễ giữ cách cũ là đào tạo thiên về lý thuyết và để SV tự mày mò kinh nghiệm thực hành trong thực tiễn công việc sau này.
 
Sinh viên cần học tập ở môi trường công sở - 1
Phòng học của sinh viên trường cao đẳng thực hành FPT.

Có cách nào để cải thiện tình hình không, thưa ông?

Theo tôi, đối với những ngành kỹ thuật hay ngành ứng dụng đòi hỏi phải áp dụng triệt để hơn mô hình đào tạo gắn với việc giải quyết các công việc thực tế. Phải tiến dần từ cách tiếp nhận kiến thức thụ động của SV theo lối đọc chép sang cách tiếp nhận chủ động qua đào tạo tương tác (có sự phản biện của SV) và tiến tới là đào tạo theo mô hình mô phỏng thực tế.

Thực tiễn cuộc sống thay đổi rất nhanh, các chương trình đào tạo cũng theo đó mà cần điều chỉnh theo. Làm sao một mình Bộ có thể lo được việc cập nhật các chương trình này? Các trường cần phải chủ động xây dựng bộ phận phát triển nội dung chương trình cho riêng mình. Nhiệm vụ của bộ phận này là điều tra, nghiên cứu: thực tiễn công việc đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức gì; các công việc thể hiện ở những casestudy thực tiễn nào, cách hướng dẫn những kỹ năng đó sao cho SV dễ thực hiện được nhất? Quan trọng là nghiên cứu này phải dựa trên nhu cầu thực tế, thông qua điều tra các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và những người có kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Lý tưởng nhất là trường có thể hợp tác với các doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng.

Sau đó, chuẩn hóa nội dung từng môn thành các gói chương trình hoàn thiện. Các gói này có thể chuyển giao cho giảng viên để triển khai nhất quán và đảm bảo chất lượng chung. Gói chương trình chuẩn sẽ tránh được tình trạng giảng viên biết đến đâu dạy đến đó. Giảng viên sẽ luôn phải cập nhật để đáp ứng được những yêu cầu của từng môn học.

Để đảm bảo truyền đạt tốt, giảng viên cũng phải là những người vừa có nghiệp vụ sư phạm vừa có vài năm kinh nghiệm làm việc thực tiễn.

Mô hình này không còn mới ở một số nước như tiên tiến như Anh, Úc, Singapore... tuy nhiên ở Việt Nam còn mới, theo ông có cách nào để đảm bảo thành công không?

Đúng là để triển khai mô hình này ở Việt Nam cũng không dễ dàng. Như tôi đã nói ở trên, đây là mô hình yêu cầu sự đầu tư lớn và dài hơi. Đặc biệt, cần một tư duy khác ở cả SV và nhà trường. SV cần có sự tư duy mới: coi mỗi ngày đi học giống như mỗi ngày đi thực tập hay đi làm ở doanh nghiệp và vì thế cần sự chủ động và kỷ luật hơn. Nhà trường cũng cần đổi mới: coi mỗi SV như một nhân viên và việc truyền nghề chính là việc dạy học.

Mô hình này thích hợp với các cơ sở đào tạo nghề hoặc các đơn vị đào tạo trực thuộc doanh nghiệp, lấy ví dụ như trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic (www.poly.edu.vn) trực thuộc tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực CNTT và viễn thông là FPT. Bộ phận chuyên trách phát triển chương trình của trường có điều kiện tiếp xúc và điều tra thực tế công việc tại các công ty con trong tập đoàn. Nhân sự của bộ phận này và giảng viên chính là những nhân viên đã từng làm trong các công ty con của tập đoàn. Vì thế, họ truyền đạt kiến thức cho SV giống như cách truyền nghề cho đội ngũ kế cận vậy.

Theo ông, với mô hình này hứa hẹn lớp SV ra trường sẽ có ưu thế nổi bật gì?

Theo như cách đào tạo này, giảng viên chính là cấp trên đưa ra những yêu cầu thực tế cho nhân viên - là SV - làm. Bài tập chính là những công việc thực tế, giảng viên sẽ là người hỗ trợ và hướng dẫn SV hoàn thành công việc đó.

Kết quả học tập từng môn của SV sẽ được đánh giá qua các tay nghề cũng như sản phẩm làm được, thay vì chỉ đánh giá thuần túy qua thi cử.

Với hướng tiếp cận này có thể thấy rằng, mỗi năm SV đi học là mỗi năm kinh nghiệm làm việc được tích lũy. Nhờ trải nghiệm ở vai trò thực tế, đòi hỏi thực tế, SV sẽ ý thức được hơn trách nhiệm học tập của mình đối với công việc trong tương lai.

Và tất nhiên, sinh viên sẽ không còn bỡ ngỡ khi vào một môi trường công sở chính thức sau khi ra trường.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Thành Nguyên