Những khuất tất tại trường THPT Ngô Quyền - Hải Phòng (kỳ 2)

(Dân trí) - Hàng loạt đơn thư tố cáo liên tục được gửi lên Sở GD-ĐT Hải Phòng và Bộ GD-ĐT, phản ánh những sai phạm trong việc tiếp nhận chuyển trường học sinh, khuất tất trong tài chính, việc khen tặng Huân chương Lao động đối với Hiệu trưởng không đúng thủ tục… nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Giả hồ sơ chuyển trường

Năm 2004, học sinh Đỗ Thái M thi đậu vào trường THPT Bán công Thực hành (thuộc ĐH Hải Phòng) với 12,5 điểm. Học lớp 10A1, do cô Nguyễn Thị Thu Nguyệt làm chủ nhiệm

Cuối kỳ I của lớp 10, lấy lý do chuyển hộ khẩu từ quận Kiến An về quận Lê Chân, gia đình làm đơn xin cho M chuyển về trường THPT Ngô Quyền bằng hồ sơ khống điểm. Tuy nhiên, lý do này không đúng sự thật, bởi ngay từ khi em M đang học lớp 9, hộ khẩu gia đình em đã đăng ký ở quận Lê Chân.

Sự việc sẽ nhanh chóng “chìm xuồng”, nếu không có các giáo viên phát hiện, học bạ của học sinh này được Hiệu trưởng cố ý giữ lại, chuyển về lớp khi kết thúc năm học, gần hết tháng 7/2005 mới vào điểm xong. Từ đây, hé lộ sự sai phạm nghiêm trọng về quy trình chuyển trường, tiếp nhận và gian dối trong hồ sơ.

Làm việc với chúng tôi, sau khi đối chiếu sổ điểm gốc, Hiệu trưởng trường THPT Bán công Thực hành ĐH Hải Phòng Tạ Ngọc Minh hết sức bất ngờ khi biết phiếu điểm chuyển trường của học sinh M do nguyên Phó hiệu trưởng Đỗ Thị Hòa ký hoàn toàn là giả mạo.

“Đây là sự cố tình, có sắp đặt. Bà Hòa đã tự ý làm tất cả, nhưng không hề báo cáo lên Hiệu trưởng” - thầy Minh bức xúc.

Theo yêu cầu, bà Đỗ Thị Hòa (hiện đang là Hiệu trưởng tại trường THPT Kiến An) và giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Nguyệt lập tức có mặt. Trước những bằng chứng cụ thể, bà Hòa và cô Nguyệt thừa nhận: Đã tự “chế” ra phiếu điểm, nâng khống điểm 6/9 môn học, đưa điểm trung bình học kỳ I từ 5,2 lên 5,7. “Học lực yếu” nâng lên “học lực khá”, “hạnh kiểm trung bình” nâng lên “hạnh kiểm tốt”. Mục đích bởi trường Ngô Quyền vốn không tiếp nhận học sinh yếu kém.

Nhiều tố cáo liên quan đến ông Hiệu trưởng

Những khuất tất tại trường THPT Ngô Quyền - Hải Phòng (kỳ 2) - 1

Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú đẩy trách nhiệm vụ tiếp nhận học sinh sai quy chế sang cho Sở GD-ĐT.

Mặc dù hồ sơ chuyển trường của học sinh Đỗ Thái M có nhiều điểm khuất tất, thiếu những giấy tờ quan trọng như bằng tốt nghiệp THCS, hộ khẩu công chứng (chứng minh lý do chuyển nơi cư trú), quyết định đồng ý cho phép chuyển trường… nhưng hiệu trưởng trường Ngô Quyền Nguyễn Văn Phú vẫn cố tình tiếp nhận học sinh sai quy chế.

Ngoài ra, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú còn bị tố cáo: lợi dụng chức quyền, gây áp lực với giáo viên, tạo nên không khí mất đoàn kết nội bộ. Cố tình trì hoãn công tác thanh tra nhà trường về cơ sở vật chất, quỹ ngoài ngân sách. Cố tình bưng bít vụ việc Ban thanh tra nhà trường phát hiện thiếu hụt 13 máy vi tính so với quyết toán. Buộc thôi dạy đối với giáo viên Nguyễn Tiến Đông chỉ bằng thông báo mà không hề có quyết định đình chỉ.

Nghiêm trọng hơn là “làm tắt” qui trình công nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho cá nhân hiệu trưởng mà không thông qua Hội đồng giáo viên nhà trường.

Vào đúng dịp kỷ niêm 85 năm thành lập trường (15/10/2005), giáo viên trong trường đều bất ngờ: Có giáo viên được tập thể đề xuất, đủ điều kiện công nhận danh hiệu cao quý trong ngành thì không được xem xét, thay vào đó là hiệu trưởng với tấm Huân chương không được đề tập thể bình xét.

Sở GD-ĐT Hải Phòng có thực sự cương quyết?

Mặc dù đã 3 năm trôi qua, hàng loạt thư tố cáo do các giáo viên nhà trường gửi lên Sở GD-ĐT Hải Phòng và Bộ GD-ĐT, nhưng những vụ việc trên vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Rất nhiều những buổi họp giải trình liên quan các vấn đề còn tồn tại trong nội bộ trường Ngô Quyền nhưng vẫn không đem lại kết quả cuối cùng, ngay cả khi lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Hải Phòng phải về trực tiếp giải quyết.

Trường Ngô Quyền tự đặt ra hình thức thi khảo sát, Sở chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Vụ việc chuyển trường đầy khuất tất, Sở quy trách nhiệm trong “việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ thuộc thẩm quyền nhà trường”. Nhưng Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú lại phủ nhận: “thụ lý, giải quyết hồ sơ do Sở GD-ĐT, trường chỉ làm khâu tiếp nhận”. Trái bóng trách nhiệm một lần nữa được đùn đẩy cho nhau, rốt cục, xử lý sai phạm vẫn như “đá ném ao bèo”.

Công  văn 1143/ SGD&ĐT gửi Thanh tra Bộ GD-ĐT của GĐ Sở Trần Xuân Đình khẳng định: “Lý do chuyển trường của học sinh Đỗ Thái M là hoàn toàn hợp lệ, đúng quy định. Yêu cầu hai trường báo cáo xử lý cá nhân sai phạm trước 15/12/2006”. Tuy nhiên, đến tháng 5/2007, Phó GĐ Đỗ Thế Hùng cho biết, Sở chưa hề nhận được văn bản báo cáo của hai trường.

Theo ý kiến phản ánh của những giáo viên tâm huyết, Ngô Quyền luôn là trường được đánh giá cao tại Hải Phòng, nhưng truyền thống tốt đẹp nhiều năm đã bị một số cá nhân lợi dụng, mất đi nhiều hình ảnh vốn có. Nếu Sở GD-ĐT Hải Phòng không thực sự cương quyết, nghiêm túc xử lý những cá nhân sai phạm, khó có thể nói trước, kết quả vận động “nói không với tiêu cực” đối với giáo dục Hải Phòng sẽ đi đến đâu?

Ngọc Anh