Những khuất tất tại trường THPT Ngô Quyền - Hải Phòng

(Dân trí) - Nhiều năm nay, được sự hậu thuẫn ngầm của lãnh đạo nhà trường, những đợt thi “khảo sát” ngoài quy định liên tục được trường Ngô Quyền tổ chức. Trường tự đặt mức thu “lệ phí” rất lớn, tổ chức coi và chấm thi rất bài bản nhưng không hề công khai quyết toán cụ thể.

Những “sáng kiến” khó hiểu

 

Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, đối với các khối THPT, một năm chỉ được phép tổ chức tối đa hai đợt thi khảo sát chất lượng học kỳ. Nhưng tại trường THPT Ngô Quyền - Hải Phòng, học sinh nhiều lớp phải thi ít nhất 4 đợt khảo sát trong năm.

 

Nhiều năm qua, trường THPT Ngô Quyền tồn tại hình thức thi thử “khảo sát Đại học” với khối 12, cho phép thí sinh tự do (không thuộc học sinh trong trường) được đăng ký thử sức. Tuy nhiên, hình thức này đã “biến tướng” thành thi “khảo sát chất lượng” đối với khối 10 và 11.

 

Tất cả học sinh các lớp tham gia đều đóng “lệ phí thi” 40.000đ/hs (năm học 2006-2007). Khoản tiền trên lên tới hàng chục triệu đồng mỗi đợt, được chi trả cho “mô hình” tổ chức khá chuyên nghiệp, có đầy đủ giám thị trông thi, giáo viên chấm thi, chi phí thuê phòng, ra đề…

 

Các khối được xếp lịch thi “khảo sát” riêng từng đợt, không cùng thời điểm, bởi thế các đợt thi liên tiếp diễn ra trong năm.

 

Sự việc trên đã liên tục diễn ra trong nhiều năm. Chỉ đến khi có đơn thư tố cáo gửi lên Bộ GD-ĐT, hình thức trên mới chính thức được Sở GD-ĐT Hải Phòng nhắc nhở và chấm dứt vào tháng 4/2007.

 

Những khuất tất tại trường THPT Ngô Quyền - Hải Phòng - 1

Bà Nguyễn Hồng Thuý

Bà Nguyễn Hồng Thúy, Phó hiệu trưởng phụ trách dạy học thêm cùng nhiều giáo viên chủ nhiệm (những lớp tham gia thi khảo sát), cho rằng việc làm trên là một “sáng kiến”, thông qua đề xuất của phụ huynh.

 

“Tại năm học này, có 17 lớp (trong tổng số 44 lớp) của cả 3 khối tham gia, học sinh khối 12 đóng lệ phí 40.000đ/hs. Riêng hai khối 10 và 11 được “miễn phí”, không hề thu tiền, chi phí từ hai khối này lấy từ tiền dạy thêm… còn thừa và quỹ hội phụ huynh, học sinh” (!?) - bà Thúy cho biết.

 

Tuy nhiên, có một điều hết sức vô lý: cần mức đóng tối thiểu đối với mỗi học sinh khối 10 và 11 trường Ngô Quyền là bao nhiêu, để có “dư” khoản tiền học thêm lên tới hàng chục triệu, kèm các khoản quỹ hội chi phí cho mỗi đợt thi? Chưa kể nếu đúng, đó lại là hình thức chi sai nguyên tắc. Quyết toán mỗi đợt thi cũng không hề được công bố, dù tiền do giáo viên chủ nhiệm thu đều nộp về một nhóm giáo viên quản lý chi tiêu, do bà Nguyễn Hồng Thúy phụ trách.

 

Tất cả đều không được giải thích rõ ràng. Thầy Đinh Hồng Tiệp chủ nhiệm lớp 12A13 còn tỏ ra “bất ngờ” vì biết sự việc trên trái quy định: “Không riêng gì trường Ngô Quyền, tại TP Hải Phòng còn rất nhiều trường áp dụng hình thức tương tự”.

 

Không có hình thức “miễn phí” - lương tâm hay vụ lợi?

 

Trao đổi với chúng tôi, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú điềm nhiên: “Việc thi khảo sát do “Trung tâm Tri thức” ký hợp đồng thuê địa điểm tổ chức…”. Nhưng trước những bằng chứng chúng tôi đưa ra, ông Phú đành thừa nhận Trung tâm kia chỉ dạy ôn thi, còn “Thi là do trường. Nhưng ban giám hiệu không có chủ trương này. Hầu hết đều do các giáo viên tự làm, mới diễn ra trong… năm nay”.

 

Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với nhưng gì chúng tôi điều tra, thu thập, hiệu trưởng Nguyễn Văn Phú và bà Nguyễn Hồng Thúy đều trả lời không đúng sự thật, nhằm giũ bỏ trách nhiệm, quy về hình thức “tự phát” do giáo viên đề ra.

 

Với vai trò phụ trách vấn đề dạy thêm, học thêm, bà Nguyễn Hồng Thúy là người trực tiếp “đạo diễn” quy trình thu tiền các lớp, bố trí cho thuê phòng thi, mời các giáo viên bộ môn tham gia chấm thi, làm giám thị.

 

Sự thật, không hề tồn tại hình thức “miễn phí”. Học sinh hai khối 10 và 11 vẫn bị thu tiền bình thường. Khối 10 phải thu lệ phí đủ 2 triệu trên đầu lớp. Cụ thể, tại lớp 10B2, do lượng học sinh tham gia quá ít (chỉ 46 hs), giáo viên chủ nhiệm buộc phải thu lên 50.000đ/hs cho đủ định mức, đây cũng là lớp có mức thu cao nhất trường.

 

Theo giáo viên trong trường, mức “kinh phí” các đợt thi này rất lớn. Riêng 17 lớp sẽ có trên 800 học sinh tham gia, tổng mức “lệ phí” 2 lần khảo sát lên tới hơn 60 triệu đồng. Giáo viên không hề được rõ số tiền này sử dụng ra sao.

 

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tảo, bộ môn Lý, được cô Nguyễn Thị Nhàn (chủ nhiệm lớp 12A8), mời tham gia chấm thi vào học kỳ I năm 2006 - 2007. Thầy Tảo bức xúc: “Chính tôi trực tiếp ký sổ của Phó hiệu trưởng Nguyễn Hồng Thúy lĩnh 300 ngàn công chấm. Sau đó, tôi đã khước từ tham gia chấm tiếp vì thấy việc làm không minh bạch. Bà Thúy nói không hề hay biết và không quản lý việc thi khảo sát là sự chối bỏ trách nhiệm”.

 

Biện minh cho việc làm trên, bà Thúy và một số giáo viên chủ nhiệm giải thích: “Vì lương tâm nhà giáo, thương các em, quan tâm đến chất lượng…”. Nhưng nếu đúng, thì tại sao hình thức trên lại không hề áp dụng rộng rãi trong toàn trường? Hầu hết chỉ nhằm những lớp được đánh giá “chất lượng cao”.

 

Theo một giáo viên Ngô Quyền, để đánh giá chất lượng học sinh, giáo viên chủ nhiệm có thể phối hợp giáo viên bộ môn, thi ngay tại lớp. Không nhất thiết phải thu lệ phí quá cao, tổ chức thi rầm rộ với cường độ lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh và giáo viên toàn trường.

 

Ông Đỗ Thế Hùng, Phó GĐ Sở GD-ĐT cho biết: “Sau khi yêu cầu chấm dứt ngay hình thức trên, trường Ngô Quyền buộc phải làm rõ trách nhiệm sai phạm. Nếu cá nhân lạm dụng việc thi khảo sát, sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc”.

 

Trong khi cả nước đang dấy nên làm sóng đấu tranh “nói không với tiêu cực” thì ở Ngô Quyền, lãnh đạo nhà trường lại bao che việc làm trái quy định. Phải chăng, ngoài sai phạm tự tổ chức thi ngoài quy chế của Bộ GD-ĐT, núp dưới danh nghĩa “thi khảo sát” là một thực trạng trục lợi cá nhân, trong đó có sự hậu thuẫn không nhỏ của lãnh đạo nhà trường? 

 

Ngoài việc tự tổ chức thi khảo sát trái quy định, lãnh đạo trường THPT Ngô Quyền còn bị tố cáo sai phạm trong việc tiếp nhận chuyển trường học sinh, khuất tất trong tài chính, đề nghị khen tặng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Hiệu trưởng không đúng thủ tục… nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Thu Anh