Nhận xét và gợi ý làm bài thi ĐH môn Sử năm 2013

(Dân trí) - Nếu học sinh không "học tủ" mà biết ôn và hệ thống hóa, khái quát hóa theo các bài ôn tập Tổng kết phần, chương thì có thể làm được.

Đó là lời nhận xét của thầy giáo Trần Trung Hiếu - giáo viên Sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) về đề thi đại học môn Lịch Sử năm 2013.

Thứ nhất, đề thi đã bám sát chương trình và nội dung kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, và đều nằm trọn trong sách giáo khoa Lịch Sử 12 hiện hành và đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn giảm tải 2 năm học vừa qua.

Thứ hai, yêu cầu trong các tất cả các câu hỏi của Đề thi đều rõ ràng, không quá khó, không đánh đố học sinh. Kiến thức để làm các câu hỏi đều nằm trong kiến thức cơ bản bám vào những vấn đề, những sự kiện tiêu biểu và hệ thống các câu hỏi ôn tập cuối bài trong sách giáo khoa. Nếu học sinh không "học tủ" mà biết ôn và hệ thống hoá, khái quát hoá theo các bài ôn tập Tổng kết phần, chương thì có thể làm được.

Thứ ba, về nội dung cụ thể.
Thí sinh cụm Vinh hoàn thành đề thi Sử. (Ảnh: Nguyễn Duy).
Thí sinh cụm Vinh hoàn thành đề thi Sử. (Ảnh: Nguyễn Duy).

Ở phần Lịch Sử Việt Nam: gồm 3 câu hỏi mang tính xuyên suốt kiến thức của lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1965. Bổ điểm cho từng câu khá hợp lý tuỳ thuộc vào lưu lượng và mức độ kiến thức của từng câu.

Câu 1: 2,0 điểm (Trình bày sự chuyển biến về giai cấp trong xã hội Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất).

Kiến thức cơ bản để làm câu này là nằm trong tiểu mục 3: Những chuyển biến mới về kinh tế và giai cấp xã hội ở Việt nam của mục I, Bài 12 ( Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt nam từ 1919 đến 1925). Kiến thức để giải quyết câu này thực chất là nêu sự chuyển biến mới của các giai cấp ở Việt Nam do tác động của chính sách khai thác thuộc địa: địa chủ phong kiến, nông dân, tiểu tư sản, tư sản, công nhân. Từ đó, khẳng định lại: Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, trên đất nước ta đã diễn ra những biến đổi quan trọng về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, trong đó quan trọng nhất là sự phân hoá các giai cấp, tầng lớp mới.

Câu 2: 2,0 điểm (Khi bước vào Đông- Xuân 1953-1954, Pháp - Mỹ có âm mưu và kế hoạch gì ở Đông Dương? Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Lao động Việt Nam đề ra phương hướng chiến lược như thế nào?

Để giải quyết câu hỏi này có 2 kiến thức cơ bản: Hoàn cảnh và nội dung của Kế hoạch Nava và chủ trương của ta trong Đông - Xuân 1953-1954 nhằm làm phá sản Kế hoạch Nava.

Câu 3: 3,0 điểm (Âm mưu và thủ đoạn của Mỹ trong việc thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965) ở miền Nam Việt Nam là gì? Nêu những thắng lợi trên mặt trận quân sự của quân dân ta ở miền Nam trong chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Câu hỏi này có 2 vế cần trả lời:

  • Thứ nhất, nêu ngắn gọn những âm mưu và thủ đoạn của Mỹ trong việc thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965).
  • Thứ hai, những thắng lợi quân sự của quân dân miền Nam trong giai đoạn từ 1961-1965. Ở phần kiến thức này, các thí sinh không cần thiết trình bày thắng lợi trên nhiều mặt mà chỉ là những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận quân sự: Ấp Bắc (1/1963), Đông Xuân 1964-1965: Bình Giã, An Lão, Ba Gia, Đồng Xoài.

Ở phần lịch sử Thế giới: kiến thức của đề thi đều nằm trọn vẹn trong các bài: mục II (Xu thế toàn cầu hoá và ảnh hưởng của nó) của bài 10 và mục I (Mâu thuẫn Đông - Tây và sự khởi đầu chiến tranh lạnh) của Bài 9, sách giáo khoa Lịch Sử 12 chương trình cơ bản hiện hành.

Câu 4a: Theo chương trình chuẩn (Nêu bản chất của toàn cầu hoá và những biểu hiện chủ yếu của xu thế toàn cầu hoá. Vì sao toàn cầu hoá vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển ?

  • Bản chất của toàn cầu hóa: quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.
  • Biểu hiện của xu thế toàn cầu hóa: sự phát triển nhanh chóng của quan hệ quốc tế; sự phát triển và tác động to lớn của các công ty xuyên quốc gia; sự sát nhập và hợp nhất các công ty thành những tập đoàn lớn; sự ra đời của các tổ chức liên kết kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế và khu vực.
  • Thời cơ và thách thức:

+ Thời cơ(hay còn gọi là mặt tích cực): Thúc đẩy rất nhanh, rất mạnh sự phát triển và xã hội hoá của lực lượng sản xuất, đưa lại sự tăng trưởng cao, góp phần chuyển biến cơ cấu kinh tế…

+ Thách thức (mặt tiêu cực): làm trầm trọng thêm sự bất công trong xã hội, làm cho mọi hoạt động và đời sống con người kém an toàn hơn, nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc và xâm phạm nền độc lập tự chủ của các quốc gia…

Tuy câu hỏi này không yêu cầu nhưng các thí sinh phải liên hệ đối với Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước dưới tác động của xu thế toàn cầu hoá.

Câu 4b: Theo chương trình nâng cao (Nêu những sự kiện chính trong mười năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai để làm rõ quá trình xác lập cục diện 2 cực, 2 phe - tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cục diện đó là gì?

Các thí sinh phải xác định được trong khoảng 10 năm sau Chiến tranh thế giới thứ 2 là 1945-1955 có những sự kiện chính dẫn đến xác lập cục diện 2 cực, 2 phe:

  • Ngày 12/3/1947: “Học thuyết Truman” ra đời gắn liền với việc Mỹ phát động Chiến tranh lạnh…
  • Tháng 6/1947: “Kế hoạch Macsan”…
  • Tháng 4/1949: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) thành lập…
  • Tháng 1/1949: Hội đồng tương trợ kinh tế thành lập (SEV)…
  • Tháng 5/1955: Tổ chức Hiệp ước Vacsava ra đời…

Từ đó khẳng định: sự ra đời của NATO và Tổ chức Hiệp ước Vacsava đánh dấu sự xác lập của cục diện 2 cực (Liên Xô và Mỹ) và 2 phe (Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa). Chiến tranh lạnh bao trùm cả thế giới.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến cục diện đó: sự đối lập về mục tiêu và chiên lược giữa 2 siêu cường Xô - Mỹ và thực lực của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 (kinh tế, tài chính, khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là nắm độc quyền về vũ khí nguyên tử).

Như vậy, đề thi tuyển sinh vào đại học môn Lịch Sử năm 2013 là rõ ràng, an toàn, đề không khó,kiến thức cơ bản, không hỏi kiến thức mang tính vụn vặt, đánh đố học sinh. Nếu biết cách học và ôn tập tốt, không "học tủ", bám vào những kiến thức cơ bản đều có thể làm được bài.

Trần Trung Hiếu
GV Sử - Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, Nghệ An