Đắk Lắk:

Gần 30 học viên lớp báo chí mòn mỏi chờ cấp bằng

Thúy Diễm

(Dân trí) - Gần 3 năm sau ngày hoàn thành khóa học, gần 30 học viên lớp báo chí do Trường Cao đẳng Bách Khoa Tây Nguyên liên kết với Trường Đại học Vinh đào tạo vẫn chưa được cấp bằng.

Trường lần lữa hẹn ngày cấp bằng

Trường Cao đẳng (CĐ) Bách khoa Tây Nguyên (Đắk Lắk) liên kết với Trường Đại học (ĐH) Vinh (Nghệ An) mở lớp Báo chí, đào tạo cao đẳng liên thông lên đại học hệ vừa học vừa làm vào năm 2018.

Lớp báo chí K59 có gần 30 học viên theo học lớp trên, đa phần là các phóng viên, nhân viên công tác tại các đài truyền hình các huyện tại Đắk Lắk và một số đài truyền hình trung ương thường trú tỉnh Đắk Lắk. 

Địa điểm học tại Trường CĐ Bách Khoa Tây Nguyên (phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột).

Tháng 1/2021, các học viên được Trường Đại học Vinh thông báo kế hoạch thi các học phần cuối khóa của khóa học.

Sau khi tham dự kỳ thi, hoàn tất học phí, các học viên có kết quả thi và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học trong thời gian chờ nhà trường cấp bằng.

Tuy nhiên, chờ đợi mãi không thấy trường cấp bằng đại học, các học viên đã đến Trường CĐ Bách Khoa Tây Nguyên để hỏi lý do. Trường này hứa sẽ trao đổi với Trường ĐH Vinh để sớm cấp bằng. Thế nhưng, gần 3 năm sau, lời hứa ấy vẫn chưa được thực hiện, học viên không rõ lý do.

Gần 30 học viên lớp báo chí mòn mỏi chờ cấp bằng - 1

Sau khi hoàn thành lớp báo chí tại Trường CĐ Bách Khoa Tây Nguyên liên kết với Trường ĐH Vinh, gần 30 học viên vẫn chưa được cấp bằng (Ảnh: Thúy Diễm).

Một nữ phóng viên công tác tại đài truyền hình huyện ở Đắk Lắk bức xúc cho biết, bản thân chị cùng nhiều đồng nghiệp đi học liên thông để có được tấm bằng nhằm ổn định công tác, có cơ hội thăng tiến trong công việc, nâng ngạch lương nhưng việc chậm trễ đã gây ảnh hưởng cho các học viên.

"Chúng tôi mỏi mòn chờ đợi, trường hứa cấp bằng hết đợt này đến đợt khác nhưng không thực hiện. Không được cấp bằng, nhiều người trong chúng tôi bị lỡ cơ hội thăng tiến trong công việc.

Chưa kể đài truyền hình cấp huyện tương lai gần sẽ sáp nhập với Phòng văn hóa thông tin, nhiều vị trí bị tinh giản biên chế, mất cơ hội việc làm", nữ phóng viên lên tiếng.

Gần 30 học viên lớp báo chí mòn mỏi chờ cấp bằng - 2

Thông báo của Trường ĐH Vinh kế hoạch thi các học phần cuối khóa của lớp báo chí K59 tại Đắk Lắk và khi hoàn thành khóa học gần 2 năm nay các học viên vẫn chưa được cấp bằng (Ảnh: Học viên cung cấp).

Cũng theo nữ phóng viên, tất cả các học viên đều mong muốn cả 2 trường là CĐ Bách Khoa Tây Nguyên và ĐH Vinh nói rõ lý do vì sao chậm cấp bằng đến vậy, có vướng mắc ở đâu và phải cam kết rõ thời gian cấp bằng.

Thậm chí, lo lắng bị mất cơ hội việc làm, một số học viên trong lớp Báo chí K59 đã xin theo học liên thông tại một trường đại học khác để không bị tinh giản.

"Tôi thấy làm lạ rằng khi chúng tôi liên hệ với Trường CĐ Bách Khoa Tây Nguyên thì lãnh đạo trường nói trường chỉ chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất. Còn Trường ĐH Vinh ở Nghệ An, chúng tôi cũng nhiều lần liên hệ qua điện thoại nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, chỉ toàn lời hứa", một nữ phóng viên thẳng thắn nói.

Trường từ chối trả lời việc chậm cấp bằng

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thái Bình - Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Khoa Tây Nguyên - xác nhận, nhà trường liên kết với Trường ĐH Vinh mở lớp liên thông báo chí và có việc lớp báo chí K59 chậm trễ được cấp bằng.

Ông Bình cho biết thêm, nhà trường đã có nhiều lần làm việc với Trường ĐH Vinh về nội dung cấp bằng cho học viên. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi lý do vì sao chậm trễ hơn 3 năm chưa cấp bằng, vị hiệu trưởng từ chối cung cấp và đề nghị liên hệ với Trường ĐH Vinh để nắm thêm.

"Trường chúng tôi phối hợp về cơ sở vật chất, còn mảng đào tạo là của ĐH Vinh. Trường ĐH Vinh đang rà soát thực hiện việc cấp bằng cho học viên sớm nhất có thể. Quan điểm của Trường ĐH Bách Khoa Tây Nguyên đứng về phía học viên", ông Bình nói.

Trong khi đó, một vị đại diện Trường ĐH Vinh đáp rằng, trường này đang rà soát và sẽ cấp bằng cho học viên tại Đắk Lắk vào tháng 12 tới.

Cũng với câu hỏi vì sao gần 3 năm các học viên chưa được cấp bằng, vị đại diện nhà trường cung cấp số điện thoại lãnh đạo trường để phóng viên liên hệ.

Tuy nhiên, khi gọi điện thoại vị lãnh đạo Trường ĐH Vinh báo đang bận họp, sẽ nhận cuộc gọi sau và sau đó các cuộc gọi kế tiếp vị này đều từ chối nghe máy.