Hà Nội: Đề thi khảo sát lớp 12 môn tổ hợp “an toàn”

(Dân trí) - Sáng nay, học sinh lớp 12 của Hà Nội làm bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) trong kỳ thi khảo sát THPT Quốc gia 2017. Nhiều thí sinh đánh giá bài thi khá vừa sức.

Khoanh bừa hơn… bỏ sót

Sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp trong sáng 21/3, nhiều thí sinh cho rằng đề thi thử khá vừa sức. Thí sinh Lê Hải Phong (lớp 12 Hóa, THPT Chu Văn An) đánh giá: “Em nghĩ là đề khá vừa sức, cũng không có câu nào khó quá. Em làm chắc được 8 hay 9 với Lý, Hóa.”

Cùng quan điểm với Lê Hải Phong, em Bùi Minh Hằng (lớp 12 Lý, THPT Chu Văn An) chia sẻ: “Em nghĩ đề Vật Lý khá dễ, 30 câu đầu em làm khá nhanh. Đề Hóa em thấy cũng khá dễ. Em nghĩ là môn Vật Lý, Hóa học, em được khoảng 7 - 8 điểm.”

Tuy nhiên cũng có khá nhiều thí sinh cho rằng đề khảo sát môn Vật Lý năm nay khó hơn so với đề thi THPT Quốc gia năm ngoái. “Em thấy đề Lý khó hơn đề của năm trước. Đề Hóa em thấy hơi khó. Với môn Hóa em làm được khoảng 80%, Lý khoảng 50%.”

Các thí sinh thi khối B đánh giá đề thi khá vừa sức, một số học sinh lớp 12 sau khi thi khảo sát xong đã chia sẻ: “Em thấy với thi khối B thì khá vừa sức. Tuy nhiên em thấy đề Sinh có nhiều câu tính toán khá khó, phải hiểu rõ bản chất mới làm được.”

Trong buổi thi sáng nay, Sở GD-ĐT Hà Nội phát hiện đề thi môn Hóa có sai sót và báo cho các hội đồng thi kịp thời xử lý. Tuy nhiên, phần lớn các thí sinh đều khoanh bừa câu sai hơn là bỏ sót.

“Hôm nay, em thấy thầy cô có nhắc đề Hóa bị sai và sửa đáp án. Em khoanh theo hướng dẫn của đáp án sửa”, một thí sinh ở quận Ba Đình cho biết.

Em Nguyễn Trí Đức, thí sinh Hội đồng thi THPT Chu Văn An cho hay, đề Hóa học em làm chưa kịp thời gian nên… khoanh bừa.”

Đề thi khảo sát lớp 12 môn Sinh học
Đề thi khảo sát lớp 12 môn Sinh học

Đề Hóa: Một câu không có trong chương trình

Nhận xét về đề thi khảo sát môn Hóa học sáng nay, thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia luyện thi Hóa học ở Hà Nội cho biết, đề thi năm nay “an toàn”. Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, câu 76 mã đề 19 không có trong chương trình. Cụ thể, kiến thức về phản ứng tạo phức với FeCl3 của anilin không có trong chương trình phổ thông.

Về cấu trúc: Theo thầy Ngọc, đề thi bám sát cấu trúc Đề thi THPTQG của Bộ GD-ĐT đã được phản ánh qua Đề minh họa và Đề thử nghiệm. Tuy nhiên, mức độ phân hóa trong đề không rõ, các câu hỏi và bài tập ở mức độ vận dụng, đặc biệt là vận dụng cao còn thiếu và chưa đặc sắc. Do đó, những học sinh giỏi thực sự (năng lực ở mức 9-10 điểm) không có nhiều đất diễn để thể hiện mình.

Về nội dung: Nội dung đề thi bám sát chương trình Hóa học lớp 12, các kiến thức chỉ nằm trong SGK, đúng như hướng dẫn của Bộ.

Điểm mới/sáng: Trong đề thi có một câu hỏi bài tập về Chủ đề Polime, đây là điểm mới nếu so với Đề minh họa và Đề thử nghiệm của Bộ (chỉ có câu hỏi lý thuyết chứ không có bài tập về phần này). Đây là điểm mà các bạn thí sinh cần lưu ý trong quá trình ôn tập để không bị bỏ sót.

Nhận xét chung: Đề thi được xây dựng theo hướng "an toàn", không có nhiều điểm nổi bật hay đặc sắc, tính phân loại không cao và chưa thể coi là thước đo về mức độ khó - dễ so với Đề thi THPTQG. Các thầy cô giáo cần giải thích, phân tích cặn kẽ hơn cho học sinh để tránh tâm lý chủ quan trong thời gian ôn thi còn lại. Các bạn học sinh nên lưu ý những điểm mới trong đề để bổ sung cho mình trong quá trình ôn tập. Tuy nhiên, điều này có phần phù hợp với lần tổ chức đầu tiên và "mang tính địa phương". Hơn nữa, đây mới là tháng 3, tức là còn 3 tháng nữa mới tới kỳ thi THPQG và theo lý thuyết thì học sinh vẫn chưa thực sự hoàn tất chương trình ôn thi, chưa đạt tới "điểm rơi" về năng lực.

Do đó theo quan điểm cá nhân của thầy Ngọc, Sở GD-ĐT Hà Nội muốn đạt được mục tiêu về công tác tổ chức thi hơn là các vấn đề liên quan tới nội dung đề thi hay phân hóa thí sinh (các trường Đại học sẽ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này). Rất có thể trong các lần thi thử tiếp theo, Hà Nội sẽ nâng cao mức độ phân hóa trong đề thi hơn.

Mỹ Hà- Huyền Vũ