Cuộc gặp đẫm nước mắt ngay trong giờ Văn

(Dân trí) - Cô Hường kể về cuộc đời và mối tình cay đắng của mình, về hai đứa con không cha, về nỗi đau khi phải gửi con cho ông bà ngoại để vào TPHCM lập nghiệp. Và cô òa khóc trước món quà mọi người mang đến cho mình mà cả trong mơ cô cũng chưa từng nghĩ...

Chuyện tình cay đắng

Cô Nguyễn Thị Hường, 34 tuổi là nhân vật trong dự án Văn học "Chuyện đời quanh em" của nhóm Mứt Cam, gồm 10 học sinh của lớp 9/3, Trường THCS Văn Lang, TPHCM.

Cô được các bạn mời đến xuất hiện với vai trò là nhân vật sống trong Talk Show của chuyên đề tổ Văn của quận 1 diễn ra tại trường vào ngày 22/3. Một nhân vật có chuyện đời, chuyện tình đầy trắc trở với những góc khuất mà cô từng nghĩ sẽ không bao giờ tiết lộ với mọi người. Cho đến khi bị các bạn học trò xa lạ thuyết phục...


Cô Nguyễn Thị Hường - nhân vật trong dự án học Văn của học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM kể về chuyện đời mình trong tiết Văn sinh hoạt chuyên đề

Cô Nguyễn Thị Hường - nhân vật trong dự án học Văn của học trò Trường THCS Văn Lang, TPHCM kể về chuyện đời mình trong tiết Văn sinh hoạt chuyên đề

Cô Hường sinh ra ở Nghệ An. Sau trận sốt lúc 9 tháng tuổi, cánh tay phải của cô bị liệt hoàn toàn, không cử động được. Với một cánh tay, cô gái nhỏ lúc đó vẫn không từ bỏ ước mơ nghề giáo. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Vinh, xin việc ở đâu cũng bị từ chối vì khiếm khuyết cơ thể, cô đành xa quê khi một trường THPT ở Quảng Ninh đón nhận.

Cuộc đời cô cũng bắt đầu rẽ ngang, sóng gió từ đây khi cô gặp người ấy - là một thầy giáo dạy cùng trường. Hai người quen nhau, nảy sinh tình cảm và tình yêu đến như bao mối tình nam nữ trên thế gian này. “Người ấy” mà trong suốt buổi chia sẻ, cô Hường gọi là thầy.

"Lần đầu thầy đưa tôi về ra mắt, gia đình phản đối kịch liệt khi nhìn thấy tôi. Mẹ anh khóc nói, thầy là con trai một, không thể nào lấy một người khuyết tật. Hiểu lòng bà, tôi nói với thầy lời chia tay, thầy gạt đi nói mọi việc để thầy tự giải quyết. Đến lần thứ hai thầy đưa tôi về quê, mẹ thầy đã đuổi thẳng, không cho tôi vào nhà", cô Hường cười gượng khi kể lại quá khứ.

Đó là vào năm 2009, mối tình của hai người rơi vào bế tắc. Đến tận năm 2012, cả hai suy nghĩ và quyết định chọn cách... sự đã rồi, xác định sẽ sinh con với nhau nuôi hy vọng gia đình thầy không còn ngăn cấm. Thầy là người cô yêu thương đầu tiên trong đời, dù biết đó là chuyện tày đình nhưng cô không lăn tăn quá nhiều. Và cô có bầu...

Con gái cô Hường bí mật được đón từ Nghệ An vào xuất hiện dưới hội trường...
Con gái cô Hường "bí mật" được đón từ Nghệ An vào xuất hiện dưới hội trường...

Trước ngày cô sinh khoảng 10 ngày thì ở quê báo tin, mẹ thầy bị bệnh nặng. Thầy rối bời, cô động viên thầy về quê thăm mẹ. Cô không hề biết rằng đó là lần ly biệt của hai người. Đến ngày vào viện mổ, cô gọi điện, nhắn tin cho thầy nhưng không có lấy một phản hồi. Cô sinh đôi hai cô con gái, nhìn con nằm đỏ hỏn chỉ có bà ngoại bên cạnh mà ứa nước mắt.

"Tôi nhận được tin nhắn duy nhất từ thầy - bố của hai con gửi đến lời xin lỗi với lý do: Không có thầy mẹ con em vẫn có thể sống tiếp nhưng nếu thầy lấy cô, mẹ thầy sẽ chọn cái chết ngay lập tức. 4 tháng sau, tôi nghe tin thầy cưới vợ", cô Hường đưa tay quệt nước mắt.

Phía dưới, giáo viên và học sinh dự chương trình ai cũng nghẹn ngào chảy nước mắt, khăn giấy liên tục được truyền tay nhau.

Một người phụ nữ không chồng chăm một đứa con đã khó, một phụ nữ khuyết tật như cô lại nuôi hai con. Ở xa không người thân, cô nghỉ việc, ôm con về quê sống, chứng kiến tận cùng nỗi đau của bố mẹ. Bố cô sa vào rượu chè, nhiều lần đòi ra... đốt nhà thầy, cô phải làm căng để ngăn cản ông. Từ khi biết thầy đã có lựa chọn của mình, cô chưa một lần có ý nghĩ làm phiền thầy hay gây khó dễ cho thầy. Ai hỏi về cha của hai đứa bé, cô chỉ nói họ ly hôn...

Khi hai con được 6 tháng, cô Hường đành gửi con cho ông bà ngoại, vào Sài Gòn lập nghiệp, xa quê trong nỗi nhớ con quằn quại. Cô nhận bằng thạc sĩ năm 2014, đến nay cô đang dạy hợp đồng cho một trường học ở quận 10 và đi gia sư để kiếm sống.

Vỡ ào niềm vui gặp gỡ trong nước mắt

Hai học sinh dẫn chương trình hỏi về ước mơ của cô, cô Hường cười, kể mong ước mộc mạc của mình là bố mẹ khỏe mạnh, cô có một việc làm ổn định để sau này có thể đón hai con vào. Em học sinh nữ đứng dậy, xin phép đưa tay bịt mắt cô...

Cuộc gặp đẫm nước mắt ngay trong giờ Văn - 3

Khoảng 1 phút sau, cô Hường mở mắt ra. Cô ớ lên đầy sửng sốt... không tin vào mắt mình. Mẹ cô và hai cô con gái Bồng và Bưởi đi từ dưới hội trường lên. Cô Hường run rẩy bước xuống, gọi “Mẹ ơi! Các con ơi” rồi đưa cánh tay duy nhất của mình ôm lấy hai đứa vào lòng. Gia đình bốn người cùng khóc, cả hội trường cùng khóc...

Có lẽ cô, mẹ cô và hai bé và cả những người trong hội trường đều vẫn chưa dám tin giây phút này là có thật!

Chương trình như là một kịch bản phim nhưng cảm xúc của họ lúc này không diễn viên tài ba nào có thể lột tả được. Cô Hường không hề biết trước cuộc hội ngộ này. Cô ôm con, không nói nổi thành lời vì quá bất ngờ, quá cảm động.

Cả gia đình vỡ òa trong cuộc gặp bất ngờ
Cả gia đình vỡ òa trong cuộc gặp bất ngờ

Cách đây hơn hai tháng, nhóm học sinh lớp 9/3 ở trường THCS Văn Lang không quen bết đến tìm cô bày tỏ mong muốn thực hiện cho dự án học Văn ở trường bằng chính cuộc đời của cô. Các bạn bắt xe buýt tìm đến tận phòng trọ cô ở Tân Bình để tìm hiểu nhưng ban đầu cô Hường từ chối. Các bạn đến lần thứ hai, sự chân thành, dễ thương, hồn nhiên của những đứa trẻ đã làm cô mủi lòng nói về câu chuyện của mình để các em thực hiện dự án.

Em Đỗ Ngọc Anh, một thành viên trong nhóm chia sẻ, các bạn tiếp cận với nhân vật là cô Hường và từng bước phỏng vấn, trò chuyện, quan sát để hoàn thành các sản phẩm như phóng sự ảnh, clip, truyện ngắn, nhật ký...

Sau khi nộp sản phẩm thì thầy Hoàng Long Trọng, người phụ trách dự án học Văn “Chuyện đời quanh em” tại Trường THCS Văn Lang đã đề xuất mời cô Hường đến xuất hiện tại chuyên đề của quận để kể lại câu chuyện.

Ba mẹ con cô Hường cùng một số bạn học sinh trong nhóm thực hiện dự án về cuộc đời của cô
Ba mẹ con cô Hường cùng một số bạn học sinh trong nhóm thực hiện dự án về cuộc đời của cô

Một mặt, thầy âm thầm tìm số điện thoại liên lạc cho mẹ cô Hường và trao đổi một kế hoạch “bí mật”. Đồng thời, thầy gọi điện cho hãng hàng không Jetstar kể lại câu chuyện của cô Hường, câu chuyện làm họ xúc động nhận tài trợ vé cho ba bà cháu vào thăm mẹ, thăm con. Thầy cùng đám học trò ra sân bay đón ba bà cháu vào trước một hôm, thuê một nhà nghỉ gần trường... Cô Hường nào hề hay biết.

Các em học trò cũng vờ òa đầy cảm xúc khi nhân vật có thực mà các em có thời gian tìm hiểu, khai thác, gắn bó... đang đón nhận những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Nói như bà Phùng Thị Ngọc Mai, Tổ trưởng bộ môn Văn quận 1, đến lúc này việc các em học thế nào, viết ra làm sao đã không còn quan trọng so với cảm xúc, cảm nhận về cuộc sống, về con người, về lòng nhân trong mỗi học trò.

Trường THCS Văn Lang sẵn sàng nhận cô Hường vào dạy

Ngay trong giây phút gặp gỡ của mẹ con cô Hường, thầy trò Trường THCS Văn Lang cũng gửi tặng mẹ con cô những món quà, những khoản tiền nhỏ.

Ôm mẹ con cô Hường, bà Vũ Thị Phương Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho hay trường sẵn sàng tiếp nhận cô Hường vào giảng dạy ở trường dù hiện tại nhà trường không thiếu giáo viên Toán.

“Tôi tin rằng câu chuyện về nghị lực của cô Hường mang đến nhiều cảm xúc, tình cảm cho học trò và nếu cô nhận lời về trường dạy, học sinh rất yêu mến cô”, bà Chi nói.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục