Bí thư Đinh La Thăng: "Phải bỏ ngay cơ chế tuyển sinh phải có hộ khẩu”

(Dân trí) - Làm việc với trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch vào chiều nay (22/2), Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng nhà trường đổi mới cơ chế quản lý, phân quyền phân cấp một cách triệt để, tự chủ toàn diện. Đặc biệt, trường phải bỏ ngay tiêu chuẩn tuyển sinh chỉ lấy hộ khẩu thành phố.

Lương thấp, giảng viên bỏ đi

Tại buổi làm việc, PGS.TS Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết cơ sở vật chất của trường còn chật hẹp; đội ngũ giảng viên trẻ nên còn thiếu kinh nghiệm. Trường thiếu nguồn giảng viên tiến sĩ và sau tiến sĩ, tỷ lệ này hiện chỉ chiếm khoảng 18% so với tổng số giảng viên của trường. So với sự phát triển về quy mô và nhu cầu đào tạo, cần phải số giảng viên tiến sĩ và sau tiến sĩ phải đạt từ 30-35%. Trường đang xin mã ngành đào tạo tiến sĩ nhưng cũng đang gửi giảng viên đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài.


Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tham quan phòng học mô hình của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tham quan phòng học mô hình của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Chỉ tiêu đào tạo mỗi năm càng tăng lên, tỷ lệ sinh viên trên 1 giảng viên hiện còn khá cao, đây cũng là khó khăn của trường, nếu căn cứ theo tỷ lệ 15 sinh viên/giảng viên thì trường còn thiếu nhiều. Do đó, trường đang xin chỉ tiêu từ Sở Nội vụ để tăng thêm đội ngũ giảng viên phục vụ việc phát triển của nhà trường.

Vê tài chính, ông Xuân cho biết trường mới tự chủ một phần, năm ngoái nguồn kinh phí hoạt động của trường là 195 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 72,5 tỷ, còn lại là nguồn thu sự nghiệp. Lương bình quân cơ bản của cán bộ, giảng viên còn thấp chỉ 3,7 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập trung bình chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng (năm ngoái 8 triệu đồng ) vẫn còn thấp so với mặt bằng chung. Chế độ đãi ngộ vẫn chưa bằng các trường tư hay bệnh viện nên một số nhân sự chuyên môn tốt chạy sang chỗ khác.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó hiệu trưởng trường thì chia sẻ muốn có bác sĩ giỏi thì phải có thầy thiệt giỏi cả về chuyên môn lẫn lâm sàng, muốn vậy phải có thu nhập tốt để thu hút. Đối với đào tạo ngành y, bệnh viên mô phỏng thực hành lâm sàng là cực quan trọng, không chỉ được thực hành chuyên môn mà còn là thực hành y đức. Quy mô đầu tư cho bệnh viện thuộc trường học phải có đầu tư gấp 1,5 lần so với bệnh viện thông thường vì vừa có chức năng khám chữa bệnh vừa có chức năng đào tạo, phải có giảng đường và đầy đủ trang thiết bị để giảng dạy bên cạnh chữa trị bệnh. Hiện nay, Việt Nam chưa có bệnh viện trường học nào đạt chuẩn.

Theo ông Hiệp, nghiên cứu khoa học cũng góp phần nâng cao chất lượng trong việc đào tạo đội ngũ y tế và sự đổi mới trong khám chữa bệnh. Chúng ta không thể áp dụng mãi các nghiên cứu y khoa của nước ngoài, muốn đem về áp dụng phải nghiên cứu lại xem có phù hợp với thể trạng người Việt hay không. Vì vậy, trường đại học đào tạo y khoa cần phải có viện nghiên cứu tập trung. Cần xem xét đầu tư bởi đầu tiên viện nghiên cứu khoa học cho y khoa là sự đầu tư dài hạn và lâu dài, sản phẩm của nghiên cứu đưa vào ứng dụng cần một thời gian dài.

Trước những kiến nghị, đề xuất của trường cũng như từ phía các sở ngành, địa phương, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: Khó khăn của trường là phải thu học phí theo quy định nên nguồn trích lại chi cho đội ngũ thấp nên vừa có một số người “chia tay” trường. UBND động viên trường mạnh dạn tự chủ toàn phần, xã hội hoá trong một số đầu tư, tăng thu nhập cho đội ngũ… thành phố quan tâm từng bước tháo gỡ những khó khăn của trường.


Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tham quan phòng học mô hình của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tham quan phòng học mô hình của trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch TPHCM cũng đặt hàng nhà trường cần chú trọng đào tạo y đức cho đội ngũ y bác sĩ lên hàng đầu. “Thực tế có nhiều y bác sĩ trong giờ làm thì vội vội vàng vàng rồi chạy về làm ngoài giờ, vẽ bệnh… Vì vậy, tôi muốn trường phải ưu tiên hàng đầu việc giáo dục y đức cho sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để thẩm thấu dần. Ngoài ra, tôi muốn trường cần có sự so sánh chất lượng đào tạo của trường với các trường y khác để có động lực và mục tiêu phấn đấu cụ thể, không được chủ quan. TP quan tâm đầu tư tốt thì không có lý do gì để trường tụt hậu so với các trường y hàng đầu…”, bà Thu nhấn mạnh.

Hội nhập rồi phải bỏ ngay tiêu chí hộ khẩu

Ông Đinh La Thăng chia sẻ những khó khăn của nhà trường khi quy mô phát triển rất nhanh nhưng số lượng gảng viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trường phải mời nhiều giảng viên bên ngoài. Đội ngũ tiến sĩ còn thiếu 12%, điều đó cũng phần nào ảnh hưởng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hội nhập. Mặt bằng trường quá chật hẹp, từ khi mới hình thành tới nay chỉ có mấy toà nhà chủ yếu là giảng đường, sinh viên, giảng viên không có chỗ vui chơi, sinh hoạt ngoại khoá cũng là một vấn đề. Thu nhập của cán bộ giảng viên trường quá thấp.

​Bí thư Thăng cho rằng trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch phải bỏ ngay tiêu chuẩn tuyển sinh chỉ lấy hộ khẩu thành phố.
​Bí thư Thăng cho rằng trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch phải bỏ ngay tiêu chuẩn tuyển sinh chỉ lấy hộ khẩu thành phố.

“Tôi từng gặp trường hợp hai sinh viên học nông lâm bình thường ra trường được thuê trồng dưa lưới mà đã được trả 10 triệu đồng/tháng trong khi người giỏi ở lại trường mà lương chỉ 3 triệu thì quá bất cập. Tôi hết sức chia sẻ điều này”.

Dịp này, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị trường quán triệt sâu hơn Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo và hội nhập quốc tế và Nghị quyết 12 của Đảng bộ thành phố. Nhà trường phải tập trung đổi mới giảng dạy theo hướng hiện đại, đáp ứng chuẩn khu vực và quốc tế. Nếu cả nước chưa có chuẩn quốc tế về đào tạo y thì trường mình nên thí điểm để tạo sự khác biệt, vượt trội so với các trường khác. Trong giảng dạy phải phát huy năng lực sáng tạo của người học, coi trọng thực hành, thực tiễn. Bên cạnh đó, tôi rất ấn tượng và ủng hộ trường đào tạo kỹ năng giao tiếp bởi đối với nghề y gặp người bệnh đang ốm đau thì “lời chào cao hơn mâm cỗ”, phải động viên chăm sóc họ tốt. Trường phải giáo dục lí tưởng y đức của thế hệ đi trước, giáo dục sinh viên có niềm tự hào được học trong môi trường mang tên người thầy thuốc Phạm Ngọc Thạch. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng năng lực cạnh tranh đóng góp cho sự phát triển của thành phố và ra cả thế giới. Hội nhập quốc tế thì ta phải xây dựng thương hiệu ĐH gắng với các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, sinh viên ra trường có nhiều nơi tiếp nhận chứ không chỉ riêng làm cho thành phố. Muốn được điều đó trường phải tập trung xây dựng đội ngũ giảng dạy giỏi cùng với điều đó phải xây dựng cơ sở vất chất phải hiện đại “trường phải ra trường, lớp ra lớp, thiết bị phải hiện đại, đi thẳng với công nghệ”.

Ông Thăng cho rằng một vấn đề quan trọng là trường phải đổi mới cơ chế quản lý, phân quyền phân cấp một cách triệt để tự chủ cho trường một cách toàn diện. “Phải bỏ ngay tiêu chuẩn tuyển sinh lấy hộ khẩu thành phố, mình chọn người giỏi ở cả nước thì chất lượng sinh viên mới tốt lên. Nếu có hộ khẩu thành phố mà học yếu thì có thể theo học những ngành nghề khác chứ không thể vừa học kém mà vẫn được ưu tiên tiền. Quyết định trước đây phù hợp với điều kiện lịch sử trước đó nhưng nay đã hội nhập rồi thì bỏ ngay tiêu chí hộ khẩu. Trường phải lựa chọn đầu vào cao lên”, ông Thăng nhấn mạnh.

Ông Thăng cũng nhắn nhủ rằng: “Không bao cấp tràn lan tất cả đối tượng, phân ra đối tượng nào nghèo thì được học bổng còn lại những đối tượng khác vẫn phải nộp tiền, thế mới tự chủ được. Không thể nào nhà giàu cũng như nhà nghèo được, chúng ta chỉ bao cấp đối với gia đình chính sách, gia đình có công… phải có tiêu chí hẳn hoi, đối tượng khác phải theo cơ chế giá thị trường. Ban giám hiệu nhà trường phải có đề xuất gửi lên thường trực UBND thành phố quyết định".

Lê Phương