Khách Trung Quốc đến Việt Nam: Mua sắm cả tỷ đồng nhưng "khó chiều"?

Diệp Bình

(Dân trí) - Nhận được tin nhắn đoàn bỏ 4/10 món ăn, Hoài Lộc (SN 1995) lập tức liên hệ gần chục nhà hàng khác để thay đổi bữa ăn kế tiếp cho khách.

Đoàn khách Trung Quốc chi cả tỷ đồng mua sắm ở Việt Nam

"Họ rất quan trọng bữa ăn trong chuyến du lịch. Chỉ cần một món ăn không hợp khẩu vị, họ sẽ lập tức phản ánh với hướng dẫn viên. Và nếu không thay đổi, bạn sẽ mất khách trong những lần sau", Lộc nói.

Lộc (28 tuổi) hiện làm điều hành tour cho một đơn vị lữ hành thuộc quận 1, TPHCM. Tệp khách hàng chính của công ty anh là khách Trung Quốc. Sau 2 năm "đóng băng" vì dịch Covid-19, đơn vị đã phục hồi kinh doanh với sự trở lại của lượng khách hàng "khổng lồ" này.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm ước đạt gần 4,6 triệu lượt, gấp 30 lần so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 5 đạt 146.755 lượt và trở thành thị trường khách tăng trưởng mạnh nhất.

Khách Trung Quốc đến Việt Nam: Mua sắm cả tỷ đồng nhưng khó chiều? - 1

Khách Trung Quốc được đánh giá là kỹ tính (Ảnh minh họa: Reuters).

Theo đánh giá của Lộc, khách Trung Quốc có xu hướng du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám phá. Số lượng đoàn đông thường dao động từ 20-30 khách, đến bằng các chuyến bay charter (thuê bao toàn chuyến). Trong tháng 6/2023, anh đã nhận hơn 10 đoàn.

Anh Lộc cho biết, khách Trung Quốc có thói quen chi tiêu khá thoải mái. Họ sẵn sàng ở khách sạn từ 4-5 sao, giá 9-10 triệu đồng/đêm, kết hợp tham quan một vài cảnh điểm. Đặc biệt, tệp khách hàng này khá "mạnh tay" mua sắm.

"Thời điểm trước dịch Covid-19, tôi từng đón đoàn đến mua ngọc trai tại đảo Phú Quốc. Tổng giá trị sản phẩm cả đoàn mua lên đến gần 1 tỷ đồng, tức mỗi người đã bỏ ra vài trăm triệu đồng cho sản phẩm yêu thích", anh Lộc cho biết.

Đồng thời, khách Trung Quốc cũng rất chú trọng việc ăn uống trong hành trình. Mỗi bữa ăn gồm từ 8-10 món, trong đó có một món canh. Bữa ăn thường được chuẩn bị với yêu cầu họ vừa được trải nghiệm ẩm thực địa phương, vừa phải phù hợp với khẩu vị.

Khách Trung Quốc đến Việt Nam: Mua sắm cả tỷ đồng nhưng khó chiều? - 2

Khách Trung Quốc là thị trường tiềm năng (Ảnh minh họa: China Daily).

Tiềm năng lớn

Theo đánh giá của Lộc, thị trường Trung Quốc mang đến tiềm năng lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt với các nước cùng khu vực như Thái Lan, Malaysia…

Anh Ngọc Thạch, hiện là hướng dẫn viên chuyên tour khách Trung Quốc nhận định, lượng khách hiện tại đang tăng trưởng đáng kể. Giai đoạn tháng 1 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 được xem là thời điểm có nhiều khách Trung Quốc đến Việt Nam vì trùng với các kỳ nghỉ lễ lớn của họ.

"Khách hàng Trung Quốc thường yêu cầu mức độ tiện nghi và chất lượng dịch vụ cao, phục vụ chu đáo. Đồng thời, sự an toàn là một yếu tố quan trọng với họ. Khách thường mong muốn được đảm bảo an toàn và có các biện pháp bảo đảm trong trường hợp khẩn cấp", Thạch nói.

Thông thường, họ sẽ dành thời gian lưu trú từ 4-7 ngày, tham quan các tuyến điểm phổ biến tại Hà Nội, Hội An, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng…

Với kinh nghiệm đồng hành với nhiều đoàn, anh cho biết khách hàng Trung Quốc có thói quen mua sắm và chi tiêu "sộp" hơn so với các khách hàng khác. Họ thường mạnh tay tip (cho thêm tiền) khi dịch vụ tốt và đánh giá cao. Song, khách vẫn có sự kĩ tính trong việc lựa chọn sản phẩm.

Anh chia sẻ: "Họ đặc biệt thích yến sào Nha Trang. Có lần, một số khách của mình mua đến chợ đêm và mua rất nhiều yến. Tuy nhiên, khi họ về khách sạn mở ra xem thì phát hiện một số hộp chưa ưng ý. Ngay lập tức, họ đã phàn nàn, yêu cầu mình giúp đỡ giải quyết với cửa hàng để được hoàn tiền toàn bộ".

Theo anh, khách hàng Trung Quốc không phải là một nhóm đồng nhất và có thể có sự khác biệt trong thói quen tiêu dùng và thị hiếu giữa các tầng lớp và khu vực khác nhau. Vì vậy, để tận dụng đầy đủ tiềm năng của khách hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp và tổ chức du lịch cần phải nghiên cứu và hiểu rõ hơn về thị trường và nhu cầu của khách.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch và Xã hội nhận định, hiện có làn sóng khách Trung Quốc du lịch Việt Nam, số lượng dự kiến tăng cho đến cuối 2023.

Các chuyến bay từ các tỉnh của Trung Quốc được mở rộng đem lại nguồn khách dồi dào chưa từng có. Cũng theo chuyên gia, vị trí thuận lợi, chính sách thị thực thông thoáng, giá cả tốt là những điều kiện thuận lợi mà du lịch Việt Nam dành cho thị trường Trung Quốc.

"Họ sử dụng dịch vụ tương tự khách Việt Nam, chi tiền rất nhiều, nhu cầu mua sắm lớn, chỉ cần có sản phẩm tốt họ sẽ "mạnh tay" rút hầu bao. Những mặt hàng khách Trung Quốc rất thích là nệm cao su, trầm hương, đặc sản... Đây là tệp khách tiềm năng nắm vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch Việt Nam", ông cho biết.