Hứa hẹn thú vị của bản đồ ẩm thực Việt Nam

Diện mạo của Bản đồ ẩm thực Việt Nam đã dần lộ diện, phác họa một nền ẩm thực phong phú trên khắp ba miền đất nước.

Qua 9 chặng thi từ Đồng bằng sông Cửu Long (tại Kiên Giang và Cần Thơ), Đông Nam Bộ (tại Bình Dương), Tây Nguyên (tại Lâm Đồng), Nam Trung Bộ (tại Nha Trang); miền Trung (tại Đà Nẵng); Đồng bằng Bắc Bộ (tại Quảng Ninh); Cao Nguyên Bắc Bộ (tại Lào Cai) và Đồng bằng sông Hồng (tại Hà Nội), diện mạo của Bản đồ ẩm thực Việt Nam đã dần lộ diện, phác họa một nền ẩm thực phong phú từ ngàn xưa.

Chương trình đã tìm ra hơn 140 nhà hàng lớn nhỏ của 39 tỉnh thành với gần 250 món ăn từ dân dã lẫn sáng tạo mới từ kho tàng ẩm thực Việt để đưa vào Bản đồ ẩm thực Việt Nam, dự kiến sẽ công bố trong tháng 10/2014.

Ngoài việc giới thiệu những món ăn đoạt giải, bản đồ còn cung cấp một ngân hàng dữ liệu về ăn món đặc trưng của vùng miền, cách chế biến món ăn đó thế nào, đến một địa danh nào đó muốn tìm món ăn đặc trưng thì tìm ở đâu... Những người từng đến ăn có thể chia sẻ, nhận xét thêm về nhà hàng đó.

Họp báo sơ kết 9 chặng thi Chiếc thìa vàng 2014 tại Bình Dương
Họp báo sơ kết 9 chặng thi Chiếc thìa vàng 2014 tại Bình Dương

“Tôi cảm thấy tự hào khi được tiếp sức với những đầu bếp tài năng, những nhà hàng độc đáo để xây dựng bản đồ ẩm thực Việt Nam, nơi mà mọi người có thể tìm thấy những điều tuyệt diệu nhất trong những chuyến đi của mình dọc theo chiều dài đất nước. Càng đi, càng gặp gỡ những nghệ nhân ẩm thực, lại càng thấy vui và hãnh diện về một nền ẩm thực phong phú và vô cùng đa dạng của quê mình” - ông Lý Ngọc Minh, TGĐ công ty Minh Long I, trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết.

Điểm nổi bật trong hành trình này là Chiếc thìa vàng đã góp phần vào việc giải quyết một khâu thiết yếu trong việc quốc tế hóa món ăn Việt: kỹ thuật trình bày và tôn vinh món ăn. So với cuộc thi lần đầu tiên tổ chức năm 2013, tính chuyên nghiệp của các đầu bếp tham gia vòng thi sơ loại năm nay cao hơn nhiều. Họ đã biết đầu tư cho việc trang trí món ăn, quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phân biệt thớt chế biến thức ăn, đeo găng tay, biết phân loại rác thải, không đưa vào thực đơn các món chế biến từ động vật quý hiếm...
 
Hơn 80% đầu bếp biết tận dụng sản phẩm gốm sứ để làm nổi bật món ăn dự thi của mình

Hơn 80% đầu bếp biết tận dụng sản phẩm gốm sứ để làm nổi bật món ăn dự thi của mình

Đầu bếp Lê Văn Quyết - Á quân mùa thi 2013 - quyết tâm quay lại với Chiếc thìa vàng 2014 chia sẻ: “Tôi luôn muốn đưa những món ăn dân dã Việt Nam như bánh cuốn, bánh dầy hay bún lên bàn tiệc 5 sao, nơi mà tôi đang phục vụ. Và chỉ có sản phẩm Lys Horeca, một sáng tạo giàu nhân văn mới có thể giúp tôi thực hiện được giấc mơ này…”.

Bên cạnh cuộc tranh tài, Ngày hội ẩm thực Hương vị quê nhà cùng diễn đàn Tinh túy ẩm thực Việt diễn ra song song với cuộc thi còn mang lại những hiểu biết mới về món ăn làng quê, về sự tôn vinh những món ngon theo truờng phái “bếp gia truyền” vô cùng đặc sắc của đất nước: từ món ba khía của miền Tây, đến chả cá của vùng biển, món thắng cố của vùng cao hay những món ngon tưởng chừng đã thất truyền cũng được các nghệ nhân ẩm thực mang đến, góp tay vào việc quảng bá du lịch ẩm thực Việt.

PV