Về quê 2/9: Dậy sớm, cân não chọn đường vẫn tắc cứng, một tiếng đi được 5km

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Với nhiều người, chọn đường nào về quê ngày lễ cũng là một bài toán khó. Tắc đường, va chạm giao thông khiến các tài xế phải cân não xem đi lối nào cho bớt khổ.

Dậy sớm tinh mơ vẫn không thoát tắc

Sáng nay 1/9, anh Lưu Anh Tuấn đặt chuông báo thức dậy thật sớm để chuẩn bị cho chuyến về quê ở Hà Nam nghỉ lễ 2/9.

Vì biết ngày lễ áp lực giao thông tăng cao nên anh cùng vợ thống nhất sẽ khởi hành lúc 6h để tránh tắc đường.

Xuất phát từ Ứng Hòa (Hà Nội) anh Tuấn chạy xe theo hướng Vực Vòng (Duy Tiên, Hà Nam) về Liêm Tuyền rồi ra Phủ Lý.

"Tôi không di chuyển từ nội thành nên đỡ hẳn được các "đoạn căng thẳng". Tôi cứ nghĩ ở tận dưới này thì sẽ thoáng.

Nhưng khi xe di chuyển đến đoạn Duy Tiên thì đường bắt đầu tắc cứng. Từ điểm đó đến nút ra Liêm Tuyền chỉ khoảng 5km nhưng tôi đi hết 1 tiếng, từ 7h đến 8h hơn mới thoát ra được", anh Tuấn kể.

Về quê 2/9: Dậy sớm, cân não chọn đường vẫn tắc cứng, một tiếng đi được 5km - 1

Anh Tuấn mất 1 tiếng đồng hồ để di chuyển đoạn đường 5km (Ảnh: NVCC).

Chị Nguyễn Thanh Hoa chia sẻ, gia đình chị mất gấp đôi thời gian cho quãng đường từ Cầu Giấy (Hà Nội) về Ý Yên (Nam Định). Thông thường họ chỉ mất 1,5 tiếng để về quê, còn nay thời gian là hơn 3 tiếng.

Chị Hoa kể: "Gia đình tôi ra về lúc 7h30. Khi ra đến vành đai 3 trên cao, chúng tôi thấy có rất đông xe và bị tắc ở đây khoảng 15 phút.

Đường đông, xe nhiều, lại còn thường xuyên xảy ra va chạm nên chúng tôi liên tiếp gặp phải cảnh tắc đường. Ở đầu Cầu Giẽ có tai nạn, đến nút giao Liêm Tuyền lại có xe va chạm, bị móp méo nặng phải dừng giữa đường".

Về quê 2/9: Dậy sớm, cân não chọn đường vẫn tắc cứng, một tiếng đi được 5km - 2

Một chiếc xe bị móp méo do va chạm với xe khác tại nút giao Liêm Tuyền, Hà Nam (Ảnh: Đức Kiên).

Ngồi trên xe, vì biết nhiều người cũng nóng ruột cập nhật tình hình giao thông để tránh tắc đường nên chị Hoa chia sẻ thông tin lên một trang mạng xã hội. Một số bạn bè của chị cũng nhắn tin cho biết, vì xuất phát muộn hơn nên đến 9-10h họ vẫn chưa ra khỏi Hà Nội.

Cân não chọn lối nào

Rút kinh nghiệm lần về quê trước, vợ chồng chị Tạ Lĩnh (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) xuất phát từ 5h30 sáng để về Nam Định.

Để di chuyển từ nhà ra cao tốc Pháp Vân, chị Lĩnh có hai lựa chọn:  Một là đi đường vành đai 3 trên cao, hai là đi đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển phía dưới.

"Từ hướng Đại lộ Thăng Long đi ra, vợ chồng tôi nhìn thấy đoạn lên đường trên cao thoáng, nghĩ ngon lành nên cho xe đi lên. Ai ngờ đi một đoạn lại tắc cứng, mất một tiếng xe mới "bò" ra đến Pháp Vân", chị Lĩnh kể.

Ngồi trên xe nghe bạn bè cập nhật tình hình đường Nguyễn Xiển phía dưới di chuyển thuận tiện hơn, chị Lĩnh lại tiếc hùi hụi vì không chọn đi đường bên dưới.

Về quê 2/9: Dậy sớm, cân não chọn đường vẫn tắc cứng, một tiếng đi được 5km - 3

Nhìn dòng xe tắc cứng trên vành đai 3 trên cao, chị Lĩnh "hối hận" vì không chọn đi đường bên dưới (Ảnh: Tạ Lĩnh).

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc đi "đường trên" hay "đường dưới" thuận tiện đôi khi là may rủi.

Anh Lê Đức Bằng, hàng xóm nhà chị Lĩnh kể, gia đình anh về Thanh Hóa tối 31/8. Tổng đoạn đường 167km đi hết 3,5 tiếng. Trong đó, anh mất 1,5 tiếng để đi từ chung cư ở An Khánh đến đầu Pháp Vân. Đoạn đường này chỉ 15km.

"Hôm qua, tôi sợ đi đường vành đai 3 trên cao tắc nên chọn đi đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển. Nhưng ai ngờ 15km mà xe đi tới 1,5 tiếng vì dính 2 đèn đỏ và mật độ giao thông gia tăng khủng khiếp. Bình thường tôi đi đường trên cao, có tắc thì cùng lắm 45 phút đến 1 tiếng là thoát", anh Bằng kể.

Gia đình chị Thu Hằng về quê ở Thái Bình tối 31/8. Dù tính hết mọi phương án nhưng họ vẫn phải chịu cảnh tắc đường lúc 12h đêm trên cao tốc.

"Chúng tôi ở Hà Nội về lúc 22h30. Chồng tôi cho xe đi lòng vòng qua lối Văn Điển lên cao tốc. Cả nhà tính về Liêm Tuyền (Hà Nam) nhưng đường tắc quá nên đành về lối Ninh Bình", chị Hằng kể.

Anh Trần Bình (quê Thái Bình) cho biết, khi đưa cả nhà về quê nghỉ lễ, anh cũng phải "cân não" chọn đường đi để cả nhà bớt khổ.

Theo anh Bình, tắc đường không chỉ người cầm lái mệt mỏi mà vợ con ngồi trên xe cũng kiệt sức.

"Vợ tôi say xe, con thì còn nhỏ, ngồi lâu trên xe sẽ quấy khóc. Tôi nhớ hôm 30/4, vì dở công việc nên khởi hành về quê lúc 7h30. Cả nhà mất gần nửa ngày trời vạ vật trên đường mới về được đến quê", anh Bình nói.

Về quê 2/9: Dậy sớm, cân não chọn đường vẫn tắc cứng, một tiếng đi được 5km - 4

Một số tuyến đường như Đại lộ Thăng Long, Khuất Duy Tiến, Giải Phóng... xảy ra tình trạng ùn tắc do lưu lượng phương tiện giao thông đông đúc chiều 31/8 (Ảnh: Nguyễn Hải - Thành Đông).

Từ ngày cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông xe, anh Bình có thêm lựa chọn ngoài tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình. Anh thường không chọn trước tuyến nào mà đến sát giờ đi mới quyết. 

"Tôi thường nghe radio, xem cập nhật trên mạng rồi chọn đường. Nói chung nhiều khi cũng là may mắn bởi cập nhật là vậy nhưng khi mình đi đến điểm đó thì diễn biến giao thông đã khác", anh Bình nói. 

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp, từ ngày 1/9/2023 đến hết ngày 4/9/2023. Nhiều người vì thế lựa chọn đưa gia đình, con cái về quê nghỉ lễ.

Số lượng phương tiện giao thông đổ ra các cửa ngõ Thủ đô gia tăng đột biến kèm theo đó là các vụ va chạm xảy ra khiến nhiều đoạn đường xảy ra ùn tắc.

Chính vì vậy, với nhiều gia đình, đi đường về quê ngày lễ vẫn là một nỗi ám ảnh. Để tránh mệt mỏi và mất quá nhiều thời gian di chuyển, họ phải tính toán đủ cách: Người chọn về trước một ngày, người thì dậy sớm hoặc thay đổi lộ trình. Tuy vậy, việc có về quê nhanh chóng và thuận tiện hay không, đôi khi vẫn còn là may mắn.