Những câu chuyện ly kỳ về tục thờ cá Ông của người dân làng biển

Nguyễn Duy CTV

(Dân trí) - Những chiếc thuyền đi biển gặp nạn được cá Ông cứu đưa vào bờ an toàn… Khi phát hiện cá Ông chết, người dân vùng biển huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã đào huyệt để chôn cất và thờ cúng.

Từ bao đời nay, người dân vùng biển xã Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Kim, Diễn Hải,... của huyện Diễn Châu, Nghệ An dựa vào biển để mưu sinh. Biển còn là nơi thể hiện tín ngưỡng, niềm tin của người dân chài lưới, trong đó phải kể đến tín ngưỡng thờ cá voi hay còn gọi là cá Ông.

Người dân địa phương quan niệm, cá Ông đã giúp đỡ, phù hộ cho ngư dân trong quá trình đi biển. Tương truyền những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường được cá Ông bảo vệ. 

Những câu chuyện ly kỳ về tục thờ cá Ông của người dân làng biển - 1

Cặp mộ cá Ông ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An (Ảnh: Trần Thể).

Dọc ven biển huyện Diễn Châu có khoảng 10 mộ cá Ông lớn nhỏ được bà con ngư dân xây dựng, thờ cúng, thắp hương đều đặn. Cá Ông chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con ngư dân Diễn Châu. 

Cụ Hoàng Nguyên (85 tuổi, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu) chia sẻ: "Theo tôi nhớ, khoảng tháng 2/1997, có một con cá voi chết, trôi dạt vào bờ biển xóm 9 cũ (nay là xóm 5, xã Diễn Trung), dài 7m, nặng 5 tấn, được ngư dân chôn cất và thờ cúng rất trang trọng.

Điều lạ, mỗi lần thủy triều dâng lên tại khu vực mộ cá Ông mặt nước đều yên ả. Dường như vùng biển này đều mưa thuận gió hòa, ngư dân bội thu, suôn sẻ mỗi chuyến vươn khơi". 

Cũng theo cụ Nguyên, phần đầu mộ thờ cá Ông hình mũi thuyền hướng ra biển, thể hiện khát vọng chinh phục biển cả của ngư dân và niềm tin về sự chở che con người khỏi sóng gió.

"Lăng mộ thờ cá Ông luôn hướng ra biển, cũng là cách mà con người bày tỏ mong muốn biển cả là nơi ngư Ông ngự trị, để Ông được hướng về biển khơi như con người hướng về cội nguồn", cụ Nguyên chia sẻ thêm.

Những câu chuyện ly kỳ về tục thờ cá Ông của người dân làng biển - 2

Ngôi mộ dài 4m hình mũi thuyền hướng ra biển (Ảnh: Hán Thương).

Cụ Lê Căng (80 tuổi, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu) kể: "Năm 1982, vào tháng 9 là thời điểm thường xuyên mưa bão nhất trong năm, tôi cùng với con trai lên bè ra khơi lúc nửa đêm. Trước lúc ra khơi, tôi cùng con trai hương khói cho cá Ông, nhưng lạ thay hương thắp mãi không cháy. Đó như là điềm báo trước mà cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in, không lý giải được"

Thời điểm đó, chưa có đài dự báo thời tiết phổ biến như hiện nay, cụ Căng không lường trước được bão sắp đến. Khi bè của 2 cha con cụ vừa ra khơi, gió bất ngờ nổi lên, sóng đập mạnh, làm mạn bè bị nứt vỡ, cụ và con trai không kịp trở tay.

"Lúc đó chúng tôi dùng hết sức bình sinh để giữ vững mái chèo, chân vịt vẫn quay nhưng bè không tài nào tiến về bờ được. Gió lớn quá khiến bè nghiêng ngả, mất phương hướng. Lúc đó, tôi đã nghĩ đến cảnh 2 cha con phải bỏ mạng nơi biển sâu thăm thẳm.

Nhưng thật may thay, bè của chúng tôi bỗng dưng cân bằng trở lại, mặt nước êm ả, bè chúng tôi đã bon bon chạy về bờ. Nhìn lại, tôi thấy một con cá voi chừng khoảng 8m bơi bên cạnh bè. Về đến bờ, cá liền quẫy đuôi bơi ra phía biển cả, tôi mới thực sự tỉnh lại, nhận ra sự nâng đỡ của cá Ông".

Những câu chuyện ly kỳ về tục thờ cá Ông của người dân làng biển - 3

Mộ cá Ông ở xã Diễn Ngọc, Diễn Châu - mũi thuyền hướng ra biển với khát vọng chinh phục biển cả (Ảnh: Hán Thương).

Từ lần đó, cụ càng có thêm niềm tin vào cá Ông, yên tâm ra khơi bám biển, vì cụ tin rằng, khi gặp nạn sẽ có loài cá này xuất hiện chở che con người.

Ông Phạm Văn Hải (72 tuổi, xã Diễn Thịnh) - người trông giữ, lo hương khói cho những ngôi mộ cá Ông, chia sẻ: "Tôi được bà con tin tưởng giao phó việc hương khói cho những ngôi mộ cá Ông ở đây hàng chục năm. Mỗi năm bà con đều tu sửa, dọn dẹp, thăm viếng. Gia đình tôi mỗi lần xuống thuyền đầu năm hoặc muốn đóng thuyền bè mới đều ra lễ vật cá Ông để cầu mong thuận buồm xuôi gió".

Hằng năm vào dịp đầu Xuân, bà con ngư dân huyện Diễn Châu thường tu sửa lại phần mộ cá Ông, tổ chức lễ hội cầu ngư. Lễ hội cầu ngư là một trong những nét đặc sắc trong tục thờ cúng cá Ông của ngư dân miền biển Diễn Châu; dịp để người dân bày tỏ sự biết ơn, lòng thành kính với vị thần biển cả.

                                                                                      Hán Thương - Trần Thể