Ngôi nhà hạnh phúc ở Quảng Ngãi

(Dân trí) - "Mẹ con mất, ba bỏ con đi rồi nhưng giờ ở đây con rất hạnh phúc vì được ông bà chăm sóc, yêu thương", bé Phạm Hoài Thương (8 tuổi) nói về quãng thời gian sống dưới mái nhà của 2 vợ chồng thương binh Nguyễn Thành Phương (sinh năm 1952) và bà Trần Thị Kim Quy (sinh năm 1944) ở thôn Hội Đức (xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh).


Nụ cười của những đứa trẻ trong ngôi nhà hạnh phúc của vợ chồng thương binh Nguyễn Thành Phương ở Quảng Ngãi.

Nụ cười của những đứa trẻ trong "ngôi nhà hạnh phúc" của vợ chồng thương binh Nguyễn Thành Phương ở Quảng Ngãi.

Nơi bất hạnh được sẻ chia

Trong căn nhà nhỏ, ông Phương vui vẻ nhường "thẩm quyền làm việc" cho vợ vì tai ông hiện nghe rất yếu nên trò chuyện khó khăn. Tiếp lời chồng bà Quy kể, Hoài Thương hiện là em út trong "gia đình" 10 mảnh đời bất hạnh được ông bà cưu mang hơn 30 năm qua. Tròn 5 tuổi, Hoài Thương phải chịu cảnh mồ côi mẹ, rồi đến lượt ba cũng bỏ đi xa để cô bé cho ông bà già yếu thường xuyên đau ốm. Thấy hoàn cảnh cô bé đáng thương, vợ chồng bà Quy nhận cháu về chăm sóc. "Lúc đầu ba cháu có gửi chút ít tiền về lo cho cháu, nhưng chỉ được vài tháng là biệt tích, không thèm đoái hoài gì tới con bé nữa", bà Quy cho biết. Vậy nên 3 năm qua, Hoài Thương được ông bà Quy yêu thương, chăm sóc nhiều hơn cả cháu ruột của mình để xóa đi những ký ức buồn của bé.


Những đứa trẻ bất hạnh được vợ cồng ông Phương, bà Quy chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, học hành đủ đầy như lo cho cháu ruột của mình

Những đứa trẻ bất hạnh được vợ cồng ông Phương, bà Quy chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, học hành đủ đầy như lo cho cháu ruột của mình

10 con người đến với "ngôi nhà hạnh phúc" có những hoàn cảnh khác nhau đều được bà Quy nhớ như in. Tầm năm 1985 - 1986 bà nhận nuôi hoàn cảnh khó khăn đầu tiên nhưng ít lâu sau cháu không may qua đời. Rồi cứ thế, như có "cơ duyên" những mảnh đời khó khăn, bất hạnh cứ tìm đến nhà ông bà.

Trường hợp anh Đỗ Minh Hoàng quê ở huyện Bình Sơn được ông bà xem là một "ca khó". Học đến lớp 10 thì Hoàng chán học, thường xuyên quậy phá rồi bỏ học vượt biên nên bị bắt quản thúc. Chẳng hiểu sao mẹ anh Hoàng làm nghề bán mắm chỉ gặp mặt ông bà vài lần lại nhờ giúp đỡ. Thấy hoàn cảnh mẹ góa, con côi nên ông bà nhận nuôi rồi dạy cho nghề sửa xe để kiếm sống.

Mới đầu ông bà cũng lo vì tính nết anh Hoàng, nhưng rồi tình yêu thương thật sự giữa người với người đã cảm hóa được chàng trai trẻ. Bà Quy thổ lộ: "Có lần tôi vô tình đọc được nhật ký của Hoàng mới biết nó xem nhà chúng tôi là nơi dừng chân cuối cùng của mình. Nó quyết chí thay tâm, đổi tính vì nó cảm thấy được mọi người sẻ chia và tin tưởng".

Ươm yêu thương, gặt hạnh phúc

"Khi tôi còn nhỏ, cha đi tập kết còn mẹ bị địch bắt tù đày. May nhờ bà con hàng xóm cưu mang tôi mới có ngày hôm nay. Từ đó hạt mầm của tình yêu thương cứ lớn lên giúp tôi cảm thông và sẻ chia với những cảnh đời bất hạnh", bà Quy nói.

Vậy nên hơn 30 năm qua, vợ chồng ông bà luôn rộng cửa chào đón những mảnh đời bất hạnh, khó khăn đến với mái ấm rộn rã tiếng cười. Người thì tàn tật, người có quá khứ lầm lỗi đến các cháu mồ côi cha mẹ... cứ đến đây là trở thành người một nhà. Rồi người này trưởng thành ra đi lại có thêm thành viên mới đến với nhà ông bà như "duyên nợ". "Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện giờ là tuổi ngày một cao, sức khỏe yếu nên không biết còn chăm lo cho các cháu được bao lâu nữa", bà Quy tâm sự.

Căn nhà luôn rộn rã tiếng cười đùa của lũ trẻ.
Căn nhà luôn rộn rã tiếng cười đùa của lũ trẻ.

Tiếp lời mẹ, cô con gái lớn Nguyễn Thị Hoài Nhơn cười bảo, mẹ xem mấy đứa là con cháu trong nhà thì chúng con cũng làm được. Chị Nhơn là giáo viên đã có gia đình riêng sát nhà cha mẹ. Thấy được việc làm ý nghĩa của ông bà nên sau mỗi giờ lên lớp, chị tranh thủ về giúp mẹ nấu ăn cho bọn trẻ, chỉ cho chúng học, chăm sóc cho những đứa trẻ "người dưng" như người mẹ, người chị.

Bữa cơm trưa trong ngôi nhà nhỏ rộn rã tiếng cười đùa của lũ trẻ, chị Nhơn cười tươi: "Ba chị trên người có đến 10 vết thương, mất một bàn tay nữa nên sức khỏe không tốt. Vậy mà ông chăm các cháu kỹ lắm. Trời vừa chuyển lạnh là ông lụi cụi nấu nước nóng tắm cho từng đứa. Mẹ lo lắng cho tụi nhỏ từng thứ một, con chị có gì thì mấy đứa nhỏ cũng có cái đó".

Chị Nhơn cho biết, có em Hùng được nuôi từ lúc 3 tuổi, giờ đang học tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Mẹ vẫn còn nhưng hoàn cảnh khó khăn lắm, vậy là mỗi tháng ông bà lại lo cho Hùng từng kg gạo, ít đồ ăn gửi ra để em yên tâm học tập. Các khoản học phí, tiền tiêu của em đều được ông bà lo cả.

Ngoài 10 trường hợp có "hộ khẩu" chính thức, trước giờ vợ chồng ông bà còn nhận giúp đỡ 20 trường hợp khó khăn khác. "Hiện 2 chị em bé Vân Anh ở đây được 3 năm, cha mẹ các cháu đi làm ăn xa nhưng khổ lắm nên mỗi tháng chỉ hỗ trợ được 1 triệu đồng, mà không hỗ trợ được thì ông bà cũng lo cho các cháu thôi", chị Nhơn cho biết.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tấn Tài - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp xác nhận, việc làm của vợ chồng bà Quy là một câu chuyện đẹp ở xã nghèo Tịnh Hiệp. "Vừa qua chúng tôi cũng vận động quyên góp mỗi tháng một ít tiền để hỗ trợ cho ông bà lo cho các cháu. Thế nhưng ông bà từ chối với mong muốn chúng tôi hỗ trợ cho những trường hợp khác khó khăn hơn".

Hà Xuyên