Đắk Lắk:

Gần 30 năm trời mỏi mòn chờ điện về thôn

(Dân trí) - Từ khi di cư từ miền Bắc vào mảnh đất Tây Nguyên để lập nghiệp đến nay đã xấp xỉ 30 năm trời nhưng hàng trăm hộ dân tại thôn Nà Ven (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) vẫn phải sống trong cảnh không có điện dù cho thôn này chỉ cách thủy điện chưa đầy 3 cây số.

“Mong một lần được có điện trong đời”

Thôn Nà Ven nằm cách trung tâm thị trấn Buôn Đôn chừng 10km, cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chừng 30 km nhưng đời sống của người dân nơi đây dường như tách biệt với cả thế giới bên ngoài. Con đường đất dẫn tới thôn vào trời nắng bụi tung mù trắng xóa, trời mưa thì lầy lội trơn trượt khiến người dân vô cùng khổ sở nhưng với họ khổ nhất vẫn là không có chiếu sáng.


Không có điện nên cụ Liêu phải dùng nước mưa hoặc bơm nước bằng tay từ giếng lên để dùng

Không có điện nên cụ Liêu phải dùng nước mưa hoặc bơm nước bằng tay từ giếng lên để dùng

Tìm đến nhà cụ Nguyễn Thế Liêu (74 tuổi) - một trong những người lớn tuổi nhất của thôn, cụ cho biết người dân thôn Nà Ven chủ yếu là người dân quê gốc Thái Bình di dân vào Tây Nguyên để lập nghiệp từ năm 1988 đến nay. Những tưởng vùng đất này sẽ là nơi để bà con yên tâm sản xuất, sinh sống nhưng thời gian dần trôi qua khi những vùng đất lân cận ngày càng phát triển, đời sống khấm khá, con em được học hành tới nơi tới chốn thì thôn Nà Ven thì vẫn “dẫm chân tại chỗ” như thuở sơ khai của nó.

“Chúng tôi chờ điện suốt 29 năm trời rồi mà có thấy được cấp điện đâu, cứ thấy người ta hứa mãi rồi cũng vậy. Bao nhiêu hộ đã lũ lượt bỏ Nà Ven này mà đi nơi khác có điện để sinh sống rồi, còn lại vài chục hộ nghèo như chúng tôi thì lấy đâu ra tiền mà mua đất nơi khác để sống chứ. Tôi thì già cả rồi cũng khao khát được một lần có điện trong đời nhưng càng nghĩ càng thương những đứa trẻ của thôn cứ thua thiệt mãi với người ta”, cụ Liêu tâm sự.


Phương tiện giải trí duy nhất của cụ là chiếc radio cũ chạy bằng pin

Phương tiện giải trí duy nhất của cụ là chiếc radio cũ chạy bằng pin

Cụ Liêu cũng cho biết, người dân của thôn rất “khát” điện để cải thiện kinh tế và có nguồn nước sạch để dùng. “Dân chúng tôi muốn nuôi con gà cũng chẳng có điện để sưởi ấm, muốn trồng luống rau cũng chẳng có điện để bơm nước tưới, ngay cả nước sinh hoạt cũng phải dùng nước mưa, nước sông hoặc dùng bơm tay vất vả lắm”, cụ nói.

Trong căn nhà gỗ cũ kỹ của cụ Liêu có lẽ chiếc radio chạy bằng pin là phương tiện giải trí duy nhất. Đến ngần này tuổi mà nhà cụ cũng không có ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện hay máy giặt gì cả bởi có mua cũng không xài được vì nỗi khổ mang tên…điện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Giang – Trưởng thôn Nà Ven, cho biết, hiện nay thôn có 40 hộ với khoảng 125 khẩu, đời sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, kinh tế không phát triển, trẻ em học hành dang dở, tỷ lệ hộ nghèo chiếm phần đa mà nguyên nhân chính là do không có điện.

Theo ông Giang, các hộ dân nơi đây muốn có đèn chiếu sáng đều phải xài bình ắc quy để phát điện, nhà nào khấm khá hơn sẽ mua máy năng lượng mặt trời để sạc bình cho ắc quy còn không thì phải mang đi sạc, giá mỗi bình sạc khoảng 25 ngàn đồng, xài được khoảng 2 ngày.

“Bà con rất vất vả, mọi việc từ sinh hoạt đến đồng áng đều phải làm thủ công hết do thiếu điện nên không được hỗ trợ của các phương tiện gì cả. Lần nào tiếp xúc cử tri ở địa phương chúng tôi cũng khiến nghị cấp điện mãi cho thôn nhưng đến nay cũng chưa thấy họ triển khai. Dân cứ vậy mà khổ lại cứ khổ mãi trong vòng luẩn quẩn cô ạ”, ông Giang than thở.


Mọi người trong thôn Nà Ven đều sử dụng bình ắc quy để thắp sáng

Mọi người trong thôn Nà Ven đều sử dụng bình ắc quy để thắp sáng

Điều làm bà con dân làng băn khoăn, theo ông Giang đó là việc thôn Nà Ven nằm rất gần thủy điện Sêrêpôk 4A và cũng không xa trung tâm huyện là mấy nhưng vẫn chưa được cấp điện. Bên cạnh đó, vấn đề đường sá và nước sinh hoạt, sản xuất cũng là vấn đề bà con rất trông chờ vào chính quyền các cấp.

“Nước sinh hoạt của người dân trước đây đều phải dùng bơm tay để lấy nước rất bất tiện, đến năm ngoái thôn được huyện cấp cho một chiếc máy phát điện để luân phiên lấy nước cho tất cả các hộ trong thôn; riêng về nước sản xuất của thôn thì dường như không có vì không có điện để vận hành máy bơm nước vào rẫy”, ông Giang nói.

Học sinh chịu nhiều thiệt thòi vì không có điện

Vấn đề không có điện không chỉ ảnh hướng lớn đến việc sinh hoạt, sản xuất mà còn ảnh hưởng lớn vấn đề học hành của con em trong thôn. Tại thôn Nà Ven do đường sá đi lại khó khăn, nên đã được xây dựng 2 phân hiệu nhà trường là trường Mầm non Hoa Anh Đào và trường tiểu học Nguyễn Du để các học sinh của thôn tiện đến trường. Tuy nhiên, do không có điện nên dù có xây dựng hệ thống điện thắp sáng và quạt cho học sinh thì cũng không sử dụng được.


Học sinh của thôn chịu nhiều thiệt thòi vì không có điện

Học sinh của thôn chịu nhiều thiệt thòi vì không có điện

Cô H’Dun Byã – Giáo viên trường mầm non Hoa Anh Đào, cho biết, vì không có điện nên các em học sinh tới lớp thì đều phải mang cơm theo để ăn vì các cô không thể nấu nướng bữa trưa được do không có điện. Còn trong mùa nắng nóng thì đều phải dùng quạt tay cho các em vì hệ thống quạt không có điện để vận hành.

Không chỉ vậy, việc các em học sinh học và ôn bài về nhà cũng rất hạn chế, “Hôm nào em cũng phải học bài từ chiều do đến tối nhà em chỉ có duy nhất một bóng đèn lại không được sáng lắm nên thấy chữ không được rõ. Em rất mong nhà em được có điện để được học bài nhiều hơn và có thể xem được ti vi”, em Vũ Thị Thu Hiền (học sinh lớp 2, trường TH Nguyễn Du) hồn nhiên nói.

Do không có điện để giáo viên nấu ăn nên đi học các em phải mang cơm ở nhà theo
Do không có điện để giáo viên nấu ăn nên đi học các em phải mang cơm ở nhà theo

Trả lời về vấn đề cấp điện cho thôn Nà Ven, ông Vũ Tiến Dũng – Chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Buôn Đôn, cho biết: “Chúng tôi cũng luôn ưu tiên số 1 đặt thôn Nà Ven vào danh sách cần cấp điện nhất của huyện khi gửi các văn bản xin cấp điện. Theo công văn mới đây nhất của Sở Công thương thì vào tháng 4, tháng 5 này thôn Nà Ven sẽ được kéo điện lưới”.


Hệ thống đèn điện và quạt trần được xây dựng nhưng không thể sử dụng

Hệ thống đèn điện và quạt trần được xây dựng nhưng không thể sử dụng

Ông Nguyễn Văn Vinh – Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Điện lực Đắk Lắk, cho biết, thôn Nà Ven đã được khảo sát và đưa vào Dự án “Cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia của tỉnh Đắk Lắk, gia đoạn 2015 – 2020” nên trong thời gian tới thôn sẽ được cấp điện và Dự án này được Sở Công thương tỉnh làm chủ đầu tư dự án.

Thúy Diễm