Doanh nghiệp bán lẻ điện máy đứng vững trên sân nhà

Thị trường bán lẻ mới thực sự trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết trước sự ra đời của hàng loạt những trung tâm điện máy lớn chiếm lĩnh những ưu thế thuận lợi về mặt bằng kinh doanh bên cạnh các yếu tố cơ bản như: thị trường, nguồn nhân lực, hàng hóa, dịch vụ…

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã chính thức mở cửa được gần 1 năm nhưng đến thời điểm này, thị trường bán lẻ mới thực sự trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết trước sự ra đời của hàng loạt những trung tâm điện máy lớn chiếm lĩnh những ưu thế thuận lợi về mặt bằng kinh doanh bên cạnh các yếu tố cơ bản như: thị trường, nguồn nhân lực, hàng hóa, dịch vụ… Dường như các doanh nghiệp điện máy luôn là những nhà tiên phong trong việc khai phá mở rộng thị trường.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Trung Thành-Phó Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và thương mại Ngôi Sao Châu Á

Doanh nghiệp bán lẻ điện máy đứng vững trên sân nhà - 1

PV: Nhận định của doanh nghiệp về thị trường bán lẻ điện máy Hà Nội nói riêng, VN nói chung hiện nay?
 
Một vài năm trở lại đây, thị trường Việt Nam chứng kiến sự phát triển rất mạnh của các siêu thị điện máy với quy mô lớn, thay thế dần cho các cửa hàng bán đồ điện tử, điện lạnh nhỏ lẻ. Riêng thị trường Hà Nội, từ chỗ chỉ có 1, 2 siêu thị điện máy thì chỉ trong vòng 2 năm (2008 - 2009), số lượng này đã lên con số hàng chục. Thị trường bán lẻ Việt Nam đã chính thức mở cửa được gần 1 năm.
 
Tuy nhiên đến thời điểm này, các doanh nghiệp bán lẻ điện máy mediamart, hc, pico… vẫn đang là những doanh nghiệp đứng vững trên sân nhà. Năm 2008, doanh số bán lẻ của Việt nam đã đạt con tỷ USD và trở thành nước có chỉ số bán lẻ đứng đầu trên toàn thế giới, trong đó doanh số của ngành bán lẻ điện máy chiếm không nhỏ.
 
Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp bán lẻ điện máy trong nước hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Minh chứng rõ ràng là đến thời điểm này, người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm điện máy đều biết đến những doanh nghiệp tên tuổi lớn kinh doanh mặt hàng này với những cái tên như Topcareplaza, Nguyễn Kim, mediamart, hc, picoplaza, Việt Long…
 
PV: Chỉ trong vòng 1 năm, hàng chục siêu thị điện máy ra đời, đó là sự phát triển vượt bậc. Và Topcareplaza cũng vừa khai trương chuỗi siêu thị thứ 2. Điều đó có nằm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp?
 
Thực tế, việc kinh doanh hiệu quả cao hay thấp, phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của mặt bằng kinh doanh mà DN đó đang sở hữu. Trước sự “đổ bộ” của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài vừa có vốn vừa có kinh nghiệm, thì bên cạnh việc nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, một trong những chiến lược đối phó của các doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy chính là tập trung khai thác, sở hữu các mặt bằng bán lẻ có vị trí đẹp, thuận tiện.
 
Bên cạnh đó, tâm lý đi mua sắm hàng điện máy đã thay đổi, người tiêu dùng không đơn thuần là tìm hàng tốt, giá hợp lý mà còn là quãng thời gian đi tìm hiểu, so sánh giá, tham quan, thư giãn nên ngoài vốn, chiến lược kinh doanh, quản trị hiệu quả… việc chọn cho mình được một mặt bằng kinh doanh rộng rãi, ở khu tập trung đông dân cư đã và đang được nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhắm tới.
 
Nắm bắt được điều đó, ngày 12/11/2009, chúng tôi chính thức khai trương chuỗi hệ thống siêu thị điện máy topcareplaza tại 335 Cầu Giấy – HN. Đây cũng được coi là minh chứng rõ ràng cho việc chú trọng khai thác địa thế, mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp.
 
PV: Tuy nhiên, trên thực tế thị trường điện máy VN đã có khá nhiều tên tuổi kinh doanh tương tự, vậy theo ông đâu là cơ hội cho Topcareplaza?
 
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, 12 trung tâm mua sắm chất lượng cao, với tổng diện tích gần 160.000 m2 quả thật còn quá khiêm tốn so với nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội mở rộng với hơn 6 triệu người. Trong vòng chưa đầy 1 năm chúng tôi chính thức khai trương 2 chuỗi siêu thị điện máy lớn. 1 tại 87 Láng Hạ và 2 tại 335 Cầu Giấy.
 
Để làm được điều đó không phải dễ với 1 doanh nghiệp mới thành lập như Topcareplaza nhất là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này chúng tôi đã làm được điều đó chứng tỏ chiến lược kinh doanh của chúng tôi đúng đắn. Đồng thời cũng khẳng định chúng tôi nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Chừng nào người tiêu dùng còn ủng hộ thì những doanh nghiệp như Topcareplaza còn cơ hội để phát triển.
 
PV: Khi doanh nghiệp hội nhập thị trường bán lẻ, bài toán về thị trường nhân lực cũng không kém phần quan trọng, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
 
Với doanh nghiệp bán lẻ, ngoài đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chúng tôi cũng rất chú trọng đến nguồn nhân lực bán hàng. Hiện tại, nhiều DN bán lẻ chưa nhìn nhận đúng vai trò của người bán hàng, trong khi đó họ trực tiếp quan hệ với khách hàng, tạo nên khách hàng quen thuộc và đóng góp không nhỏ cho doanh thu của siêu thị. Xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực mạnh cũng chính là mục tiêu của Topcareplaza.
 
PV: Ông có thể cho biết thêm về chiến lược dài hơi của Topcareplaza?
 
Trong thời điểm nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay việc xây dựng chiến lược phát triển lâu dài là điều quan trọng. Khó khăn, thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội.Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khai thác những thế mạnh của mình về địa thế, chất lượng, giá cả sản phẩm cùng các dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng... Đồng thời, chúng tôi cũng đang xây dựng kế hoạch mở rộng thương hiệu Topcareplaza hơn nữa không chỉ tại Hà Nội mà nhiều thành phố lớn khác trên cả nước.
 
Xin cảm ơn ông!